Đắk Lắk: Làm tốt công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn học, nghệ thuật truyền thống
Đến nay, toàn tỉnh Đắk Lắk đã triển khai sưu tầm và thống kê một bản danh mục 70 sử thi Ê-đê, 145 sử thi M’nông, 20 câu chuyện cổ và trên 10.000 trang lời nói vần trong ca dao, dân ca…
Ngày 25/4, Tỉnh ủy Đắk Lắk tổ chức Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới.
Theo đánh giá của Tỉnh ủy Đắk Lắk, sau 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X), nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của văn học, nghệ thuật trong đời sống xã hội ngày càng được nâng cao. Hoạt động văn học, nghệ thuật ngày càng được quan tâm đầu tư, có bước phát triển mới; không khí hoạt động sáng tạo văn học, nghệ thuật diễn ra sôi nổi.
Các văn nghệ sĩ của tỉnh không ngừng nỗ lực, sáng tạo nhiều tác phẩm có giá trị, tính chuyên nghiệp cao, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần, định hướng tư tưởng, thẩm mỹ trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân...
Trong 15 năm qua, có 57 tác giả được nhận Giải thưởng Chư Yang Sin của tỉnh; 2 hội viên đoạt giải thưởng của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam; 8 hội viên đoạt giải thưởng của Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam; 60 lượt hội viên được tặng giải thưởng hàng năm của Hội văn học nghệ thuật tỉnh; hơn 30 hội viên đoạt giải tại các cuộc thi khác do các ngành, đơn vị địa phương trong tỉnh tổ chức... Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh hiện có 2 nghệ sĩ được Chủ tịch nước phong tặng nghệ sĩ nhân dân, 4 nghệ sĩ ưu tú và 44 nghệ nhân ưu tú.
Những di sản văn hóa truyền thống Đắk Lắk tiếp tục được bảo tồn và phát huy. Cụ thể, toàn tỉnh đã sưu tầm và thống kê một bản danh mục 70 sử thi Ê-đê, 145 sử thi M’nông, 20 câu chuyện cổ và trên 10.000 trang lời nói vần trong ca dao, dân ca; có khoảng 3.000 người biết hát dân ca; sưu tầm 5.000 trang lời cúng trong nghi lễ vòng đời người, nghi lễ vòng cây lúa của dân tộc Ê-đê, M’nông; 3.000 trang nội dung điều trong luật tục Ê đê, M’nông; cấp phát 151 bộ chiêng và 283 bộ trang phục truyền thống cho cộng đồng ở buôn làng và học sinh, sinh viên...
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) vẫn còn những hạn chế như: số lượng tác giả thật sự tiêu biểu ở từng lĩnh vực còn ít, tác phẩm đạt chất lượng cao và tác phẩm lớn chưa nhiều, nhất là các tác phẩm về đề tài lịch sử cách mạng của địa phương, về công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng nông thôn mới...; chưa có những tác phẩm tạo tiếng vang trong nước giới thiệu về vùng đất và con người Đắk Lắk anh hùng. Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ văn nghệ sĩ chưa được tiến hành thường xuyên, chủ yếu tham gia các lớp bồi dưỡng do Trung ương tổ chức. Chưa xây dựng được đội ngũ sáng tác, nhất là tác giả trẻ, tác giả là người dân tộc thiểu số trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật. Công tác xã hội hóa trong lĩnh vực văn hoá, nghệ thuật hiệu quả chưa cao…
Nhằm tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới, Tỉnh ủy Đắk Lắk đề ra phương hướng, nhiệm vụ phát triển văn học, nghệ thuật trong thời gian tới theo định hướng khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Đồng thời, tỉnh coi trọng xây dựng và phát huy niềm tự hào dân tộc, ý chí tự cường, sức sáng tạo, tinh thần cống hiến vì đất nước, khát vọng phát triển thịnh vượng, lòng nhân ái, sự đồng thuận xã hội, tạo sức mạnh tổng hợp thúc đẩy đất nước phát triển nhanh và bền vững.
Nhân dịp này, Tỉnh ủy Đắk Lắk đã tặng Bằng khen cho 12 tập thể và 12 cá nhân có thành tích xuất sắc trong 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới./.