Cao Bằng: Nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong tham gia nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ địa phương, lịch sử truyền thống ngành

Lãnh đạo Tỉnh uỷ Cao Bằng khẳng định: Công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống có vị trí, vai trò rất quan trọng đối với công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị không chỉ hiện nay mà cả những năm tiếp theo...

Các đại biểu tham quan gian trưng bày sách lịch sử Đảng bộ địa phương, lịch sử truyền thống ngành của tỉnh Cao Bằng.

Ngày 07/7, Tỉnh ủy Cao Bằng tổ chức Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Đề án số 02-ĐA/TU, ngày 25/6/2021 về nghiên cứu, biên soạn và xuất bản các ấn phẩm lịch sử đảng bộ địa phương, lịch sử truyền thống ngành giai đoạn 2021 - 2025.

Sau 2 năm triển khai thực hiện Đề án số 02-ĐA/TU, toàn tỉnh nghiên cứu, biên soạn và xuất bản 37 cuốn sách, trong đó có 2 cuốn cấp tỉnh, 2 cuốn lịch sử Đảng bộ ngành, 1 cuốn lịch sử truyền thống đơn vị thuộc ngành, 32 cuốn lịch sử đảng bộ cấp xã. Riêng cấp tỉnh xuất bản và phát hành 2 cuốn sách “Đại tướng Võ Nguyên Giáp với quê hương cội nguồn cách mạng Cao Bằng” (Kỷ yếu Tọa đàm kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25/8/1911 - 25/8/2021); “Địa lý - Lịch sử tỉnh Cao Bằng” (tài liệu dùng cho các trường phổ thông tỉnh Cao Bằng).

Toàn tỉnh triển khai nghiên cứu, biên soạn 121 cuốn với các mức độ: Thông qua Hội đồng thẩm định các bản thảo lịch sử cấp huyện, đang chỉnh sửa, hoàn thiện và làm các thủ tục in ấn, xuất bản 11 cuốn; thông qua hội thảo (lần 2) 13 cuốn; thông qua hội thảo (lần 1) 16 cuốn; tổ chức nghiên cứu, biên soạn, chuẩn bị tổ chức hội thảo (lần 1) 36 cuốn; triển khai sưu tầm, khai thác tư liệu và nghiên cứu, biên soạn, chưa hoàn thành bản thảo (dự kiến triển khai biên soạn và hoàn thành trong năm 2024 - 2025) 55 cuốn...

Quang cảnh Hội nghị.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Triệu Đình Lê, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Cao Bằng, Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án nhấn mạnh: Công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống có vị trí, vai trò rất quan trọng đối với công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị không chỉ hiện nay mà cả những năm tiếp theo.

Đồng chí Triệu Đình Lê đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền tiếp tục thực hiện tốt việc tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng của Đề án số 02, từ đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân cùng đồng tâm, đồng lòng quyết tâm, quyết liệt tham gia nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ địa phương, lịch sử truyền thống ngành. Ban Chỉ đạo thực hiện đề án các cấp, nhất là người đứng đầu cấp ủy, thủ trưởng cơ quan, đơn vị chú trọng, quan tâm chỉ đạo xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án số 02 hằng năm, trong đó, xác định rõ lộ trình nghiên cứu, biên soạn và xuất bản các ấn phẩm lịch sử ở địa phương, đơn vị; tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ hoàn thành công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống theo kế hoạch đề ra.

Ban Tuyên giáo các cấp tiếp tục phát huy tốt vai trò là cơ quan thường trực thực hiện đề án ở các cấp; thường xuyên nghiên cứu, cập nhật kiến thức mới, các văn bản hướng dẫn của Trung ương, cơ quan chuyên môn cấp trên phục vụ công tác nghiên cứu và biên soạn lịch sử; hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết và tham mưu giải quyết những vấn đề vướng mắc trong quá trình thực hiện đề án; định kỳ hằng năm báo cáo kết quả thực hiện với ban thường vụ cấp ủy...