Định hướng tuyên truyền tại Hội nghị Báo cáo viên Trung ương tháng 5/2022

Đồng chí Lại Xuân Môn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương định hướng công tác tuyên truyền tại Hội nghị Báo cáo viên Trung ương tháng 5/2022

1. Tuyên truyền kết quả Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII

 Một là, bối cảnh, thời gian diễn ra và kết quả Hội nghị. Ý kiến đóng góp, sự quan tâm của cán bộ, đảng viên và Nhân dân đối với những nội dung được thảo luận và kết luận tại Hội nghị, đặc biệt là bài phát biểu Khai mạc, Bế mạc Hội nghị của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

 Hai là, khẳng định, làm rõ quá trình chuẩn bị và tổng kết những nội dung trình Hội nghị Trung ương 5 đã được các cơ quan chức năng chuẩn bị công phu, bám sát Cương lĩnh của Đảng, Hiến pháp của Nhà nước và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng như tình hình thực tiễn của đất nước, khu vực, địa phương và thế giới. Các văn bản đều được lấy ý kiến đóng góp từ các bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý. Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã nghiêm túc kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2021 gắn với thực hiện Kết luận của Hội nghị Trung ương 4 khoá XIII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị để xây dựng các báo cáo trình Hội nghị.

Ba là, phân tích sâu sắc những nội dung quan trọng đã được thảo luận, cho ý kiến và quyết định tại Hội nghị, đó là các nội dung: (1) Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khoá XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới; (2) Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; (3) Tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khoá IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể; (4) Đề án xây dựng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên; (5) Đề án thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; (6) Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2021; và một số vấn đề quan trọng khác.

- Về tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khoá XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai, cần làm rõ mục tiêu tổng kết thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khoá XI về đất đai lần này là một yêu cầu cần thiết nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trong công tác quản lý và sử dụng đất đai, bảo đảm hài hoà các lợi ích của Nhà nước, người dân và nhà đầu tư, tạo nguồn lực và động lực mới để phấn đấu đến năm 2030 nước ta trở thành nước công nghiệp hiện đại, có thu nhập trung bình cao; và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

- Về tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, cần làm rõ những kết quả, thành tựu to lớn, toàn diện, rất ấn tượng đã đạt được; những hạn chế, yếu kém còn tồn tại và nguyên nhân, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm tiếp tục đổi mới đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để tiếp tục đổi mới, phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong thời kỳ mới.

- Về tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khoá IX tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, cần đánh giá kết quả, thành tích đã đạt được; phân tích làm rõ những hạn chế, yếu kém, tồn tại và nguyên nhân; quán triệt sâu sắc mục tiêu, quan điểm, tư tưởng chỉ đạo và những nhiệm vụ và giải pháp lớn cần triển khai thực hiện để kinh tế tập thể ngày càng phát triển, thực sự trở thành một thành phần kinh tế quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

- Về Đề án xây dựng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên, ngoài khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên đối với nhiệm vụ xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh; những kết quả chủ yếu đã đạt được; cần chỉ rõ những hạn chế, yếu kém còn tồn tại, phân tích rõ nguyên nhân, quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu để tiếp tục đổi mới, tăng cường xây dựng tổ chức cơ sở đảng, nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong tình hình mới.

- Về Đề án thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, cần làm rõ tính đúng đắn, có cơ sở lý luận và thực tiễn về sự cần thiết, căn cứ và nguyên tắc thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nhằm góp phần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta.

- Về kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2021 gắn với thực hiện Kết luận Hội nghị Trung ương 4 khoá XIII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, cần phản ánh tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, xem xét, đánh giá nghiêm túc ưu điểm, hạn chế, khuyết điểm trong lãnh đạo, chỉ đạo trên các lĩnh vực của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Bốn là, làm cho cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân thấy rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của các nội dung được thảo luận và thông qua tại Hội nghị nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng trên các lĩnh vực trọng yếu như: Đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh toàn diện từ gốc, từ cơ sở, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của cách mạng trong giai đoạn mới…; từ đó trên mỗi cương vị công tác, chức năng nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, địa phương mình thực hiện tốt mục tiêu, phương hướng, giải pháp đề ra trong mỗi Nghị quyết.

2. Tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn, sự kiện chính trị quan trọng

- Tuyên truyền kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2022), kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Phạm Hùng, Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (11/6/1912 - 11/6/2022), theo nội dung định hướng tại Hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương.

3. Tuyên truyền về các sự kiện đối ngoại quan trọng

Một là: Tuyên truyền về Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31:

Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31) diễn ra từ ngày 12 đến 23/5/2022 tại Việt Nam với 40 môn thể thao (526 nội dung thi đấu), được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội và 11 tỉnh, thành phố lân cận. Đây là kỳ SEA Games thứ 2 mà Việt Nam đăng cai, (lần đầu tiên vào năm 2003), được tổ chức trong bối cảnh đặc biệt khi Việt Nam đã mở của hoàn toàn, thực hiện việc phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch, là cơ hội để Việt Nam quảng bá hình ảnh đất nước, con người đến bạn bè quốc tế.

Nội dung tuyên truyền cần nhấn mạnh: Việc đăng cai tổ chức SEA Games cho thấy vai trò, trách nhiệm của Việt Nam đối với phong trào thể thao khu vực Đông Nam Á và cũng thể hiện Việt Nam là một trong các thành viên chủ động, tích cực, có trách nhiệm, đóng góp hết mình vì sự phát triển của ASEAN và vì một Đông Nam Á mạnh mẽ hơn như khẩu hiệu SEA Games 31 đã đề ra.

Hai là: Tuyên truyền chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN - Hoa Kỳ; thăm, làm việc tại Hoa Kỳ và Liên Hợp quốc từ ngày 11 - 17/5.

Ban Tuyên giáo các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương, đội ngũ báo cáo viên các cấp, tuyên truyền viên ở cơ sở căn cứ tài liệu chính thức của Bộ Ngoại giao và định hướng tuyên truyền của Ban Tuyên giáo Trung ương tuyên truyền về chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ, trong đó nhấn mạnh: (i) Chuyến thăm góp phần xây dựng sự tin cậy chính trị, làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác nhiều mặt, thực chất, hiệu quả hơn; (ii) Chuyến thăm là cụ thể hóa đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ đối ngoại của Việt Nam; (iii) Việt Nam mong muốn và sẵn sàng đẩy mạnh hợp tác với Hoa Kỳ để thúc đẩy quan hệ hai nước tích cực phát triển, có chiều sâu hiệu quả, bền vững trên cơ sở vì hòa bình, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên toàn thế giới.

Ba là: Tuyên truyền chuyến thăm chính thức nước CHDC Nhân dân Lào của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ từ ngày 15/5 - 17/5.

Căn cứ tài liệu chính thức của Bộ Ngoại giao tuyên truyền về chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Quốc hội, tập trung khẳng định: (i) Đây là một trong những hoạt động đối ngoại quan trọng trong Năm Đoàn kết Hữu nghị Việt Nam - Lào 2022; là chuyến thăm chính thức Lào đầu tiên của lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước ta trong Năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào 2022; (ii) Chuyến thăm nhằm thắt chặt hơn nữa quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, trong đó có việc tiếp tục củng cố và thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai Quốc hội hai nước đi vào chiều sâu, hiệu quả và thực chất.

Bốn là: Tích cực tuyên truyền các hoạt động kỷ niệm Năm Đoàn kết hữu nghị Việt Nam – Lào 2022, Năm Hữu nghị Việt Nam - Campuchia 2022 và 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc theo các nội dung hướng dẫn của Bộ Ngoại giao, Ban Tuyên giáo Trung ương.

4. Tuyên truyền, quán triệt một số nội dung quan trọng khác

 Kết quả phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong quý I/2022, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ; nỗ lực, thành quả công tác chống dịch Covid-19 của Việt Nam.

 Quy định số 65-QĐ/TW ngày 28/4/2022 của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ, làm rõ mục đích, yêu cầu, quy trình thực hiện, trong đó nhấn mạnh 5 quan điểm, nguyên tắc xuyên suốt trong triển khai thực hiện công tác luân chuyển cán bộ.