Hòa Bình: Kết quả 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”
Hòa Bình là cái nôi của dân tộc Mường, nổi tiếng với bốn Mường “Bi, Vang, Thàng, Động” và nền “Văn hóa Hòa Bình” thời tiền sử. Trong những năm qua, thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị khoá X về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”, các cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh Hòa Bình đã triển khai hiệu quả các nội dung của Nghị quyết, góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về vị trí, vai trò của văn học, nghệ thuật.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình đã ban hành kế hoạch tổ chức học tập, quán triệt, xây dựng Chương trình hành động, xác định các nội dung trọng tâm để cụ thể hóa việc thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW; chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, đặc điểm tình hình để lựa chọn nội dung có trọng điểm, sát hợp với thực tiễn. Vai trò quản lý, điều hành của các cấp chính quyền từ tỉnh đến cơ sở được tăng cường, củng cố, phát huy hiệu quả; góp phần động viên, khuyến khích đội ngũ văn nghệ sĩ của tỉnh tích cực sáng tạo, tìm tòi và thử nghiệm các phương thức sáng tác, tạo cho đời sống văn học, nghệ thuật tỉnh Hòa Bình hoà nhịp với nền văn học, nghệ thuật đương đại cả nước.
Vị thế của Hội Văn học, nghệ thuật tỉnh ngày càng được khẳng định, hoạt động hiệu quả, đảm nhận tốt vai trò tập hợp, đoàn kết, phát huy khả năng sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ. Đội ngũ văn nghệ sĩ của tỉnh tâm huyết, tích cực hoạt động, sáng tạo nhiều tác phẩm thuộc nhiều loại hình và được đánh giá cao.
Với cái nôi của nền Văn hóa Hòa Bình thời tiền sử, là mảnh đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, đậm đà bản sắc, tỉnh Hòa Bình đã chú trọng bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, văn học, nghệ thuật, từ sử thi “Đẻ đất, Đẻ nước”, “Ẳm Ệt”, nghệ thuật trình diễn Mo Mường, Chiêng Mường, đến các loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian như hát ru, hát ví đúm, rằng thường, bộ mẹng,…
Những giá trị văn hóa, văn học, nghệ thuật đó góp phần rất lớn kết nối cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh, lan toả những giá trị tốt đẹp, góp phần xây dựng văn hóa, con người Hòa Bình đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời kỳ mới. Hiện nay, tỉnh Hòa Bình đã xây dựng và triển khai ứng dụng bộ chữ dân tộc Mường. Đây là yếu tố thuận lợi để tỉnh tiếp tục thực hiện tốt công tác bảo tồn, lưu giữ và phát huy giá trị các công trình nghệ thuật, vốn văn hoá truyền thống của dân tộc Mường.
Công tác xã hội hóa các hoạt động văn học, nghệ thuật, thu hút các nguồn lực trong toàn tỉnh để đầu tư xây dựng các thiết chế, công trình văn hóa, nghệ thuật được chú trọng. Nhiều tác giả được trao giải thưởng văn học, nghệ thuật của Trung ương, khu vực và các địa phương. Trong đó có thể kể đến các công trình nghiên cứu, sưu tầm về văn hóa, phong tục tập quán dân tộc Mường được giải thưởng của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam; một số tác phẩm thơ, văn được giải thưởng cao của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam; tác phẩm âm nhạc, nhiếp ảnh, mỹ thuật được giải cao trong các cuộc trưng bày, triển lãm, liên hoan của khu vực và toàn quốc,… Qua hoạt động sáng tác văn học, nghệ thuật, các tác giả, các văn nghệ sĩ của tỉnh đã phát hiện, khẳng định các nhân tố mới, tham gia đấu tranh lên án cái xấu, cái ác, đồng thời biểu dương những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc.
Bên cạnh đó, hàng năm, Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình duy trì tổ chức gặp mặt các văn nghệ sĩ nhân dịp đầu Xuân. Tại các buổi gặp mặt, các đồng chí lãnh đạo tỉnh Hòa Bình đã động viên, định hướng đội ngũ văn nghệ sĩ sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật về truyền thống lịch sử, văn hóa, cách mạng, ca ngợi gương người tốt, việc tốt trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ công tác tư tưởng, văn hóa, nhiệm vụ chính trị của địa phương. HĐND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc thể chế hóa các quan điểm, đường lối, định hướng của Đảng về công tác phát triển văn học, nghệ thuật. Quan tâm việc xây dựng quy hoạch và kế hoạch phát triển dài hạn các lĩnh vực văn hóa, văn học, nghệ thuật của tỉnh; rà soát, bổ sung và xây dựng mới các chế độ, chính sách đối với hoạt động văn học, nghệ thuật, như chế độ nhuận bút, đãi ngộ tài năng, bồi dưỡng lao động nghề nghiệp.
Từ năm 2008 đến nay, tỉnh Hòa Bình đã hai lần tổ chức xét tặng Giải thưởng văn học, nghệ thuật. Lần thứ nhất (năm 2016), tổ chức xét tặng Giải thưởng Văn học, nghệ thuật tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2011 - 2016, đã có tổng số 124 tác phẩm, của 83 tác giả tham gia ở 08 thể loại. Lần thứ hai (năm 2022), tổ chức xét tặng Giải thưởng Văn học, nghệ thuật tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2016 - 2020, đã có 66 tác giả và 14 nhóm tác giả trên địa bàn tỉnh tham gia với 126 tác phẩm thuộc 08 chuyên ngành: Thơ; Văn xuôi; Âm nhạc; Mỹ thuật; Sân khấu; Nhiếp ảnh; Múa; Lý luận, phê bình, dịch thuật và nghiên cứu, sưu tầm văn hóa, văn nghệ dân gian. Việc xét tặng Giải thưởng Văn học, nghệ thuật được tiến hành định kỳ 5 năm nhằm ghi nhận và tôn vinh những thành quả lao động sáng tạo văn học, nghệ thuật.
Cùng với đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hòa Bình tổ chức nhiều cuộc thi sáng tác âm nhạc, nhiếp ảnh, mỹ thuật,… nhằm giới thiệu, quảng bá hình ảnh cảnh quan thiên nhiên, các di tích, danh thắng, hình ảnh về con người và bản sắc văn hóa phong phú, độc đáo của Nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình. Tiêu biểu như: Cuộc thi “Ảnh đẹp quảng bá Khu du lịch hồ Hòa Bình” (năm 2019); Cuộc thi Video clip quảng bá Khu du lịch hồ Hòa Bình lần thứ I - năm 2019; Cuộc thi Sáng tác mẫu phác thảo công trình mỹ thuật tỉnh Hòa Bình tại nút giao đường Quốc lộ 6 và đường Hòa Lạc - Hòa Bình (năm 2019); Cuộc thi Sáng tác âm nhạc tỉnh Hòa Bình năm 2022.
Năm 2022, chương trình nghệ thuật "Hòa Bình - Thanh âm xứ Mường” được tổ chức lần đầu tiên tại tỉnh Hòa Bình. Đây là sự kiện văn hoá được dàn dựng và tổ chức công phu, hoành tráng, có sự kết hợp hài hòa giữa yếu tố văn hóa truyền thống và hiện đại, góp phần giới thiệu, quảng bá những hình ảnh về đất nước, con người cũng như tiềm năng, thế mạnh của tỉnh tới đông đảo người dân, bạn bè quốc tế và du khách gần xa. Nhân dịp này, lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công bố và trao bằng chứng nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho di sản tri thức dân gian Lịch tre (Lịch Đoi/Roi) và di sản văn hóa Lễ hội Khai hạ của người Mường các huyện Tân Lạc, Lạc Sơn, Cao Phong, Kim Bôi.
Công tác tôn vinh nghệ nhân, nghệ sĩ có nhiều cống hiến trong hoạt động văn học, nghệ thuật và bảo tồn văn hóa dân tộc được chú trọng. Từ năm 2015 đến nay, tỉnh Hòa Bình được công nhận 01 nghệ nhân Nhân dân, 44 nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, 04 Nghệ sĩ Ưu tú.
Tỉnh Hòa Bình có 1.482 đội văn nghệ quần chúng tại các thôn, xóm, tổ dân phố với hàng chục nghìn diễn viên, nghệ nhân; một số xóm bản phát triển du lịch cộng đồng có từ 4 đến 6 đội văn nghệ thường xuyên biểu diễn phục vụ khách du lịch. Tỉnh đã xây dựng cơ chế hỗ trợ đội văn nghệ các thôn, xóm, tổ dân phố mỗi đội 2 triệu đồng/năm từ năm 2012, tăng lên 4 triệu đồng/năm từ năm 2020, góp phần thúc đẩy phong trào văn nghệ quần chúng trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển. Chiến lược phát triển văn hóa của tỉnh đến năm 2030 cũng đề ra mục tiêu cụ thể: “Hoàn thiện việc xây dựng cơ chế, chính sách đãi ngộ, hỗ trợ, chăm lo đời sống cho các nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa các dân tộc tỉnh Hòa Bình, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh”.
Có thể nói, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị, lĩnh vực văn học, nghệ thuật của tỉnh đã và đang khẳng định giá trị nền tảng tinh thần, là nguồn động lực thúc đẩy sự phát triển văn hóa, kinh tế của địa phương. Hoạt động văn học, nghệ thuật đã có nhiều cố gắng, từng bước đổi mới, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, góp phần hình thành nhân cách, lối sống, thị hiếu và lý tưởng thẩm mỹ của Nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình.
Đoàn Cần
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hòa Bình