Phát động sáng tác văn học nghệ thuật “Sống mãi với thời gian”
Tối 18/12, tại Nhà hát thành phố Hải Phòng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng phát động sáng tác tác phẩm văn học nghệ thuật “Sống mãi với thời gian” giai đoạn 2022-2025.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư gửi lẵng hoa chúc mừng.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương dự Lễ phát động.
Phát biểu tại Lễ phát động, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định, trong suốt hàng ngàn năm lịch sử hào hùng của dân tộc ta, văn học, nghệ thuật và đội ngũ văn nghệ sĩ luôn có những đóng góp quan trọng cho sự nghiệp dựng nước và giữ nước, đấu tranh vì nền độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, cũng như trong xây dựng và phát triển đất nước.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đội ngũ văn nghệ sĩ đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, ra sức lao động, sẵn sàng đến những nơi tuyến đầu của các mặt trận, gắn bó máu thịt với quân và dân, sáng tạo nên những tác phẩm văn học, nghệ thuật “sống mãi với thời gian” nhằm cổ vũ tinh thần đấu tranh cách mạng của nhân dân ta và làm phong phú, rạng rỡ nền văn học, nghệ thuật Việt Nam…
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế trong hoạt động văn hóa nghệ thuật thời gian vừa qua. Đồng thời, mong muốn cuộc phát động sáng tác này sẽ tạo ra những tác phẩm văn học, nghệ thuật xuất sắc, có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật trong thời kỳ mới, thiết thực triển khai thực hiện các quan điểm, chủ trương của Đảng về xây dựng và phát triển nền văn học, nghệ thuật Việt Nam.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa mong muốn đội ngũ văn nghệ sĩ tiếp tục phát huy tài năng, trí tuệ, nêu cao ý thức, trách nhiệm công dân, rèn luyện đạo đức, bám sát thực tiễn sinh động của công cuộc xây dựng đất nước trong thời kỳ mới, để sáng tạo nên các tác phẩm phản ánh hơi thở cuộc sống, có giá trị phụng sự đất nước và nhân dân. Những sáng tác văn học, nghệ thuật đó phải góp phần bồi đắp, nâng cao tư tưởng, tâm hồn, nhân cách, đạo đức, lối sống của con người Việt Nam, dẫn đường và đồng hành với công chúng vươn đến tầm cao về tư tưởng, nghệ thuật và thị hiếu thẩm mỹ; khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Cùng với đó, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, các hội văn học, nghệ thuật chuyên ngành Trung ương và địa phương tiếp tục phát huy vai trò là mái nhà chung, nơi quy tụ văn nghệ sĩ cả nước trong sự chan hòa tình đồng nghiệp và niềm vui của sự sáng tạo, cống hiến; thực sự là nơi đại diện cho ý chí, nguyện vọng và là cầu nối giữa đội ngũ văn nghệ sĩ với Đảng và Nhà nước.
Mặt khác, Hội cũng cần khuyến khích những sáng tạo, tìm đường cho các giá trị của văn học, nghệ thuật truyền thống hiện diện trong hơi thở của thời đại; quan tâm hơn nữa đến sáng tác các tác phẩm văn học, nghệ thuật dành cho thiếu nhi, những tác phẩm có thể “sống mãi với thời gian”; hạn chế sự lệch lạc, sa đà theo các trào lưu, xu hướng hời hợt, thoảng qua, thiếu bền lâu trong lòng công chúng.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa cũng yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các cấp ủy đảng, chính quyền tiếp tục quan tâm, bồi dưỡng đội ngũ văn nghệ sĩ, những tài năng nghệ thuật của đất nước; tạo mọi điều kiện thuận lợi để đội ngũ văn nghệ sĩ hoạt động, phát huy khả năng sáng tạo nghệ thuật, xây dựng các tác phẩm có chất lượng cao, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc; quyết tâm tạo bước chuyển biến rõ nét trong nhiệm vụ xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống và đời sống văn hóa, văn học, nghệ thuật lành mạnh; tổ chức thực hiện thắng lợi đường lối của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, văn học, nghệ thuật Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng…
Tại Lễ phát động, Ban Tổ chức cũng công bố thể lệ và các quy định của đợt phát động sáng tác đợt này. Theo đó, các tác giả, tập thể tác giả là công dân Việt Nam đang sinh sống, làm việc, học tập, lao động ở trong nước và ngoài nước, người nước ngoài đang sinh sống, làm việc, học tập, lao động tại Việt Nam đều có thể tham gia sáng tác và gửi tác phẩm dự thi với số lượng không hạn chế.
Thể loại sáng tác là: tiểu thuyết và trường ca (đối với văn học); kịch nói, tuồng, chèo, cải lương, ca kịch (đối với sân khấu); giao hưởng, hợp xướng, nhạc kịch (đối với âm nhạc); thơ múa, tổ khúc và kịch múa (đối với múa).
Đề tài hướng tới phản ánh về phong trào cách mạng trong thời kỳ đổi mới; ca ngợi về truyền thống lịch sử vẻ vang của Đảng, Bác Hồ và những thắng lợi, những thành tựu to lớn của đất nước…
Cùng với đó, các tác phẩm dự thi cũng cần phản ánh hiện thực xã hội, người tốt việc tốt, xây dựng nhân cách con người Việt Nam và phong trào học tập, làm việc theo tấm gương đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh; đấu tranh, phê phán, đẩy lùi cái xấu, cái ác, các quan điểm, hành vi sai trái, suy thoái tư tưởng, đạo đức, lối sống tiêu cực…; quảng bá, nâng cao vị thế, hình ảnh Việt Nam trên thế giới…
Dự kiến, việc đánh giá, tổng kết các tác phẩm sẽ tổ chức vào ngày 3/2/2025./.