An Giang: Tiếp tục nâng cao nhận thức đối với các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng về văn hóa
Thời gian tới, các cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh An Giang sẽ tiếp tục tăng cường chỉ đạo triển khai, quán triệt để các địa phương, đơn vị nhận thức đầy đủ và sâu sắc hơn các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng và cấp ủy địa phương về văn hóa. Trên cơ sở đó, xây dựng các chương trình, kế hoạch cụ thể hóa nhằm huy động, khai thác tối đa các nguồn lực để phát triển văn hóa trên địa bàn tỉnh…
Ngày 03/5, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy An Giang phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội nghị cung cấp thông tin chuyên đề về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến đến 11 điểm cầu cấp huyện, 88 điểm cầu cấp xã, với trên 3.700 đại biểu tham dự.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam khái quát mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện được nêu trong Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh An Giang đã lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức quán triệt, phổ biến đầy đủ 6 nhiệm vụ và 4 giải pháp nêu trong nghị quyết đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên từng cơ quan, đơn vị, tổ chức chính trị - xã hội. Nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về ý nghĩa, vai trò của việc giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống văn hóa dân tộc được đầy đủ, sâu sắc hơn. Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc được quan tâm chỉ đạo và đạt được những kết quả quan trọng.
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Trần Thị Thanh Hương, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy An Giang đề nghị, các cấp ủy đảng, chính quyền tiếp tục tăng cường chỉ đạo triển khai, quán triệt để các địa phương, đơn vị nhận thức đầy đủ và sâu sắc hơn các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng và cấp ủy địa phương về văn hóa. Trên cơ sở đó, xây dựng các chương trình, kế hoạch cụ thể hóa nhằm huy động, khai thác tối đa các nguồn lực để phát triển văn hóa trên địa bàn tỉnh. Quán triệt nghiêm túc quan điểm “Văn hoá phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”… bảo đảm sự thống nhất về tư tưởng và hành động trong xây dựng, phát triển văn hóa từ tỉnh đến cơ sở.
Bên cạnh đó, xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ văn nghệ sĩ, đặc biệt là đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác văn hóa tương xứng với yêu cầu và nhiệm vụ phát triển văn hóa trong giai đoạn mới. Quan tâm hơn nữa đến việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể hiện có tại địa phương, kết hợp với tiếp thu tinh hoa văn hóa của thời đại; phát triển “sức mạnh mềm” của văn hóa Việt Nam. Đồng thời, chú trọng xây dựng văn hóa ứng xử lành mạnh trong xã hội./.