Nâng cao hiệu quả công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục Lịch sử Đảng
Ngày 17/8, tại thành phố Huế, Ban Tuyên giáo Trung ương và Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế tổ chức Hội nghị toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW, ngày 18/01/2018 của Ban Bí thư khóa XII về tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục Lịch sử Đảng.
Các đồng chí: Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Lê Trường Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế; Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Dương Trung Ý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì Hội nghị.
Dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo các cục, vụ, đơn vị trực thuộc các cơ quan ban Đảng, bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể Trung ương; Lãnh đạo Ban Tuyên giáo các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương và các cơ quan, đơn vị chức năng của Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế...
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương đánh giá, các cấp ủy đảng địa phương đã nhận thức sâu sắc và kịp thời triển khai, quán triệt, tổ chức thực hiện khẩn trương, nghiêm túc, có hiệu quả Chỉ thị 20-CT/TW phù hợp với tình hình mới. Công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng đã đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện. Đến nay, chúng ta đã có hàng nghìn công trình lịch sử Đảng các thể loại được xuất bản với chất lượng ngày càng cao. Công tác giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử cách mạng địa phương đã được đẩy mạnh, hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú, thiết thực thông qua nhiều hoạt động và được đưa vào các chương trình bồi dưỡng lý luận chính trị và giáo dục quốc dân...
Theo đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, những thành quả đạt được trong nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng đã góp phần quan trọng vào việc nghiên cứu, tổng kết, làm sáng tỏ những thành tựu to lớn của cách mạng Việt Nam qua các thời kỳ; bồi dưỡng lý tưởng và tình cảm cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân; góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng, đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái và luận điệu phản động của các thế lực thù địch…
Để nâng cao hiệu quả công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục Lịch sử Đảng, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng đề nghị, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đồng bộ, thường xuyên, sâu rộng, sáng tạo và hiệu quả Chỉ thị số 20-CT/TW trong toàn Đảng, hệ thống chính trị và toàn xã hội, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của công tác chính trị, tư tưởng của cấp ủy các cấp.
Các địa phương, đơn vị cần xây dựng kế hoạch, chương trình cụ thể, xác định trách nhiệm của cấp ủy, nhất là người đứng đầu trong chỉ đạo và thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW của Ban Bí thư.
Bên cạnh đó, các cấp ủy đảng không chỉ chú ý đến công tác nghiên cứu, biên soạn mà phải quan tâm cả việc thẩm định tính xác thực lịch sử; tổ chức các lớp tập huấn về công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục Lịch sử Đảng; đa dạng nội dung và cách thức tuyên truyền, giáo dục Lịch sử Đảng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; tiến hành số hóa Lịch sử Đảng để lưu trữ tư liệu lâu dài. Các địa phương cần xây dựng đề án sưu tầm tư liệu, phỏng vấn các nhân chứng lịch sử; kiện toàn, sắp xếp, bổ sung và nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác lịch sử…
Trước đó, trong phát biểu định hướng tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định, tiếp nối những kết quả đạt được sau 15 năm thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TW, ngày 28/8/2002 của Ban Bí thư khóa IX về "Tăng cường và nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam”, Chỉ thị số 20-CT/TW, ngày 18/01/2018 của Ban Bí thư khóa XII về “Tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng” là một chủ trương lớn của Đảng nhằm khẳng định một lần nữa yêu cầu nhiệm vụ, tầm quan trọng của việc tiếp tục nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp uỷ đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân đối với công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng.
Công tác nghiên cứu, biên soạn Lịch sử Đảng được các cấp ủy coi trọng, xác định là một trong những nhiệm vụ chính trị hàng đầu. Điểm sáng của công tác này là những đóng góp quan trọng vào thành tựu nhiệm kỳ Đại hội XII, đồng thời kịp thời nắm bắt, thực hiện hiệu quả quan điểm chỉ đạo của Đại hội XIII của Đảng trên lĩnh vực công tác tư tưởng.
Tại Hội nghị, đại biểu các cơ quan ban, bộ, ngành, địa phương, các nhà lãnh đạo, quản lý, các nhà khoa học đã phân tích, làm rõ những kết quả đạt được, những đóng góp nổi bật của công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục Lịch sử Đảng trong thời gian qua; những mặt tồn tại, hạn chế; đồng thời đề xuất, kiến nghị những giải pháp khả thi, hữu hiệu, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả trong thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW trong thời gian tới.
Các đại biểu tham dự Hội nghị cũng thẳng thắn chỉ ra một số hạn chế, tồn tại việc thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW như một số cấp ủy đảng, chính quyền chưa quan tâm đúng mức về công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục Lịch sử Đảng; số lượng các công trình Lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống được nghiên cứu, biên soạn và xuất bản tuy nhiều nhưng chất lượng chưa cao, chưa đồng đều, nội dung rộng nhưng chưa sâu, còn mang tính liệt kê sự kiện, dàn trải; việc khai thác, sử dụng tài liệu tham khảo gặp nhiều khó khăn do nguồn tư liệu bị thất lạc, hư hỏng...
Qua 5 năm, việc triển khai Chỉ thị 20-CT/TW của Ban Bí thư khóa XII đã đạt nhiều kết quả. Nổi bật là các cấp ủy quan tâm, sâu sát trong lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt và tổ chức thực hiện; có sự đầu tư về kinh phí, cơ sở vật chất và con người, tạo điều kiện quan trọng nâng cao chất lượng các hoạt động tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng của Đảng.
Công tác nghiên cứu, biên soạn Lịch sử Đảng được các cấp ủy coi trọng, xác định là một trong những nhiệm vụ chính trị hàng đầu. Kết quả nghiên cứu, biên soạn Lịch sử Đảng đã có những đóng góp quan trọng vào thành tựu của nhiệm kỳ Đại hội XII và bước đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, phát huy tính ứng dụng trong bồi dưỡng, giáo dục chính trị tại các trường chính trị tỉnh, trung tâm chính trị cấp huyện và các trường phổ thông.
Bên cạnh đó, công tác sưu tầm tài liệu được đẩy mạnh, nổi bật là nguồn tài liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh và các lãnh tụ Đảng được sưu tầm qua các kênh ngoại giao văn hóa.
Việc tuyên truyền Lịch sử Đảng, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ đã được các cấp ủy, chính quyền địa phương, đơn vị chỉ đạo thực hiện một cách hệ thống, bài bản với nhiều cách làm hay, mô hình sáng tạo, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội.
Công tác giáo dục Lịch sử Đảng, lịch sử cách mạng địa phương đã được đẩy mạnh thực hiện lồng ghép trong các chương trình bồi dưỡng lý luận chính trị và giáo dục quốc dân./.
Theo TTXVN