Thành phố Hồ Chí Minh: Phát hiện nhiều sai phạm trong kinh doanh dược phẩm

Ngày 3/5, Ban Văn hóa-Xã hội, Hội đồng Nhân dân TP. Hồ Chí Minh đã có buổi giám sát về công tác quản lý và sử dụng thuốc tại các cơ sở khám, chữa bệnh, cơ sở kinh doanh dược trên địa bàn quận Tân Phú.

Đoàn giám sát Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh kiểm tra tại một cơ sở kinh doanh thuốc trên địa bàn quận Tân Phú. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)

Ngày 3/5, Ban Văn hóa-Xã hội, Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã có buổi giám sát về công tác quản lý và sử dụng thuốc tại các cơ sở khám, chữa bệnh, cơ sở kinh doanh dược trên địa bàn quận Tân Phú.

Tại đây, nhiều sai phạm trong kinh doanh thuốc đã được phát hiện và những lo ngại về lỗ hổng trong quản lý kinh doanh thuốc đã được đặt ra.

Cụ thể, Đoàn giám sát đã trực tiếp kiểm tra tại Phòng khám Đa khoa Hy Vọng (số 103 Thoại Ngọc Hầu, Hòa Thạnh, Tân Phú).

Cơ sở này có bán nhiều loại thuốc, thực phẩm chức năng như Uni mama (thực phẩm bổ sung DHA sắt, Acid folic, Vitamin, khoáng chất), Calcium - D S.Pharm (thuốc bổ sung canxi, điều trị loãng xương, còi xương), Magne-B6 Corbière Sanofi (viên nén điều trị thiếu magnesium), Tylenol 8hr Arthritis Pain 650mg (viên uống giảm đau, hạ sốt)… nhưng nhân viên không cung cấp được hóa đơn, chứng từ mua bán, nhập khẩu.

Tại Nhà thuốc Long Châu (thuộc Công ty Cổ phần dược phẩm FPT Long Châu) số 225 Thoại Ngọc Hầu, phường Phú Thạnh, Tân Phú, Đoàn giám sát phát hiện một số hộp thuốc 100% ghi chữ nước ngoài (cụ thể là tiếng Nhật, trên bao bì có ghi thêm tiếng Anh) như Natto kinase (thực phẩm chức năng), Happy mom Jpanwell (viên uống bổ sung vitamin và khoáng chất), Coq 10 (thuốc Coenzyme Q10 là một chất chống oxy hóa) nhưng trong bao bì không có hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt.

Nhà thuốc này cũng không niêm yết bảng giá thuốc theo quy định. Trong khi Đoàn đang khảo sát, một vài người dân vào nhà thuốc và chỉ cần nói tên thuốc là được nhân viên bán, không đòi hỏi phải có đơn của bác sỹ, mặc dù đó là những loại thuốc cần phải kê đơn.

Đoàn giám sát Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh kiểm tra tại một cơ sở kinh doanh thuốc trên địa bàn quận Tân Phú. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)

Theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân quận Tân Phú, hết tháng 4/2024, trên địa bàn quận có 424 cơ sở kinh doanh dược (nhà thuốc); trong đó có 61 doanh nghiệp, 359 là cơ sở, hộ kinh doanh và 4 doanh nghiệp dược liệu.

Một số nhà thuốc có kinh doanh thêm sản phẩm thực phẩm chức năng; 95% nhà thuốc đạt tiêu chuẩn GPP (Thực hành tốt quản lý nhà thuốc). Các cơ sở còn lại đang thực hiện hồ sơ gửi về Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh chờ thẩm định.

Bác sỹ Mai Đức Thọ, Trưởng Phòng Y tế quận Tân Phú cho biết, từ năm 2022 đến nay, quận Tân Phú đã kiểm tra 423 cơ sở, phát hiện 19 cơ sở có sai phạm với tổng số tiền phạt trên 75 triệu đồng.

Lý giải nguyên nhân dù đã kiểm tra nhưng vẫn không phát hiện sai phạm trong kinh doanh thuốc, bác sỹ Mai Đức Thọ cho hay, để không gây phiền hà cho hộ kinh doanh, trước khi thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, đoàn thường gửi trước thông tin về về ngày, giờ…

Do đó, các cơ sở này có thời gian chuẩn bị trước. Nếu kiểm tra đột xuất thì gần 100% cơ sở kinh doanh thuốc đều có sai phạm.Bà Trịnh Thị Mai Trinh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Tân Phú thừa nhận đã có những lỗ hổng trong công tác quản lý, kiểm tra, giám sát các cơ sở kinh doanh thuốc trên địa bàn.

Thời gian tới, quận sẽ rà soát, chỉ đạo quyết liệt các đơn vị liên quan và địa phương để công tác kiểm tra, giám sát cơ sở kinh doanh thuốc trên địa bàn được chặt chẽ hơn.

Ông Cao Thanh Bình, Trưởng Ban Văn hóa-Xã hội, Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng công tác quản lý các cơ sở kinh doanh thuốc chưa chặt chẽ như hiện nay sẽ dẫn đến những hậu quả khó lường, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.

Do đó, quận Tân Phú cần thực hiện chặt chẽ hơn, xử phạt nghiêm những cơ sở kinh doanh thuốc, dược liệu có sai phạm.

Địa phương cần rà soát kỹ chứng chỉ hành nghề của các cơ sở kinh doanh dược phẩm, không để xảy ra trường hợp không có chứng chỉ hành nghề nhưng vẫn mở tiệm thuốc và bán thuốc./.