Thúc đẩy thị trường năng lượng cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa
Ngày 06/12, chủ trì Diễn đàn “Phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, đồng chí Phan Xuân Thuỷ, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định: Diễn đàn có ý nghĩa rất quan trọng, được tổ chức ngay sau Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII đề cập chủ trương phát triển hạ tầng năng lượng quốc gia đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước.
Diễn đàn do Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp tổ chức, không chỉ đánh giá kết quả gần 5 năm thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia, mà còn thúc đẩy nhận thức sâu rộng hơn trong các cấp lãnh đạo, doanh nghiệp và xã hội về sự cần thiết phải phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh minh bạch.
Phát biểu chỉ đạo Diễn đàn, đồng chí Phan Xuân Thuỷ, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định: Với hơn 40 tham luận được gửi tới Diễn đàn và các ý kiến tham luận trực tiếp đã cùng trao đổi tập trung vào 3 nhóm vấn đề:
Thứ nhất, khẳng định vai trò thiết yếu, đặc biệt quan trọng của ngành năng lượng và sự cần thiết phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh trong đời sống kinh tế - xã hội Việt Nam. Các ý kiến tham luận đã nhấn mạnh tinh thần của Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó khẳng định tầm quan trọng của việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, là nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội, ưu tiên phát triển năng lượng nhanh và bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái, gắn với quốc phòng, an ninh và thúc đẩy tiến bộ xã hội. Phát triển năng lượng phải phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và xu thế hội nhập quốc tế, nhanh chóng xây dựng một thị trường năng lượng đồng bộ, minh bạch, cạnh tranh và đa dạng. Đặc biệt, khuyến khích sự tham gia của kinh tế tư nhân, loại bỏ các biểu hiện bao cấp, độc quyền và cạnh tranh không lành mạnh trong ngành năng lượng.
Thứ hai, đánh giá thực trạng thị trường năng lượng Việt Nam, nhất là từ khi có Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quyết định số 2233/QĐ-TTg, ngày 28/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án Phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó nhận diện những kết quả đạt được; những khó khăn, hạn chế trong xu thế tất yếu của phát triển năng lượng cạnh tranh của kỷ nguyên số và kinh tế xanh, bền vững hiện nay.
Nhiều ý kiến dành sự quan tâm về những thách thức trong việc đảm bảo an ninh năng lượng ở Việt Nam, như: Thách thức trong chuyển dịch năng lượng hướng tới phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050; nguy cơ thiếu hụt điện năng; thiếu tính đa dạng hóa các nguồn năng lượng; công tác triển khai quy hoạch các phân ngành năng lượng còn nhiều hạn chế, bất cập; bất cập trong chính sách giá… Theo đó, Việt Nam cần ưu tiên phát triển năng lượng nhanh và bền vững, đi trước một bước gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm quốc phòng, an ninh, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội trong suốt quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Thứ ba, đề xuất, kiến nghị giải pháp thúc đẩy thị trường năng lượng cạnh tranh trong thời gian tới. Trên cơ sở quán triệt quan điểm, định hướng của Đảng về Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng như bối cảnh, yêu cầu và sự cần thiết phải phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh, các ý kiến tham luận đã đề xuất các giải pháp đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh phù hợp với thực tiễn của từng ngành, từng địa phương. Theo đó, để bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia trước yêu cầu toàn cầu hóa, cần đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế hướng vào những ngành có mức sử dụng năng lượng thấp, thực hiện chuyển đổi mô hình kinh tế đất nước theo hướng tăng trưởng xanh, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp. Đẩy mạnh tiết kiệm năng lượng; phát triển năng lượng tái tạo và thực hiện dự trữ năng lượng; đẩy mạnh tìm kiếm thăm dò các nguồn tài nguyên năng lượng, phát triển năng lượng gắn với bảo vệ môi trường; thực hiện chính sách giá điện bảo đảm tính đúng, tính đủ theo cơ chế thị trường; duy trì an ninh năng lượng trong bối cảnh biến đổi khí hậu; phát triển đồng bộ, hợp lý và đa dạng hoá các loại hình năng lượng; phát triển năng lượng tái tạo cần đi đôi với phát triển kinh tế tuần hoàn. Tăng cường phối hợp giữa các ban, bộ, ngành, địa phương và thực hiện tốt công tác tuyên truyền để thay đổi tư duy, nhận thức trong sản xuất, sử dụng năng lượng bảo đảm an ninh năng lượng trong tình hình mới…
Cũng theo đồng chí Phan Xuân Thuỷ, năng lượng xanh đang được coi là xu thế phát triển bền vững của toàn cầu, Việt Nam - với những lợi thế về tự nhiên, con người và chính trị, hoàn toàn có thể trở thành một điểm sáng trong chuyển đổi năng lượng khu vực và toàn cầu. Tuy nhiên, để làm được điều này, chúng ta cần có một chiến lược phát triển năng lượng toàn diện, đồng bộ, bảo đảm sự tham gia của tất cả các bên liên quan.
Diễn đàn là minh chứng cụ thể cho sự quan tâm của Đảng, Chính phủ và các cơ quan hữu quan đối với lĩnh vực năng lượng - một lĩnh vực có ý nghĩa sống còn với sự phát triển của đất nước. Đây cũng là dịp để các bên liên quan cùng nhau thảo luận và đóng góp ý tưởng, góp phần xây dựng một thị trường năng lượng không chỉ minh bạch, hiệu quả mà còn có khả năng cạnh tranh cao trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa. Trong kỷ nguyên phát triển mới, sự phát triển của thị trường năng lượng cạnh tranh được kỳ vọng sẽ đồng hành cùng sự vươn lên mạnh mẽ của Việt Nam trên trường quốc tế, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững./.