Phát triển khoa học lý luận chính trị theo quan điểm Đại hội XIII của Đảng

Đây là chủ đề Hội thảo khoa học cấp bộ do Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức ngày 07/9 tại Hà Nội, với sự tham dự của đông đảo các nhà khoa học lý luận, lãnh đạo quản lý và giảng viên các viện nghiên cứu, trường đại học trong nước.

Quang cảnh Hội thảo.

Tại Hội thảo, các đại biểu phân tích, trao đổi làm rõ khái niệm, nội dung của khoa học lý luận theo quan điểm Đại hội XIII của Đảng, nhấn mạnh đây là lần đầu tiên cụm từ “khoa học lý luận chính trị” được đưa vào văn kiện Đại hội Đảng, chính thức xác lập vị trí, vai trò hết sức quan trọng, là một trong bốn ngành khoa học cần thúc đẩy phát triển bên cạnh khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và công nghệ, khoa học xã hội và nhân văn.

Hội thảo đặt ra vấn đề đổi mới có tính đột phá trong nghiên cứu, phát triển khoa học lý luận chính trị nhằm đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, quản lý của Đảng và Nhà nước, cũng như nhu cầu đổi mới và phát triển của đất nước trong bối cảnh mới.

Hội thảo thống nhất khẳng định việc nghiên cứu, làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn, đánh giá sự phát triển khoa học lý luận chính trị ở nước ta theo quan điểm Đại hội XIII là cần thiết, nhằm giúp khoa học lý luận chính trị phát triển đúng hướng và phục vụ hiệu quả các mục tiêu phát triển đất nước mà Đại hội đã đề ra.

Cũng tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận về: những nội dung mới trong khoa học lý luận chính trị của Đảng, tập trung vào những vấn đề lý luận và thực tiễn mới về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; khoa học lý luận chính trị theo quan điểm Đại hội XIII của Đảng gắn với từng bộ phận trong hệ thống khoa học lý luận chính trị và thực tiễn hoạt động lãnh đạo của Đảng, quản lý, điều hành của Nhà nước và hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội; khoa học xã hội và nhân văn với khoa học lý luận chính trị trong xây dựng quân đội...

Các đại biểu dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm.

Nhiều đại biểu đã đề xuất các giải pháp nhằm phát triển khoa học lý luận chính trị của Đảng như: gắn kết hoạt động nghiên cứu khoa học lý luận chính trị với công tác truyền bá lý luận của Đảng; phát triển khoa học lý luận gắn với tăng cường đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; nâng cao năng lực bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng cho đội ngũ giảng viên lý luận chính trị; nghiên cứu lý luận chính trị trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; phát triển tư duy lý luận của Đảng về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên...