Yên Bái siết lại quy trình an toàn sản xuất sau vụ tai nạn lao động nghiêm trọng
Cơ quan chức năng tỉnh Yên Bái khẩn trương vào cuộc rà soát, yêu cầu các doanh nghiệp siết chặt quy trình an toàn lao động sau vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại Nhà máy Ximăng Yên Bái.
Sau vụ tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng khiến bảy người tử vong, ba người bị thương tại Nhà máy Ximăng Yên Bái (thuộc Công ty Cổ phần Ximăng và Khoáng sản Yên Bái), cơ quan chức năng tỉnh Yên Bái khẩn trương vào cuộc rà soát, yêu cầu các doanh nghiệp tăng cường kiểm tra, khắc phục tồn tại, siết chặt quy trình an toàn lao động trong sản xuất, kinh doanh.
Các doanh nghiệp “nhìn lại” quy trình an toàn sản xuất
Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Yên Bái hiện có 3.231 doanh nghiệp, tạo việc làm cho trên 48.000 lao động, tập trung chủ yếu ở các ngành nghề như, may mặc, khai thác, chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nông, lâm sản…
Báo cáo của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Yên Bái nêu rõ năm 2023, trên địa bàn tỉnh xảy ra 15 vụ tai nạn lao động khiến 11 người tử vong, bốn người bị thương nặng. Trong đó, riêng trong hoạt động khai thác đá xảy ra ba vụ tai nạn khiến ba người tử vong. Gần đây nhất là vụ tai nạn lao động tại Công ty Cổ phần Ximăng và Khoáng sản Yên Bái làm bảy công nhân tử vong và ba người bị thương...
Thực tế cho thấy trong các vụ tai nạn nói trên, vừa có lỗi của người sử dụng lao động khi trang bị thiết bị không đảm bảo, không có quy trình, biện pháp làm việc khoa học, an toàn… nhưng đồng thời có lỗi của người lao động do vi phạm nội quy, quy trình làm việc.
Ngay sau vụ tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng nói trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Yên Bái cũng như các địa phương khác tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý trường hợp vi phạm quy định về an toàn, vệ sinh lao động trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tuyệt đối không để xảy ra trường hợp tương tự.
Về phía tỉnh Yên Bái, thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh, cơ quan chức năng khẩn trương vào cuộc rà soát, yêu cầu các doanh nghiệp tăng cường biện pháp đảm bảo an toàn trong lao động, sản xuất.
Ông Đặng Văn Hòa, Giám đốc Công ty Cổ phần Nhựa Châu Âu Yên Bái (ở Khu Công nghiệp phía Nam Yên Bái), cho biết đơn vị chuyên sản xuất chất độn nhựa filler masterbatch, ngành nghề có tiềm ẩn nguy cơ tai nạn lao động cao, do đó, việc đảm bảo an toàn cho công nhân trong lao động, sản xuất luôn được Công ty đặt lên hàng đầu.
Với hơn 200 lao động, hằng năm, đơn vị thuê riêng một công ty chuyên về công tác an toàn lao động, đào tạo cho từng bộ phận theo đặc thù công việc.
Riêng những công nhân mới tuyển dụng, song song với đào tạo nghề sẽ đào tạo về công tác đảm bảo an toàn trong lao động, sản xuất. Sau các khóa đào tạo, mỗi công nhân được cấp chứng chỉ đào tạo nghề theo quy định.
Đối với an toàn lao động, điều quan trọng nhất là sự hiểu biết của mỗi công nhân. Trong công việc, khi xảy ra sự cố nếu công nhân không được đào tạo, thiếu hiểu biết về an toàn lao động rất dễ xảy ra các sự cố không đáng có.
Do đó, việc nâng cao hiểu biết, nâng cao tay nghề của mỗi người là điều quan trọng nhất, ông Hòa cho biết thêm.
Cũng theo ông Đặng Văn Hòa, ngay sau khi vụ việc xảy ra tại Công ty Cổ phần Ximăng và Khoáng sản Yên Bái, sáng 23/4, công ty tiến hành họp với toàn thể công nhân lao động, lắng nghe ý kiến của họ trong hoạt động sản xuất về những vấn đề liên quan đến an toàn lao động.
Sau buổi họp, đơn vị bố trí thêm bảng biển, chỉ dẫn, hướng dẫn tại điểm, khu vực trong nhà máy. Đồng thời, rà soát, kiểm tra các trang, thiết bị máy móc; tăng cường trao đổi giữa các ca, kíp mỗi lần bàn giao, đổi ca, kịp thời xử lý bất cập liên quan đến an toàn lao động.
Về vấn đề này, ông Trịnh Huỳnh Yên, Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghiệp phía Nam tỉnh Yên Bái, cho biết sau khi có chỉ đạo của tỉnh, đơn vị có công văn yêu cầu các doanh nghiệp tăng cường hơn nữa vấn đề an toàn lao động.
Đồng thời, đề ra biện pháp tăng cường tuyên truyền, tập huấn về vệ sinh an toàn lao động. Các phòng, ban đẩy mạnh giám sát, kiểm tra các đơn vị trực thuộc trong việc đảm bảo an toàn lao động, xử lý nghiêm doanh nghiệp không tuân thủ quy định về an toàn lao động.
Chú trọng đặc biệt ở ngành nghề có nguy cơ cao
Với thế mạnh nguồn nguyên liệu nông lâm, thủy sản và tài nguyên khoáng sản phong phú từ năm 2021-2023, tỉnh Yên Bái thu hút được 20 dự án vào các lĩnh vực này, với tổng vốn đầu tư hơn 1.800 tỷ đồng.
Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Hoàng Gia (ở xã Thịnh Hưng, huyện Yên Bình) chuyên sản xuất ván ép quy mô ba nhà xưởng, hơn 700 công nhân thường xuyên lao động, sản xuất.
Ông Nguyễn Tuấn Ngọc - quản lý nhà xưởng của công ty nhận định ngành nghề của công ty là một trong ngành nghề tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn lao động.
Thực tế hằng năm, trên địa bàn đều xảy ra một số trường hợp công nhân bị máy nghiền cán gây chấn thương ở một số xưởng chế biến gỗ tư nhân hoặc các xưởng nhỏ.
Để đảm bảo an toàn lao động trong công ty, theo ông Nguyễn Tuấn Ngọc, ngay từ khi tiếp nhận hồ sơ và nhận công nhân vào làm việc, tất cả mọi người đều phải trải qua một tuần tập huấn, học việc, đào tạo nghề.
Khi được tuyển dụng, các công nhân dân ký cam kết về an toàn vệ sinh lao động, tuân thủ nghiêm ngặt quy định phòng cháy, chữa cháy.
Cũng theo ông Nguyễn Tuấn Ngọc, để hạn chế thấp nhất nguy cơ tai nạn lao động, ngoài đào tạo và nâng cao trách nhiệm của mỗi công nhân, từng cán bộ quản lý phải có trách nhiệm với công việc.
Đội ngũ cán bộ quản lý thường xuyên giám sát hoạt động sản xuất, đặc biệt là các máy móc, trang thiết bị điện một cách chủ động, nhắc nhở, thông tin đến từng bộ phận kịp thời kiểm tra, khắc phục sự cố có thể dẫn đến nguy cơ mất an toàn lao động.
Hiện trên địa bàn tỉnh Yên Bái có 108 giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực của 93 tổ chức, doanh nghiệp gồm: 42 giấy phép do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp, 66 giấy phép do tỉnh cấp.
Tổng công suất khai thác gần 4,3 triệu m3/năm và trên 17,4 tấn/năm, trên tổng diện tích khai thác mỏ là 1.421ha.
Đối với hoạt động khai thác và chế biến đá trên địa bàn tỉnh Yên Bái, các đơn vị không chỉ đáp ứng về nhu cầu vật liệu xây dựng cho các công trình, thành phẩm xuất khẩu mà còn tạo việc làm, thu nhập cho nhiều lao động, nộp ngân sách, góp phần phát triển kinh tế-xã hội địa phương.
Tuy nhiên, cùng với những lợi ích, các mỏ đá đang tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn lao động. Bằng chứng là trong những năm trở lại đây liên tục xảy ra các tai nạn lao động đáng tiếc, hậu quả khiến nhiều người tử vong và bị thương.
Theo cơ quan chức năng tỉnh Yên Bái, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng mất an toàn lao động tại các mỏ đá là do công nhân không có đầy đủ trang thiết bị bảo hộ lao động, không được tập huấn về an toàn lao động, quy trình khai thác, bóc gỡ đất đá tại mỏ…
Theo ông Nguyễn Mạnh Phượng, đội vận hành-bảo dưỡng dây chuyền chọn đá Công ty Cổ phần Mông Sơn (xã Mông Sơn, huyện Yên Bình), đối với các mỏ khai thác đá, điều quan trọng nhất là phải đảm bảo an toàn cho công nhân khi vào làm. Bởi mỗi một lỗi sơ suất dù là nhỏ nhất phải trả giá bằng tính mạng.
“Với đặc thù công việc, mỗi quy trình vận hành máy móc, trang thiết bị tại công trường đều được phân công cho các tổ trưởng kiểm tra kỹ càng trước mỗi ca trực. Mỗi tháng, ngoài việc bảo dưỡng máy móc, bộ phận kỹ thuật đều họp, đề xuất, kiến nghị những vấn đề liên quan đến vận hành để đảm bảo an toàn trong lao động sản xuất,” ông Nguyễn Mạnh Phượng chia sẻ.
Ngoài ra, tại Công ty Cổ phần Mông Sơn tuyệt đối tuân thủ các quy định về quản lý, sử dụng vật liệu nổ trong khai thác đá. Mỗi lần nổ mìn đều được phê duyệt theo quy định, có giấy xuất kho...
Giờ nổ mìn được thông báo trước cho các công nhân và hộ dân, có chuông cảnh báo. Hằng năm, ngoài cấp phát trang thiết bị bảo hộ lao động cho công nhân, cán bộ kỹ thuật đều được cử đi tập huấn định kỳ về an toàn lao động.
Công ty phối hợp chặt chẽ cùng cơ quan chức năng của tỉnh trong các đợt tuyên truyền về an toàn vệ sinh lao động; đào tạo tay nghề cho công nhân mới vào, ký cam kết về đảm bảo an toàn lao động trong sản xuất, ông Nguyễn Ngọc Tú, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Mông Sơn cho hay.
Tăng cường công tác quản lý về an toàn lao động
Sau vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại Công ty Cổ phần Ximăng và Khoáng sản Yên Bái, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Trần Huy Tuấn đã ký công văn hỏa tốc yêu cầu các ngành liên quan tăng cường thực hiện biện pháp đảm bảo an toàn lao động Ủy ban Nhân dân tỉnh yêu cầu Sở Lao động-Thương binh và Xã hội khẩn trương thành lập Đoàn điều tra tai nạn lao động xảy ra tại Công ty Cổ phần Ximăng và Khoáng sản Yên Bái theo đúng quy định của pháp luật.
Đồng thời, ngành chức năng làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan, kiến nghị xử lý nghiêm vi phạm theo quy định của pháp luật.
Ngành chức năng thành lập các đoàn kiểm tra việc thực hiện quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động tại doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh; kịp thời xử lý hành vi vi phạm trong công tác an toàn, vệ sinh lao động, đặc biệt là trong hoạt động sản xuất vật liệu xây dựng, khai thác, chế biến khoáng sản, các vụ tai nạn lao động, sự cố lao động nghiêm trọng tại doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Sở Lao động-Thương binh và Xã hội và cơ quan liên quan chỉ đạo doanh nghiệp rà soát kỹ quy định, tiêu chuẩn, quy trình khai thác, chế biến khoáng sản làm ximăng, vật liệu xây dựng khác, kịp thời khắc phục tồn tại, hạn chế, bảo đảm tuyệt đối an toàn cho người lao động.
Cùng với đó là thường xuyên kiểm tra công tác an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình; xử lý nghiêm vi phạm quy định của pháp luật về an toàn lao động; cương quyết dừng thi công, dừng sử dụng máy, thiết bị khi phát hiện vi phạm về an toàn lao động.
Sở Y tế tăng cường kiểm tra, giám sát việc quan trắc môi trường lao động tại các doanh nghiệp; đôn đốc, yêu cầu doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc việc bố trí người làm công tác y tế cơ sở theo đúng quy mô, tính chất lao động, nguy cơ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Ngày 26/4, Ủy ban Nhân dân tỉnh Yên Bái tổ chức lễ phát động Tháng Công nhân và Tháng Hành động về An toàn Vệ sinh Lao động năm 2024 chủ đề: "Tăng cường đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc và trong chuỗi cung ứng" và "Đoàn kết công nhân-Triển khai nghị quyết."
Tỉnh yêu cầu các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh quan tâm hơn nữa đến công tác an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ; đầu tư máy móc, thiết bị tiên tiến; thường xuyên tự kiểm tra, đánh giá nguy cơ, rủi ro về an toàn vệ sinh lao động để chủ động phòng ngừa; khuyến khích sáng kiến, giải pháp đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, cải thiện điều kiện làm việc; tích cực đối thoại với người lao động.
Người lao động tuân thủ đầy đủ quy định về an toàn vệ sinh lao động; cập nhật, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng làm việc an toàn; kịp thời xử lý tình huống nếu thấy rõ nguy cơ, sự cố mất an toàn vệ sinh lao động.
Ông Phan Huy Cường, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Yên Bái, cho biết đơn vị tiếp tục giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách, trong đó, giám sát về thực hiện pháp luật về an toàn vệ sinh lao động sẽ được quan tâm hàng đầu.
Liên đoàn Lao động tỉnh tăng cường tập huấn về triển khai hoạt động giám sát lĩnh vực an toàn lao động cho Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và Công đoàn cơ sở.
Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy cũng cho biết sẽ yêu cầu doanh nghiệp tích cực phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, đào tạo cho người lao động để thực hiện biện pháp bảo đảm an toàn lao động trong quá trình tham gia sản xuất tại các cơ sở sản xuất, nhất là tại cơ sở sản xuất công nghiệp./.