Yên Bái: Cấp bách phục hồi sản xuất nông nghiệp sau bão, lũ
Trước nguy cơ mất mùa của hàng vạn hộ nông dân, chính quyền tỉnh Yên Bái cùng nhân dân thực hiện nhiều biện pháp cấp bách phục hồi sản xuất, góp phần ổn định cuộc sống sau lũ.
Cơn bão số 3 đã làm nông dân Yên Bái thiệt hại hơn 357.500 con gia súc, gia cầm, gần 6.000 ha cây trồng bị ngập úng, gẫy đổ, chết trắng khi chuẩn bị vào mùa thu hoạch.
Trước nguy cơ mất mùa của hàng vạn hộ nông dân, chính quyền các địa phương vào cuộc, cùng nhân dân thực hiện nhiều biện pháp cấp bách nhằm phục hồi sản xuất, góp phần ổn định cuộc sống sau lũ.
Thiệt hại nặng nề trên diện rộng
Cũng như nhiều cánh đồng lúa khác trên địa bàn 15 xã của thành phố Yên Bái chuẩn bị cho thu hoạch, cánh đồng lúa của các thôn Hợp Thành, Thanh Sơn xã Tuy Lộc bị nước ngập mênh mông, hàng chục ha lúa và rau màu bị thiệt hại hoàn toàn.
Nước rút đi chỉ còn lại bùn đất và cây cối héo úa, chết trắng không có khả năng hồi phục, nhất là cánh đồng lúa đang thời kỳ chắc hạt, bị vùi lấp dưới lớp phù sa khá dày.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Tuy Lộc, cho biết trên 80% diện tích lúa và rau mầu của xã bị ngập, bị bùn và phù sa vùi lấp cả tuần nay, rễ cây đã bị thối, không thể phục hồi.
Thống kê toàn xã mất trắng khoảng 300ha lúa, 70ha rau màu, 20ha ao mất trắng, trên 10.000 con gia cầm và 5.000 con gia súc chết, ước thiệt hại cả trăm tỷ đồng.
Là địa phương có diện tích đao riềng lớn nhất huyện Trấn Yên, chỉ tính riêng 4 thôn của xã Quy Mông có trên 400 hộ tham gia trồng đao riềng với tổng diện tích 70ha, nhưng đến nay chỉ còn hơn 10ha có khả năng phục hồi, còn lại gần 60ha bị ngập hoàn toàn, ước thiệt hại hơn 5.000 tấn củ, trị giá trên 11 tỷ đồng.
Tương tự như cây đao riềng, cây dâu tằm ở xã Việt Thành, huyện Trấn Yên gần như bị xóa sổ sau cơn bão. Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Việt Thành Nguyễn Thị Tuyết Nga cho hay 70% của toàn bộ hơn 220ha dâu là sinh kế chính của trên 300 hộ dân trong xã bị ngập úng, héo úa, lượng bùn đất vùi lấp đến cả mét, khó phục hồi.
Cùng với đó, hàng trăm hộ dân đang nuôi tằm cũng phải đổ bỏ do cạn kiệt nguồn thức ăn, đến nay thiệt hại chưa thể tính toán hết được.
Trấn Yên được quy hoạch là vùng trồng dâu trọng điểm của tỉnh, toàn huyện có gần 1.200ha dâu dọc hai bên bờ sông Hồng, với hơn 1.500 hộ trồng dâu nuôi tằm, cho sản lượng kén hàng năm đạt trên 2.200 tấn, giá trị ước đạt trên 300 tỷ đồng.
Sau cơn bão, một nửa diện tích dâu còn lại chỉ là bùn đất, nhiều cánh đồng dâu bị san phẳng, ruộng dâu nhiều nơi đổ nát, héo úa không có khả năng phục hồi, khiến hàng trăm hộ gia đình mất đi nguồn thu nhập chính từ dâu tằm.
Tính đến nay, cơn bão số 3 đã gây thiệt hại trên toàn tỉnh Yên Bái gần 6.000ha cây trồng; trong đó, có 3.136ha lúa; 1.400ha ngô, rau màu; trên 820ha cây công nghiệp; trên 237ha cây lâm nghiệp; trên 357.000 con gia súc, gia cầm chết; cuốn trôi gần 800ha ao và 109m3 lồng cá...
Mưa lũ làm 406 công trình thủy lợi bị hư hỏng; 24 công trình cấp nước tập trung nông thôn hư hỏng nặng. Tổng thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng.
Đánh giá hậu quả của cơn bão số 3 gây ra, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Yên Bái Hoàng Hữu Độ cho rằng hiện cuộc sống của hàng chục nghìn hộ nông dân đang bị ảnh hưởng, thiệt hại là rất nghiêm trọng, chưa có tiền lệ, sức tàn phá của lũ lụt, ngập úng, xói mòn khiến cho sản xuất nông nghiệp của Yên Bái bị ngừng trệ, điêu đứng và phải mất không ít thời gian để phục hồi. Đó là tổn thất rất lớn đối với một tỉnh nghèo, thuần nông như Yên Bái.
Triển khai nhiều biện pháp cấp bách
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Yên Bái Ngô Hạnh Phúc cho rằng đây là thời điểm quan trọng, cấp bách, bằng mọi biện pháp tiêu úng, chống úng nhanh nhất, kịp thời cứu diện tích lúa, hoa màu, cây ăn quả, cây công nghiệp… còn đang bị ngập úng.
Phân công cán bộ kỹ thuật xuống cơ sở, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp cụ thể bảo vệ sản xuất, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi cho phù hợp với điều kiện thực tế.
Khẩn trương bơm nước đệm trên hệ thống sông, kênh mương nội đồng; huy động các lực lượng khơi thông dòng chảy trên các kênh tiêu, tôn cao bờ vùng, bờ thửa, bờ kênh tiêu bảo đảm tiêu nước nhanh cho các vùng có nguy cơ ngập úng. Khoanh vùng những nơi còn ngập úng sâu để có phương án xử lý nhanh bằng cách bơm cưỡng bức.
Phó Chủ tịch Ngô Hạnh Phúc yêu cầu ngành nông nghiệp, chính quyền cơ sở rà soát ngay các công trình thủy lợi, đê kè, hồ đập, hồ chứa thủy lợi… xung yếu, bị hư hại, để sửa chữa, khôi phục hoạt động trong thời gian ngắn nhất phục vụ việc tiêu nước và ứng phó với các tình huống thiên tai, bão lũ xảy ra trong thời gian tới.
Tổng hợp nhu cầu, đề xuất Ủy ban Nhân dân tỉnh kịp thời hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, giống thủy sản, các loại vật tư, sinh phẩm phục vụ trồng trọt để giúp người dân khôi phục sản xuất sớm nhất.
Đối với chăn nuôi, thực hiện tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng ngay, đồng thời tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine cho gia súc, gia cầm; giám sát để phát hiện sớm, kịp thời xử lý trường hợp gia súc, gia cầm mắc bệnh, tránh lây lan trên diện rộng.
Tại huyện Trấn Yên, nơi đang có 600ha cây dâu tằm đang cần cứu chữa, bà Triệu Thị Bích Liệu, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Trấn Yên cho biết đang chỉ đạo người dân gấp rút dọn dẹp bùn đất, cây cối trôi dạt mắc lại ruộng dâu, cắt bỏ những cành gẫy, cành bị tổn thương nặng do mưa bão, vệ sinh ruộng; tiến hành xới phá váng để đất được thông thoáng, khi cây hồi phục bón phân cân đối, phòng trừ sâu bệnh để cây khỏe trở lại.
Trực tiếp chỉ đạo tại cánh đồng các thôn Cống Đá, Cửa Ngòi, ông Nguyễn Quốc Huy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Âu Lâu, thành phố Yên Bái, cho biết công việc trước mắt chỉ đạo người dân xác định lại ranh giới bờ thửa, đắp lại bờ, thông lại kênh mương cho thoát kiệt nước, vệ sinh đồng ruộng, nhanh chóng làm lại đất cho những cây trồng ngắn ngày, phù hợp sản xuất vụ đông, như ngô, khoai, đậu và các loại rau màu...Đối với diện tích lúa bị ngã đổ, chúng tôi đã hướng dẫn các hộ dựng, buộc lại diện tích này, đồng thời cho thu hoạch những phần lúa đã chín.
Riêng diện tích rau màu còn có khả năng phục hồi, hướng dẫn bà con khơi thông, tạo rãnh thoát nước, bơm cạn nước ruộng, xới xáo nhẹ mặt luống, vun gốc, đợi khi cây phục hồi thì bón nhẹ phân hữu cơ để cây trồng sinh trưởng thuận lợi, trong thời kỳ này tránh sử dụng phân bón vô cơ.
Đối với diện tích không khôi phục được chỉ đạo người dân, cày sâu đất phơi khô, chuẩn bị đủ loại hạt giống rau, phân bón hữu cơ để sẵn sàng gieo trồng lại khi thời tiết thuận lợi./.