Tuyên truyền tạo thống nhất nhận thức, hành động trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông
Ban Tuyên giáo Trung ương vừa ban hành Hướng dẫn số 109-HD/BTGTW, ngày 17/7/2023, hướng dẫn đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới.
Theo Hướng dẫn, công tác tuyên truyền cần sâu rộng, tạo sự thống nhất nhận thức tư tưởng và hành động trong Đảng, sự đồng thuận của nhân dân, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp, tạo chuyển biến mạnh mẽ, tích cực trong bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT); kiên trì xây dựng văn hóa chấp hành pháp luật, ứng xử văn minh khi tham gia giao thông; tiếp tục giảm tai nạn giao thông một cách bền vững và hạn chế cơ bản ùn tắc giao thông.
Thông qua tuyên truyền, góp phần nâng cao trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông theo Chỉ thị số 23-CT/TW của Ban Bí thư; xác định bảo đảm TTATGT là một trong những nhiệm vụ quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; nêu cao vai trò, trách nhiệm gương mẫu của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên, tích cực vận động người thân, gia đình và nhân dân thực hiện nghiêm quy định về bảo đảm TTATGT.
Công tác tuyên truyền về bảo đảm TTATGT cần bám sát và gắn với chương trình, kế hoạch thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị. Đa dạng hóa nội dung, hình thức, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền phù hợp, hấp dẫn với từng nhóm đối tượng, lấy thay đổi hành vi là tiêu chí đánh giá hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền.
Hướng dẫn đề ra 6 nhóm nội dung tuyên truyền, đó là: (1) Tuyên truyền quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, trong đó có Chỉ thị số 23-CT/TW về công tác bảo đảm TTATGT; (2) Khẳng định vai trò của cấp ủy Đảng, tổ chức Đảng, chính quyền các cấp trong thực hiện bảo đảm trật tự an toàn giao thông; (3) Tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, nhân dân trong việc chấp hành pháp luật an toàn giao thông, quy tắc ứng xử văn minh khi tham gia giao thông; (4) Vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong chấp hành đường lối, chính sách pháp luật về an toàn giao thông; (5) Biểu dương, khen thưởng cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong bảo đảm TTATGT; (6) Phê phán các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông.
Hướng dẫn đề ra các hình thức, biện pháp tuyên truyền như: xây dựng các chuyên trang, chuyên mục về bảo đảm TTATGT tuyên truyền trên báo chí, trang thông tin điện tử, cổng thông tin điện tử của các ban, bộ, ngành, địa phương và trên Internet; qua các ấn phẩm như bản tin, thông báo nội bộ, tài liệu, sách, tờ rơi, tờ gấp… với nội dung phong phú, phù hợp với từng nhóm đối tượng; tổ chức sáng tác các tác phẩm văn học, nghệ thuật, sân khấu hóa tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo đảm TTATGT, thông qua hội thảo, tọa đàm, phát động các cuộc thi, tìm hiểu về bảo đảm TTATGT; phát huy vai trò của báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp và qua hệ thống thông tin cơ sở như loa phát thanh, đội truyền thông lưu động, tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp; xây dựng các biểu ngữ, khẩu hiệu, băng rôn, pano, áp phích đặt tại các điểm công cộng, nơi đông dân cư, cơ quan, trường học, nhà sinh hoạt cộng đồng,…
Trong tổ chức thực hiện, Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị các cơ quan thông tấn, báo chí căn cứ hướng dẫn, xây dựng kế hoạch tuyên truyền TTATGT, mở chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền thường xuyên, phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông sinh động, hấp dẫn, thu hút sự quan tâm của đông đảo nhân dân; kịp thời đấu tranh, phản bác thông tin sai sự thật, quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc chống phá chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo đảm TTATGT, gây cản trở, ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng của đất nước./.