Từng bước tháo gỡ khó khăn, tạo hành lang pháp lý cho văn hóa, văn học, nghệ thuật phát triển
Đây là một trong những ý kiến chỉ đạo được đồng chí Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh tại Hội nghị Giao ban quý III/2022 giữa Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam và các Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương.
Theo báo cáo tại Hội nghị, trong quý III/2022, mặc dù điều kiện còn khó khăn nhưng Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam và các Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành vẫn triển khai hiệu quả nhiều nội dung công việc theo kế hoạch, phát huy tốt vai trò tập hợp, đoàn kết hội viên, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên, từng bước đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, thu hút, tập hợp hội viên tham gia vào các hoạt động của hội. Tinh thần đồng hành, nhập cuộc của giới văn nghệ sĩ với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước ngày càng được đề cao. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ có nhiều chuyển động mới, đời sống văn học nghệ thuật khởi sắc. Nhiều tác phẩm được in ấn, triển lãm, biểu diễn, nhiều chương trình nghệ thuật, hội nghị, hội thảo lớn diễn ra với những phương thức sinh động, sáng tạo.
Các bộ, ngành đã tích cực định hướng, hướng dẫn, hỗ trợ Liên hiệp và các Hội trong các hoạt động chuyên môn, tạo điều kiện để các hội tham gia cung ứng dịch vụ công, thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học, tham gia xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật trên lĩnh vực hoạt động của hội, tiếp thu ý kiến đóng góp của các hội về lĩnh vực quản lý nhà nước có liên quan.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc hoàn thiện các thủ tục theo yêu cầu để giải ngân kinh phí hỗ trợ sáng tạo tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật, báo chí của Chính phủ đã được Liên hiệp và các Hội quan tâm xúc tiến, nhưng nhìn chung vẫn thiếu quyết liệt, lúng túng, chậm được triển khai, dẫn đến những ách tắc, khó khăn trong hoạt động chuyên môn của Liên hiệp và các Hội.
Việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động đối với các Hội Văn học nghệ thuật theo tinh thần các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng còn chậm. Việc tích cực hưởng ứng sáng tác, tham gia các phong trào, các cuộc vận động xã hội, tính tiên phong, gương mẫu của người nghệ sĩ có lúc, có nơi còn hạn chế.
Công tác tổ chức, hoạt động của một số hội còn khó khăn, chưa thu hút được đông đảo các văn nghệ sĩ tham gia nhất là các văn nghệ sĩ trẻ. Nhiều hội thiếu hụt cán bộ đủ tiêu chuẩn để bổ nhiệm lãnh đạo quản lý các đơn vị trực thuộc. Tình trạng lãnh đạo hội phải kiêm nhiệm nhiều chức danh làm ảnh hưởng đến chất lượng thực hiện nhiệm vụ. Việc tăng cường giao lưu, trao đổi học hỏi kinh nghiệm, giữa các hội còn hạn chế....
Chia sẻ với những khó khăn của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam và các Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành, đồng chí Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung khẳng định sẽ nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ các ý kiến phù hợp tại Hội nghị để đưa vào các hướng dẫn, chỉ đạo, định hướng công tác văn hóa, văn nghệ của Ban Tuyên giáo Trung ương trong thời gian tới.
Đồng chí Trần Thanh Lâm cũng đề nghị thời gian tới, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, các Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương và các đơn vị liên quan cần tiếp tục quán triệt đầy đủ, nhận thức sâu sắc, tổ chức thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực văn hóa, văn học, nghệ thuật; các ý kiến kết luận, chỉ đạo của đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, trọng tâm là phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị với 06 nhiệm vụ trọng tâm và 04 nhóm giải pháp.
Căn cứ vào hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương và tình hình, điều kiện thực tiễn, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam và các Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương có báo cáo đánh giá 01 năm việc thực hiện các kết luận, chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại Hội nghị văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; tích cực tham gia và có hoạt động phù hợp hưởng ứng Hội thảo “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới”; tổng kết 15 năm Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa X về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới; tổng kết 50 năm văn học, nghệ thuật sau ngày đất nước thống nhất...
Cùng với yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tăng cường định hướng, thanh tra, kiểm tra và quản lý hoạt động văn hóa, văn học, nghệ thuật. Đồng chí Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cũng đề nghị Liên hiệp và các Hội phát huy hơn nữa tiếng nói phản biện, tham gia tích cực cùng các bộ, ngành liên quan trong xây dựng các cơ chế, chính sách, từng bước tháo gỡ khó khăn, tạo hành lang pháp lý cho văn hóa, văn học, nghệ thuật phát triển. Liên hiệp và các Hội cần quan tâm, đầu tư chiều sâu, có trọng tâm, trọng điểm cho hoạt động tuyên truyền, cho công tác nghiên cứu lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật, cố gắng phấn đấu tiến tới hình thành báo cáo thường niên về văn học, nghệ thuật của Liên hiệp và các Hội, tham mưu với Đảng và Nhà nước về tình hình phát triển văn học, nghệ thuật trong năm; tiếp tục tăng cường hơn nữa công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, chủ động đấu tranh phản bác các thông tin, quan điểm sai trái của các thế lực thù địch trên lĩnh vực văn hóa, văn học, nghệ thuật./.