Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, góp phần thực hiệu có hiệu quả các nhiệm vụ của tỉnh Lâm Đồng
Các thông tin về Festival hoa Đà Lạt lần thứ 9 năm 2022 và việc thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng là những nội dung chính tại Hội nghị Báo cáo viên tỉnh Lâm Đồng tháng 10/2022 được tổ chức ngày 25/10.
Về chuyên đề “Festival Hoa, một trong những động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lâm Đồng”, Báo cáo viên cho biết, Festival hoa Đà Lạt lần thứ 9 năm 2022 diễn ra từ đầu tháng 11 đến hết ngày 31/12, với chủ đề “Đà Lạt – thành phố bốn mùa hoa”. Ngoài 10 sự kiện chính diễn ra chủ yếu tại Thành phố Đà Lạt, Festival hoa Đà Lạt lần thứ 9 còn có nhiều chương trình hưởng ứng trải rộng tại Bảo Lộc và khắp các huyện trong tỉnh.
Trong đó, điểm nhấn là các chương trình không gian hoa, chương trình đại nhạc hội chào mừng Festival hoa Đà Lạt, chương trình nghệ thuật “Bảo Lộc – Hương trà, sắc tơ”, chương trình nghệ thuật đặc biệt công bố Festival hoa Đà Lạt, diễn thời trang “Tơ lụa - Con đường di sản" và không gian triển lãm "Thiên đường Tây Nguyên", trưng bày, triển lãm hoa và cây có hoa quốc tế, bay khinh khí cầu... Riêng chương trình không gian hoa sẽ kéo dài đến hết ngày 31/1/2023, tức mùng 10 Tết âm lịch Quý Mão để phục vụ nhu cầu vui xuân, đón Tết cho người dân và du khách…
Về chuyên đề “Thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, góp phần cải thiện sinh kế, tăng thu nhập và ổn định cuộc sống cho người dân tham gia bảo vệ rừng”, Báo cáo viên nhấn mạnh, tại tỉnh Lâm Đồng, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã được thực hiện hơn 12 năm. Có 68 đơn vị chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng gồm 44 nhà máy sản xuất thủy điện, 19 cơ sở sản xuất kinh doanh nước sạch, 5 cơ sở sản xuất công nghiệp. Bình quân tiền dịch vụ môi trường rừng chi 250 tỷ đồng/năm cho 350.000 ha rừng cung ứng của các chủ rừng, chiếm 72% diện tích rừng toàn tỉnh. Có thể nói, thời gian qua, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã tạo nguồn tài chính ổn định, giảm nguồn chi từ ngân sách nhà nước cho công tác bảo vệ và phát triển rừng, hoạt động giao khoán bảo vệ rừng từ nguồn chi trả dịch vụ môi trường rừng đã góp phần cải thiện sinh kế và đời sống của các hộ nhận khoán bảo vệ rừng….
Kết luận Hội nghị, lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lâm Đồng đề nghị Ban Tuyên giáo (Tuyên huấn) các Huyện uỷ, Đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các đoàn thể chính trị – xã hội tỉnh, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp tổ chức tuyên truyền sâu rộng các chuyên đề được thông tin tại hội nghị, kết quả phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, góp phần tạo sự đồng thuận, cùng thực hiệu có hiệu quả các nhiệm vụ của địa phương./.