Hội nghị Báo cáo viên Trung ương tháng 6/2023
Ngày 16/6, tại Hà Nội, đồng chí Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì Hội nghị Báo cáo viên Trung ương tháng 6/2023 nhằm thông tin, định hướng một số nội dung tuyên truyền quan trọng.
Hội nghị được kết nối trực tuyến tới hơn 3.300 điểm cầu trên cả nước, với tổng số gần 150.000 đại biểu tham dự.
Mở đầu Hội nghị, các đại biểu đã nghe Thiếu tướng Đặng Hồng Đức, Chánh Văn phòng Bộ Công an thông tin nhanh về vụ việc gây mất an ninh trật tự tại Đắk Lắk. Báo cáo viên của Bộ Công an đề nghị ban tuyên giáo và đội ngũ báo cáo viên các cấp trên cả nước đồng hành cùng Bộ Công an tuyên truyền để cán bộ, nhân dân hiểu rõ, hiểu đúng bản chất vụ việc.
Thông tin về chuyên đề: “Phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh”, Báo cáo viên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Trong giai đoạn vừa qua, ngành nông nghiệp Việt Nam gặt hái nhiều thành tựu: Các địa phương tích cực áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp công nghệ cao... Từ đó, Việt Nam không những đảm bảo an ninh lương thực, mà còn là nước xuất khẩu lương thực lớn trong khu vực và trên thế giới.
Lĩnh vực xây dựng nông thôn mới đã và đang đạt được nhiều khởi sắc trên cả nước, đáp ứng được nhu cầu của người dân. Đến tháng 5/2023, cả nước đã có 73,24% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, 1.301 xã đạt nông thôn mới nâng cao, 139 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu.
Các kết quả trong phát triển nông nghiệp - nông thôn đã góp phần mang lại những thành tựu đáng kể trong việc cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nông thôn. Thu nhập trung bình của người dân ở khu vực nông thôn đến năm 2020 là khoảng 42 triệu đồng/người/năm; hết năm 2022 là khoảng 47,2 triệu đồng/người/năm.
Tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực nông thôn giảm khoảng 1 - 1,5%/năm; cùng với đó, các chính sách của Nhà nước đã chú trọng phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo sinh kế cho người dân ở nông thôn. Vai trò, năng lực làm chủ của nông dân được nâng cao; nông dân ngày càng năng động, linh hoạt hơn, thích ứng với sản xuất, kinh doanh hàng hóa.
Về chuyên đề “Xây dựng chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới”, đồng chí Phạm Văn Linh, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh, xây dựng Đảng về đạo đức và xây dựng đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên là vấn đề rất hệ trọng. Trong 93 năm lãnh đạo sự nghiệp cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn quan tâm, chú trọng xây dựng Đảng về đạo đức, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục; là yêu cầu quan trọng, cấp thiết trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, để Đảng ta thật trong sạch, vững mạnh.
Thực tiễn đang đặt ra yêu cầu phải xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên để thống nhất nhận thức trong toàn Đảng về chuẩn đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên; làm cơ sở cho cán bộ, đảng viên tự giác tu dưỡng, rèn luyện, tự điều chỉnh hành vi ứng xử; góp phần xây dựng Đảng về đạo đức, đúng như tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cũng cho biết, Ban Tuyên giáo Trung ương đang khẩn trương hoàn thiện, thống nhất các chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trên tinh thần ngắn gọn, rõ, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện, dễ kiểm tra, giám sát để trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư quyết định.
Phát biểu kết luận Hội nghị và định hướng công tác tuyên truyền thời gian tới, đồng chí Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị ban tuyên giáo các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương, đội ngũ báo cáo viên các cấp tập trung tuyên truyền các nội dung chuyên đề được thông tin tại Hội nghị; chú trọng tuyên truyền các vấn đề kinh tế - xã hội, công tác xây dựng đảng và một số nội dung quan trọng khác./.