Hội nghị bồi dưỡng “Trí tuệ nhân tạo và việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về trí tuệ nhân tạo”
Ngày 11/12, tại Đà Nẵng, Ban Công tác đại biểu phối hợp cùng Văn phòng Quốc hội và Đại sứ quán Anh tổ chức Hội nghị bồi dưỡng “Trí tuệ nhân tạo và việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về trí tuệ nhân tạo” cho các đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân của 18 tỉnh/thành phố trên cả nước.
Hội nghị nhằm cung cấp cho các đại biểu những thông tin tổng quát nhất về trí tuệ nhân tạo, những tác động của trí tuệ nhân tạo đến đời sống kinh tế - chính trị - xã hội cũng như đến hoạt động hoạch định chính sách của các cơ quan dân cử.
Các đại biểu được nghe các báo cáo viên chia sẻ các chuyên đề như: Tổng quan về trí tuệ nhân tạo và những ứng dụng phổ biến của trí tuệ nhân tạo; Giới thiệu/cập nhật các Luật - Quy định (của EU) về trí tuệ nhân tạo dưới góc độ chuyên gia điều chỉnh chính sách (chuyên đề được trình bày online).
Các đại biểu cũng được nghe chia sẻ kinh nghiệm của Anh về xây dựng khung chính sách trí tuệ nhân tạo; hoàn thiện khung pháp lý nhằm quản lý và thúc đẩy sự phát triển của công nghệ AI tại Việt Nam; tác động của công nghệ AI đối với thị trường việc làm và lao động của Việt Nam; giải pháp chính sách. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng được tham gia thảo luận, thực hành và nghe chia sẻ kinh nghiệm từ các báo cáo viên là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo trong nước và quốc tế.
Theo đồng chí Nguyễn Tuấn Anh, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong những năm gần đây, thế giới chứng kiến sự phát triển như vũ bão của cuộc Cách mạng 4.0, trong đó công nghệ lõi là công nghệ trí tuệ nhân tạo. Hầu hết các quốc gia phát triển hay đang phát triển đều ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống, kinh tế, xã hội thu hút sự quan tâm rất lớn của các doanh nghiệp và người dân.
Trí tuệ nhân tạo đang ảnh hưởng đến chính sách và pháp luật ở nhiều chiều cạnh, từ việc thay đổi phương thức, áp dụng pháp luật đến tạo ra các thách thức mới trong khung thể chế, pháp luật và đạo đức; có thể được sử dụng để cải thiện hiệu quả trong việc thực thi pháp luật.
Tuy nhiên, với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ trí tuệ nhân tạo, các nhà lập pháp ở hầu hết các quốc gia đang phải đối mặt với thách thức trong việc tạo ra quy định mới để điều chỉnh việc sử dụng công nghệ này, bao gồm đảm bảo sự an toàn và độ tin cậy của các ứng dụng trí tuệ nhân tạo.
Đồng chí Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Công tác đại biểu cho rằng, để thúc đẩy phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo mang tính đột phá, Việt Nam cần quan tâm đến việc xây dựng và ban hành các biện pháp, chính sách thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm, dịch vụ trí tuệ nhân tạo sản xuất trong nước; xây dựng hệ thống pháp luật quản lý trí tuệ nhân tạo, trong đó quy định mức độ rủi ro, tính tin cậy, thực thi đạo đức và cách thức quản lý sản phẩm, ứng dụng trí tuệ nhân tạo...