Quy chế Hội thi Chung khảo toàn quốc Báo cáo viên, tuyên truyền viên giỏi tuyên truyền Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025

(Ban hành kèm theo Quyết định số 1109-QĐ/BTGTW, ngày 18/02/2022 của Ban Tuyên giáo Trung ương)

I. ĐỐI TƯỢNG DỰ THI VÀ NHỮNG QUY ĐỊNH ĐỐI VỚI THÍ SINH

1. Đối tượng dự thi

27 thí sinh đạt giải Nhất, Nhì, Ba ở Hội thi Báo cáo viên, tuyên truyền viên giỏi tuyên truyền Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 khu vực I, II, III năm 2021 do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức.

2. Những quy định đối với thí sinh tham dự Hội thi

2.1. Thí sinh dự thi phải nộp Đề cương chi tiết chuyên đề dự thi cho Ban Tổ chức Hội thi đúng thời gian quy định. Những thí sinh lựa chọn nội dung thi về nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 phải nộp 01 cuốn/bản nghị quyết chính thức cho Ban Tổ chức Hội thi cùng thời gian nộp Đề cương chi tiết.

2.2. Về trang phục:

- Thí sinh nam thuộc các đảng bộ tỉnh, thành phố mặc trang phục công sở, lịch sự, trang trọng (áo sơ-mi dài tay, vest). Thí sinh nam thuộc Quân ủy Trung ương, Đảng ủy Công an Trung ương mặc trang phục ngành.

- Thí sinh nữ thuộc các đảng bộ tỉnh, thành phố mặc áo dài truyền thống. Thí sinh nữ thuộc Đảng bộ Quân đội, Đảng bộ Công an Trung ương mặc trang phục ngành.

- Khuyến khích thí sinh là người dân tộc thiểu số mặc trang phục truyền thống.

2.3. Thí sinh có mặt tại địa điểm thi trước thời gian thi 15 phút, tham dự đầy đủ trong suốt thời gian diễn ra Hội thi.

2.4. Thí sinh thực hiện nghiêm kỷ luật phát ngôn đối với báo cáo viên, tuyên truyền viên của Đảng. Mọi ý kiến, kiến nghị về Hội thi, đề nghị phản ánh trực tiếp hoặc bằng văn bản với Ban Tổ chức, Ban Giám khảo Hội thi.

Ban Tổ chức chỉ giải quyết những thắc mắc, kiến nghị trong quá trình diễn ra Hội thi.

 

II. NỘI DUNG VÀ HÌNH THỨC THI

1. Nội dung dự thi

Thí sinh lựa chọn nội dung thuộc Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 phải được ban tuyên giáo tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương xác nhận. 

2. Hình thức thi

Trong Hội thi, thí sinh phải tham dự đầy đủ 03 phần:

- Soạn Đề cương: Thí sinh soạn Đề cương chi tiết dạng word.

+ Đề cương chi tiết tối thiểu 14 trang, tối đa 16 trang (không tính trang bìa lót, mục lục, danh mục tài liệu tham khảo…), khổ A4 (lề trái 3,5cm, lề phải 1,5cm, lề trên 2cm, lề dưới 2cm), in trên một mặt giấy trắng; cỡ chữ 15, font chữ Times New Roman, giãn dòng 1,5 lines.

+ Đề cương phải đủ 3 phần: Phần thứ nhất: Đặt vấn đề; Phần thứ hai: Nội dung; Phần thứ ba: Kết luận.

+ Trang bìa Đề cương bao gồm các thông tin: Chủ đề dự thi; họ và tên, năm sinh, chức vụ, cơ quan công tác, số điện thoại và địa chỉ email của thí sinh; ký, đóng dấu xác nhận của ban tuyên giáo tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương.

+ Đề cương đóng quyển, bìa mềm, gửi 08 bản về Trung tâm Thông tin công tác tuyên giáo, Ban Tuyên giáo Trung ương, số 2B - Hoàng Văn Thụ, Ba Đình, Hà Nội trước khi diễn ra Hội thi 05 ngày; đồng thời thí sinh gửi file bản word và slide về địa chỉ email: phongbaocaovientw@gmail.com.

- Phần thi thuyết trình: Không sử dụng hình thức sân khấu hóa; được sử dụng phần mềm powerpoint trình chiếu để hỗ trợ phần thi thuyết trình.

+ Thí sinh có thể trình bày toàn bộ hoặc chỉ lựa chọn một phần trong chuyên đề đã đăng ký dự thi để trình bày trong khoảng thời gian từ 20 - 22 phút. Tổ Thư ký sẽ tính giờ thi khi thí sinh bắt đầu thuyết trình.

+ Nếu thí sinh trình bày quá thời gian quy định (tối đa 22 phút) từ 02 phút trở lên sẽ bị trừ điểm (mỗi phút trừ 0,25 điểm, quá 30 giây tính 01 phút) và Ban Giám khảo có quyền yêu cầu dừng phần thi còn lại của thí sinh. Nếu thí sinh trình bày không đủ thời gian tối thiểu theo quy định (20 phút), thiếu mỗi phút (đủ 60 giây) sẽ bị trừ 0,25 điểm.

- Trả lời câu hỏi:

+ Thí sinh bốc thăm lựa chọn giám khảo đặt câu hỏi.

+ Mỗi thí sinh trả lời 01 câu hỏi của Giám khảo. Nội dung câu hỏi liên quan trực tiếp tới chuyên đề dự thi của thí sinh.

+ Tổng thời gian chuẩn bị và trả lời câu hỏi tối đa là 05 phút.

+ Nếu phần chuẩn bị và trả lời câu hỏi của thí sinh quá thời gian quy định, mỗi phút bị trừ 0,5 điểm. Ban Giám khảo có quyền yêu cầu dừng phần trả lời của thí sinh nếu cần thiết.

III. BAN TỔ CHỨC, BAN GIÁM KHẢO, TỔ THƯ KÝ HỘI THI

1. Ban Tổ chức

- Ban Tổ chức Hội thi do Ban Tuyên giáo Trung ương ra Quyết định thành lập.

- Ban Tổ chức Hội thi có nhiệm vụ xây dựng Kế hoạch tổ chức Hội thi; chuẩn bị đầy đủ các văn bản, điều kiện về cơ sở vật chất cho Hội thi.

- Tổ chức triển khai, đánh giá kết quả và tổng kết Hội thi.

2. Ban Giám khảo

- Ban Giám khảo do Ban Tổ chức Hội thi ra quyết định thành lập.

- Ban Giám khảo có nhiệm vụ chấm điểm 03 phần thi của thí sinh.

- Thành viên Ban Giám khảo chấm và cho điểm độc lập, đảm bảo công tâm, trung thực, khách quan, theo đúng biểu điểm.

- Chịu trách nhiệm trước Ban Tổ chức Hội thi về tính chính xác trong chấm điểm 03 phần thi của thí sinh.

- Ban Tổ chức Hội thi ban hành Quy định về nhiệm vụ của Ban Giám khảo.

3. Tổ Thư ký

- Tổ Thư ký do Ban Tổ chức Hội thi ra quyết định thành lập.

- Tổ Thư ký có nhiệm vụ tổng hợp, xếp loại điểm thi của các thí sinh và kết quả chung của Hội thi để báo cáo Ban Giám khảo và Ban Tổ chức Hội thi.

- Chịu trách nhiệm trước Ban Tổ chức Hội thi về kết quả tổng hợp điểm, xếp loại thí sinh.

- Ban Tổ chức Hội thi ban hành Quy định về nhiệm vụ của Tổ Thư ký.

IV. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ, XẾP LOẠI

1. Nguyên tắc chung

- Từng thành viên Ban Giám khảo chấm điểm độc lập, theo các tiêu chuẩn và thang điểm trong phiếu điểm. Trong mỗi phần thi của thí sinh, nếu số điểm đánh giá của một giám khảo chênh từ 1,5 điểm trở lên so với điểm trung bình của Ban Giám khảo, Ban Giám khảo sẽ hội ý, trao đổi thống nhất, số điểm cuối cùng do Trưởng Ban Giám khảo quyết định.

- Ban Giám khảo không tính kết quả dự thi đối với thí sinh không tham gia đầy đủ 03 phần thi bắt buộc.

2. Cách thức tính điểm, xếp loại, xếp giải

a. Cách tính điểm

- Điểm số mỗi phần thi của thí sinh được tính theo thang điểm 10.

- Điểm Đề cương hệ số 2.

- Điểm thuyết trình hệ số 3.

- Điểm trả lời câu hỏi hệ số 1.

- Điểm thi của mỗi thí sinh là điểm trung bình cộng của 3 phần thi (tổng số điểm chia cho 6). Điểm thi lấy chính xác đến hai chữ số trong phần thập phân.

- Điểm cuối cùng để xếp loại thí sinh là điểm trung bình cộng của các giám khảo.

b. Xếp loại

Căn cứ điểm số của thí sinh, Ban Tổ chức xếp thành 3 loại:

- Loại Giỏi: Từ 8,5 đến 10,0 điểm.

- Loại Khá: Từ 7,0 điểm đến dưới 8,5 điểm, trong đó không có phần thi nào có điểm dưới trung bình.

- Loại Trung bình: Từ 5,0 đến dưới 7,0 điểm.

c. Xếp giải

- Ban Tuyên giáo Trung ương trao Giấy chứng nhận giải và phần thưởng cho các thí sinh đạt giải Nhất, Nhì, Ba và Khuyến khích.

- Giải thưởng xếp theo điểm từ cao xuống thấp. Trong đó, thí sinh đạt giải Nhất phải xếp loại giỏi (từ 8,5 điểm trở lên). Nếu không đạt loại giỏi, người cao điểm nhất cũng chỉ được giải Nhì; thí sinh đạt giải khuyến khích phải được xếp loại khá trở lên.

Thí sinh đạt giải là thí sinh không vi phạm Quy chế Hội thi.

- Số lượng giải thưởng Hội thi gồm: 01 giải Nhất; 05 giải Nhì; 09 giải Ba. Nếu không có giải Nhất, sẽ có 06 giải Nhì. Số lượng giải khuyến khích do Trưởng ban Tổ chức Hội thi quyết định trên cơ sở chất lượng các phần thi của thí sinh và đề nghị của Trưởng ban Giám khảo.

- Trường hợp thí sinh bằng điểm nhau nhưng vượt cơ cấu giải, Ban Tổ chức Hội thi căn cứ vào ý kiến của các thành viên Ban Giám khảo để báo cáo và xin ý kiến của Trưởng ban Tổ chức Hội thi.

 

3. Giải thưởng

+ Giải Nhất: 20.000.000đ.

+ Giải Nhì: Mỗi giải 10.000.000đ.

+ Giải Ba: Mỗi giải 7.000.000đ.

+ Giải khuyến khích: Mỗi giải 5.000.000đ.

Căn cứ chất lượng các phần thi của thí sinh và kết quả chung của Hội thi, Ban Tổ chức Hội thi có thể xem xét, quyết định cơ cấu và số lượng, giá trị giải thưởng cho phù hợp.

V. KHEN THƯỞNG, KỶ LUẬT

- Khen thưởng: Thí sinh đạt giải được khen thưởng theo quy định.

- Kỷ luật: Thí sinh vi phạm Quy chế Hội thi, tùy mức độ vi phạm sẽ bị xử lý:

+ Trừ điểm theo các mức điểm trừ ở Phiếu chấm thi.

+ Khiển trách, tiếp tục cho thi, nhưng trừ 30% điểm phần thi đó (Trưởng ban Giám khảo quyết định).

+ Cảnh cáo và đình chỉ thi tất cả các nội dung thi (Trưởng ban Tổ chức Hội thi quyết định).

+ Các vi phạm ngoài quyền xử lý, Trưởng ban Tổ chức Hội thi có văn bản đề nghị cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định.

- Các trường hợp vi phạm từ khiển trách trở lên đều phải lập biên bản. Nếu người dự thi không ký vào biên bản thì trong biên bản ghi rõ người dự thi không ký, Trưởng đoàn đơn vị có thí sinh vi phạm và đại diện Ban Tổ chức, Ban Giám khảo, Tổ Thư ký ký biên bản. Ban Tổ chức Hội thi thông báo và đề nghị địa phương, cơ quan, đơn vị có thí sinh dự thi vi phạm tiếp tục xử lý.

VI. QUY ĐỊNH KHÁC

- Đại biểu được cấp uỷ ngành, địa phương cử đi tham dự Hội thi và thí sinh dự thi phải có mặt trong suốt quá trình diễn ra Hội thi. Trường hợp vắng mặt phải có lý do chính đáng, báo cáo và được Ban Tổ chức Hội thi đồng ý.

 - Đại diện đơn vị có thí sinh dự thi và thí sinh phải tham dự buổi phổ biến Quy chế, bốc thăm thứ tự dự thi (diễn ra trước khi thi; thời gian cụ thể sẽ được thông báo bằng văn bản của Ban Tổ chức Hội thi).

- Các đại biểu dự Hội thi và thí sinh thực hiện nghiêm các quy định của Ban Tổ chức Hội thi và quy định phòng, chống dịch Covid-19 của Chính phủ, Bộ Y tế và địa phương, đơn vị đăng cai tổ chức Hội thi./.