Xây dựng đội ngũ người làm báo vững về bản lĩnh chính trị, đạo đức, tinh thông nghiệp vụ

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương mong muốn mỗi nhà báo, mỗi người làm báo và cơ quan báo chí cần quán triệt tinh thần báo chí cách mạng, đầu tư nguồn lực xây dựng đội ngũ người làm báo và cơ quan báo chí vững về bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp, tinh thông nghiệp vụ, làm chủ công nghệ làm báo hiện đại…

Các đồng chí lãnh đạo chủ trì Hội nghị.

Dự và chủ trì Hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí Thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Trần Hồng Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Trần Thanh Lâm, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương. Cùng dự Hội nghị có các nhà báo lão thành, đại diện Lãnh đạo các cơ quan thông tấn báo chí cả nước.

Hội nghị đã tập trung đánh giá bước đầu kết quả phát động và triển khai phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí”. Các đại biểu cũng đã nghe đồng chí Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương thông tin về kế hoạch kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2025).

Theo đó, các nội dung hướng đến kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam gồm: Triển khai tổng kết Chỉ thị 30-CT/TW, ngày 25/12/2013 của Bộ Chính trị về phát triển và tăng cường quản lý báo chí điện tử, mạng xã hội và các loại hình truyền thông khác trên Internet; sơ kết 5 năm thực hiện Kết luận số 23-KL/TW, ngày 22/11/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường chỉ đạo, quản lý, phát huy vai trò của báo chí, xuất bản trong việc ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; phối hợp tổng kết, sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí 2016; phối hợp tổng kết công tác Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 theo Quyết định số 362/QĐ-TTg ngày 3/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, sẽ có nhiều tọa đàm, hội thảo, triển lãm chuyên đề được tổ chức. Cùng với đó là các sự kiện: Lễ kỷ niệm cấp quốc gia nhân dịp 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam; Hội nghị “Gặp mặt, biểu dương người làm báo tiêu biểu lần thứ hai”; biên soạn bộ sách “100 năm báo chí cách mạng Việt Nam”; xây dựng phim tài liệu 100 năm báo chí cách mạng Việt Nam.

Đồng chí Trần Thanh Lâm đề nghị, các cơ quan báo chí, truyền thông nâng cao chất lượng tuyên truyền về các hoạt động báo chí; xây dựng chuyên mục, chuyên đề 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam; nghiên cứu, tìm tòi, đổi mới nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động và chất lượng sản phẩm báo chí, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của tình hình thực tiễn...

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định: Trải qua 98 năm kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và lãnh đạo, báo chí cách mạng Việt Nam đã luôn đồng hành và đóng góp quan trọng trong những chặng đường đấu tranh kiên cường của Đảng ta, nhân dân ta, trong bảo vệ độc lập dân tộc, xây dựng chủ nghĩa xã hội, thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu tại Hội nghị.

Báo chí đã phản ánh kịp thời diễn biến mọi mặt của đời sống xã hội; đưa đến độc giả những tin tức mang hơi thở, nhịp đập của cuộc sống; khơi nguồn cảm hứng đổi mới sáng tạo, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của toàn dân tộc; tuyên truyền, đấu tranh, phản bác quan điểm sai trái, thông tin xấu độc, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; phê phán, đấu tranh với cái xấu, tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tiêu cực.

Báo chí cũng đóng vai trò tiên phong trong bồi đắp, làm giàu nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với hệ giá trị: Dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học. Nhiều bài báo mang tính phát hiện, đúc kết thực tiễn sinh động, lan tỏa các gương điển hình tiên tiến, cảnh báo những nguy cơ hiện hữu, kiến nghị các giải pháp thiết thực trên các lĩnh vực…

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, thay mặt Ban Bí thư Trung ương Đảng, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa chúc đội ngũ những người làm báo cả nước “bút sắc, lòng trong”, thực hiện thật tốt vai trò, trách nhiệm và sứ mệnh nghề nghiệp để góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh, năm 2023, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phải nỗ lực hết sức với quyết tâm cao hơn, khát vọng cao hơn, trí tuệ hơn, sáng tạo hơn, trách nhiệm hơn để thực hiện thật tốt, thật hiệu quả các mục tiêu mà Đại hội XIII đã đề ra. Báo chí cách mạng Việt Nam, với vai trò và sứ mệnh nghề nghiệp cao cả, với bề dày truyền thống vẻ vang gần 100 năm xây dựng và phát triển, cần phải tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa để hiện thực hoá khát vọng Việt Nam ở hai dấu mốc quan trọng: 100 năm thành lập Đảng năm 2030 và 100 năm thành lập Nước năm 2045.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Để thực hiện được sứ mệnh thiêng liêng của mình, đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị các cơ quan báo chí phải giữ vững và phát huy vai trò tiên phong, vai trò đi trước mở đường, vai trò chủ lực trong công tác thông tin tuyên truyền; thể hiện rõ nét là vũ khí tư tưởng sắc bén của Đảng, Nhà nước trong bất kỳ giai đoạn nào của đất nước.

Bên cạnh đó các cơ quan báo chí cần tập trung xây dựng các chuyên mục, chương trình tổng kết, đánh giá kết quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng từ đầu nhiệm kỳ đến nay; xây dựng kế hoạch tuyên truyền kỹ lưỡng, chu đáo công tác chuẩn bị cho đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. Thông tin cần kịp thời, khách quan, toàn diện, thiết thực, giàu tính chiến đấu, có khả năng định hướng, chỉ dẫn xã hội. Cần chú trọng phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội; tích cực, chủ động tham gia giải quyết hoặc đề xuất giải pháp để giải quyết vấn đề được dư luận quan tâm...

Đặc biệt, các cơ quan báo chí cần chú trọng hơn đến việc xây dựng môi trường văn hoá trong cơ quan báo chí và người làm báo có văn hoá; góp phần xây dựng nền báo chí liêm chính, nhân văn và chuyên nghiệp; khắc phục tình trạng vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật của phóng viên, người làm báo…

Các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí ngày càng phải chủ động hơn, kịp thời hơn, sát thực tiễn hơn trong chỉ đạo, định hướng thông tin. Bên cạnh việc tiếp tục thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả công tác chấn chỉnh, xử lý các vi phạm, sai phạm trong hoạt động báo chí, cần tích cực nghiên cứu có các giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện để báo chí phát triển.

Hướng đến kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa mong muốn mỗi nhà báo, mỗi người làm báo và cơ quan báo chí cần quán triệt tinh thần báo chí cách mạng, đầu tư nguồn lực xây dựng đội ngũ người làm báo và cơ quan báo chí vững về bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp, tinh thông nghiệp vụ, làm chủ công nghệ làm báo hiện đại. Lấy kết quả công tác, lấy sự phụng sự Tổ quốc và Nhân dân là hành trang và kế hoạch ý nghĩa để hướng đến kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam và bước sang giai đoạn phát triển mới với tinh thần “chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại’’ như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra./.