Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử, văn hóa trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên

Ngày 27/7, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thái Nguyên tổ chức Hội thảo khoa học đánh giá chất lượng và tính ứng dụng 47 chuyên đề khoa học của Đề tài cấp tỉnh “Nghiên cứu, xây dựng bộ ngữ liệu số góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử, văn hóa trên địa bàn Thái Nguyên”.

Đồng chí Vũ Duy Hoàng, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thái Nguyên phát biểu tại Hội thảo.

Đề tài khoa học “Nghiên cứu, xây dựng bộ ngữ liệu số góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử, văn hóa trên địa bàn Thái Nguyên” được thực hiện trong 24 tháng với những nhiệm vụ chủ yếu: (1) Đánh giá thực trạng sử dụng các công trình khoa học, tài liệu về lịch sử, văn hóa Thái Nguyên; công tác quản lý, khai thác công trình khoa học, tài liệu này tại các địa phương, đơn vị, cơ sở. (2) Viết các chuyên đề khoa học theo từng chủ đề; khai thác thông tin, dữ liệu, hình ảnh về lịch sử, văn hóa theo từng chủ đề; xây dựng bộ ngữ liệu số đủ điều kiện để phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử, văn hóa trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên theo hình thức số hóa. (3) Nghiên cứu, biên soạn tài liệu hướng dẫn, sử dụng ngữ liệu lịch sử, văn hóa tỉnh Thái Nguyên phục vụ công tác giảng dạy, giáo dục của giảng viên Trường Chính trị tỉnh, Trung tâm Chính trị các huyện, thành phố; giáo viên các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. (4) Nghiên cứu, xây dựng hệ thống phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu ngữ liệu số phục vụ đào tạo, bồi dưỡng, tuyên truyền, giáo dục lịch sử, văn hoá địa phương.

Đại biểu dự Hội thảo phát biểu ý kiến.

Đến nay, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thái Nguyên đã thực hiện xong nhiệm vụ đánh giá thực trạng sử dụng các công trình khoa học, tài liệu về lịch sử, văn hóa Thái Nguyên; công tác quản lý, khai thác công trình khoa học, tài liệu này tại các địa phương, đơn vị, cơ sở; đã hoàn thiện dự thảo 47 chuyên đề khoa học. Cơ bản, nội dung của các chuyên đề phong phú, đầy đủ. Cách trình bày các thông tin về lịch sử, văn hóa cơ bản đầy đủ theo đúng hướng dẫn và đề cương viết chuyên đề của Ban Biên soạn Đề tài. Với hơn 600 trang của 47 chuyên đề khoa học do 19 đồng chí là thành viên chính của Đề tài thực hiện đã cơ bản khái quát khá đầy đủ về mảnh đất, lịch sử, văn hóa, con người Thái Nguyên.

Tại Hội thảo, các ý kiến trao đổi, thảo luận đã làm sáng tỏ nhiều nội dung, nêu bật được tính cấp thiết, ý nghĩa của các chuyên đề; phương pháp nghiên cứu; giá trị khoa học; giá trị sử dụng, ứng dụng của từng chuyên đề và đặc biệt là nêu những nội dung cần làm rõ, cần chỉnh sửa, bổ sung của bản thảo 47 chuyên đề khoa học. Kết quả của Hội thảo là một trong những luận cứ rất quan trọng để Ban Chủ nhiệm tiếp tục nghiên cứu, thực hiện các nội dung của Đề tài./.