Khánh Hòa: Bước đầu xác định tác nhân khiến tôm hùm bông chết bất thường
Viện III nhận thấy nhiệt độ nước các vùng khảo sát thời gian qua cao hơn so với cùng kỳ năm 2023, nguy cơ gia tăng khả năng phát triển của các tác nhân gây bệnh cho tôm hùm.
Ngày 3/5, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III cho biết đã có kết quả khảo sát về tình hình tôm hùm nuôi lồng bị chết bất thường ở huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa, sau khi phát hiện tác nhân gây bệnh đen mang trong tơ mang tôm hùm bông tại thôn Khải Lương, xã Vạn Thạnh và thôn Hà Già, xã Vạn Hưng trên địa bàn huyện này.
Trước đó, giữa tháng 4, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Khánh Hòa đã phối hợp với Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III và Ủy ban Nhân dân huyện Vạn Ninh tổ chức đoàn khảo sát tại các vùng nuôi tôm hùm trên vịnh Vân Phong, thuộc 2 xã Vạn Thạnh và Vạn Hưng để đánh giá tác nhân gây chết tôm hùm.
Đoàn đã tiến hành đo các thông số cơ bản tại hiện trường và thu thập 4 mẫu nước, 1 mẫu trầm tích, cùng 4 mẫu tôm hùm nuôi có dấu hiệu bệnh để phân tích tại phòng thí nghiệm của Viện III.
Kết quả cho thấy, hàm lượng oxy hòa tan tầng đáy thấp hơn giới hạn cho phép ở hai điểm thu mẫu, mật độ Vibrio spp. vượt giới hạn từ 1,8-3,3 lần. Nhiệt độ môi trường nước tại lồng nuôi thôn Xuân Vinh cao (31,1 độ C); hàm lượng H2S khá cao trong các mẫu nước đã thu.
Các mẫu tôm thu ở cả hai vùng khảo sát đều không có biểu hiện nhiễm ký sinh trùng, âm tính với tác nhân gây bệnh sữa (Rickettsia like bacteria). Tuy nhiên, 100% số tôm thu ở Mũi Nai, xã Vạn Thạnh nhiễm nấm Fusarium sp. Ngoài ra, phát hiện loài vi khuẩn Vibrio alginolyticus với mật số cao ở cả các mẫu tôm ở 2 vùng khảo sát.
Từ những kết quả, Viện III nhận thấy, nhiệt độ nước các vùng khảo sát thời gian qua cao hơn so với cùng kỳ năm 2023, nguy cơ gia tăng khả năng phát triển của các tác nhân gây bệnh cho tôm hùm.
Từ đó, phát hiện tác nhân gây bệnh đen mang trong tơ mang tôm hùm bông (nấm Fusarium sp) ở các mẫu thu tại Mũi Nai, xã Vạn Thạnh. Đây có thể là tác nhân nguyên phát gây khó khăn cho việc hô hấp tôm hùm bông, làm tôm thiếu oxy và chết rải rác ở vùng nuôi Mũi Nai.
Bên cạnh đó, mật số vi khuẩn Vibrio tổng số cao trong các mẫu tôm, mẫu nước và mẫu trầm tích vùng khảo sát, đặc biệt V. alginolyticus tìm thấy với mật số cao trong các mẫu tôm rất có thể là tác nhân thứ phát góp phần gây hiện tượng tôm chết rải rác.
Ngoài ra, hàm lượng oxy hòa tan trong nước ở tầng đáy thấp, nhiệt độ nước tăng cao so với cùng kỳ, cùng với việc thả tôm với mật độ dày, giai đoạn thời tiết đang chuyển mùa đã góp phần làm sức đề kháng của tôm giảm, tôm yếu và dễ mắc bệnh.
Trước tình hình trên, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III đã khuyến cáo người nuôi tăng cường che mát lồng, bè nuôi khi có nắng nóng; thu gom vỏ nhuyễn thể lúc sơ chế và sau khi tôm ăn xong nhằm hạn chế quá trình kỵ khí ở đáy và bồi lắng đáy thủy vực nuôi.
Bên cạnh đó, người nuôi bố trí san thưa mật độ tôm nuôi nhằm giảm thiểu thiệt hại; tăng cường lặn theo dõi tôm nuôi, khi phát hiện tôm có dấu hiệu ăn yếu đen mang thì sử dụng formalin nồng độ 300 ppm tắm cho tôm trong 20 phút, tắm 3 lần trong 7 ngày liên tục để điều trị.
Ngoài ra, người nuôi có thể sử dụng giải pháp kỹ thuật điều trị bệnh đỏ thân theo khuyến cáo của cơ quan thẩm quyền để điều trị tôm hùm có dấu hiệu đỏ thân trong khu vực; dưa các lồng, bè đã xuất bán lên khỏi mặt nước, giãn cách các lồng bè nuôi (nếu được) nhằm đảm bảo sự thông thoáng nước.
Người nuôi không nên đặt lồng nuôi tôm hùm ở vùng nước nông dưới 8 m nước, đặc biệt là vùng nuôi thôn Xuân Vinh, xã Vạn Thạnh; và chưa nên thả giống mới trong thời điểm này./.