Tầm nhìn mới, cơ hội mới xây dựng Thủ đô Hà Nội văn hiến – văn minh – hiện đại, thành phố kết nối toàn cầu
Ngày 7/10, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Thành ủy Hà Nội phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Tầm nhìn mới, cơ hội mới xây dựng Thủ đô Hà Nội văn hiến – văn minh – hiện đại, thành phố kết nối toàn cầu”.
Các đồng chí: Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Trung tướng, TS Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; Trần Sỹ Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội; Thượng tướng, TS Lê Huy Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng; TS Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội dự, chủ trì Hội thảo.
Hội thảo nhằm xác định vị trí, vai trò, sứ mệnh lịch sử của Thủ đô Hà Nội với quốc gia, dân tộc; sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với quá trình phát triển của Thủ đô. Đồng thời, xác định ý nghĩa to lớn của ngày Giải phóng Thủ đô, khẳng định sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh, tinh thần đại đoàn kết dân tộc, ý chí, quyết tâm và sức mạnh của Quân đội nhân dân Việt Nam là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam; những thành tựu trong sự nghiệp đấu tranh, xây dựng và phát triển Thủ đô trong 70 năm qua, đặc biệt những thành tựu kinh tế - xã hội đã đạt được trong gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước.
Thông qua Hội thảo góp phần xác định định hướng, tầm nhìn mới, khát vọng vươn lên để phát triển Thủ đô “Văn hiến - văn minh - hiện đại” và kết nối toàn cầu. Trong đó, tập trung cụ thể hoá các nhiệm vụ, giải pháp để triển khai 03 văn kiện quan trọng của Hà Nội là: Luật Thủ đô 2024; Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.
Phát biểu kết luận Hội thảo, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, với tinh thần làm việc khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm, khoa học, Hội thảo quốc gia "Tầm nhìn mới, cơ hội mới xây dựng Thủ đô Hà Nội văn hiến - văn minh - hiện đại, thành phố kết nối toàn cầu" kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024) đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra.
Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được hơn 90 báo cáo, tham luận của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo, chuyên gia, nhà khoa học. Các tham luận khẳng định sự quan tâm đặc biệt trong lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước đối với quá trình xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội. Trong các giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Trung ương Đảng thường xuyên chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo quân dân Hà Nội đấu tranh kiên cường, mưu trí, quả cảm, lập nên nhiều chiến công hiển hách.
Quân dân Hà Nội luôn tiên phong, anh dũng trong chiến đấu và cùng quân dân miền Bắc làm hậu phương vững chắc cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Bước vào thời kỳ xây dựng và phát triển, nhất là trong công cuộc đổi mới, Đảng, Nhà nước đã thường xuyên quan tâm ban hành các chủ trương, nghị quyết, chính sách, luật, cơ chế đặc thù để Thủ đô phát triển xứng tâm thời đại.
Đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cũng cho biết, nhiều ý kiến đã chỉ rõ, Thủ đô Hà Nội có vai trò to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là trong công cuộc đổi mới đồng bộ, toàn diện đất nước. Thủ đô đi trước, đi đầu trong việc thực hiện và hoàn thành sớm các kế hoạch, chiến lược phát triển đất nước; đóng vai trò là trung tâm, đầu mối kết nối, dẫn dắt, tạo động lực thúc đẩy, tạo hiệu ứng lan tỏa đổi mới sáng tạo đối với vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển đô thị quốc gia.
Ngoài ra, các chuyên gia đã tập trung phân tích những thành tựu và kết quả phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô qua 70 năm, từ đó thống nhất nhận định: Hà Nội là Trung tâm kinh tế lớn, đóng góp ngày càng tăng vào quá trình phát triển kinh tế cả nước. Tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn cao hơn bình quân chung cả nước. Hà Nội luôn đi đầu cả nước về phong trào văn hóa, là thành phố đầu tiên của Việt Nam tham gia mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO. Chất lượng y tế và giáo dục Thủ đô luôn vượt trội hơn so với cả nước. Quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.
Đồng thời, nhiều ý kiến khẳng định và tin tưởng, đến năm 2030, Thủ đô Hà Nội sẽ ngày càng hội tụ nhiều tiềm năng to lớn cho phát triển và là một cực tăng trưởng của vùng đồng bằng Sông Hồng và của cả nước. Hà Nội chắc chắn vẫn sẽ tiếp tục giữ vị thế là cực tăng trưởng kinh tế lớn nhất của vùng đồng bằng Sông Hồng và của cả miền Bắc. Tuy nhiên, tình hình mới cũng tiếp tục đặt ra cho Thủ đô Hà Nội không ít cơ hội rộng mở và thách thức mới. Điều này cũng đặt ra yêu cầu Hà Nội phải vượt qua thách thức, tận dụng cơ hội để tiếp tục phát triển, thực sự đóng vai trò là động lực, khởi tạo và dẫn dắt sự phát triển của Vùng và của cả nước.
Theo đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, nhiều chuyên gia, nhà khoa học đã đi sâu phân tích, tổng kết các bài học kinh nghiệm trong nước và quốc tế chỉ ra để thực sự tạo đột phá phát triển Thủ đô trong giai đoạn tới cần ưu tiên tập trung vào các vấn đề: dịch vụ và kinh tế đô thị - đây được cho là trụ cột kinh tế Thủ đô Hà Nội; phát triển công nghiệp văn hóa kết hợp với dịch vụ, du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm hàng đầu về công nghiệp vi mạch bán dẫn, công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo; công nghệ sinh học, hóa dược, mỹ phẩm; các sản phẩm công nghệ cao, vật liệu mới. Phát triển nông nghiệp có hàm lượng khoa học công nghệ cao, các mô hình nông nghiệp đô thị; phát triển giáo dục, y tế Thủ đô hiện đại, chuẩn quốc tế. Cùng với đó, đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng và hạ tầng số tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số, công dân số, coi đây là tiền đề quan trọng để Hà Nội bứt phá trong thời kỳ tới; giải quyết căn bản các vấn đề ô nhiễm môi trường như: ô nhiễm không khí, sông, hồ, thu gom xử lý nước thải, rác thải đô thị; phát triển hài hòa khu vực đô thị và nông thôn.
Đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh, Hội thảo đã thu hút sự quan tâm của đông đảo chuyên gia, nhà khoa học, nhà lãnh đạo, quản lý và cơ quan nghiên cứu hàng đầu ở nhiều lĩnh vực quan trọng. Đây là lực lượng trí thức tâm huyết, nhiệt tình, có tinh thần trách nhiệm cho sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô. Những ý kiến, đề xuất, giải pháp được nêu ra sẽ là cơ sở quan trọng giúp Thủ đô Hà Nội tiếp tục thực hiện mục tiêu phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị.
Đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị, thời gian tới, bên cạnh sự quan tâm lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực không ngừng của Đảng bộ và Nhân dân Thủ đô, các chuyên gia, nhà khoa học sẽ tiếp tục hỗ trợ, đồng hành cùng Thủ đô để góp phần thúc đẩy phát triển Thành phố Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” - xứng đáng vừa là trung tâm chính trị, hành chính của quốc gia, vừa là trung tâm phát triển kinh tế - xã hội năng động, đổi mới sáng tạo, kết nối toàn cầu. Qua đó, để Hà Nội luôn là niềm tự hào của của cả nước, tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư và du khách quốc tế; góp phần cùng cả nước đưa dân tộc Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc./.