Thành phố Hồ Chí Minh: Nhu cầu nhân lực qua đào tạo chiếm gần 87,5%
Trong 3 tháng cuối năm 2024, nhu cầu nhân lực nhóm ngành công nghiệp trọng điểm của Thành phố Hồ Chí Minh cần từ 12.000-12.800 chỗ làm việc, chiếm 15,39% tổng nhu cầu nhân lực.
Ngày 20/9, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động Thành phố Hồ Chí Minh cho biết qua kết quả khảo sát, 3 tháng cuối năm 2024 cần từ 78.100-83.300 chỗ làm việc, tập trung ở các nhóm ngành công nghiệp trọng điểm và nhóm ngành dịch vụ chủ yếu.
Cụ thể, nhu cầu nhân lực nhóm ngành công nghiệp trọng điểm cần từ 12.000- 12.800 chỗ làm việc (chiếm 15,39% tổng nhu cầu nhân lực).
Trong số đó, chế biến lương thực, thực phẩm, đồ uống chiếm 3,73%; hóa dược- cao su và plastic chiếm 1,87%; sản xuất hàng điện tử chiếm 3,12%; ngành cơ khí chiếm 6,67%.
Nhu cầu nhân lực nhóm ngành dịch vụ chủ yếu cần từ 47.500-50.700 chỗ làm việc, chiếm 60,91% tổng nhu cầu nhân lực.
Trong số đó, ngành bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ôtô, môtô, xe máy và xe có động cơ chiếm hơn 25,2%; vận tải, kho bãi, chiếm hơn 2%; dịch vụ lưu trú và ăn uống chiếm hơn 3,7%; thông tin và truyền thông chiếm hơn 4,1%; tài chính, ngân hàng và bảo hiểm chiếm gần 5%; hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ chiếm 6,8%; giáo dục và đào tạo chiếm gần 2,2%; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội chiếm 1,2%.
Nhu cầu nhân lực lao động qua đào tạo cần từ 68.300-72.800 chỗ làm việc, chiếm 87,46% tổng nhu cầu nhân lực. Trong số đó, trình độ đại học trở lên chiếm hơn 20,66%; cao đẳng chiếm 22,56%; trung cấp chiếm 24,77%; sơ cấp chiếm 19,47%.
Nhu cầu tuyển dụng ở lao động phổ thông cần từ 9.800-10.400 chỗ làm việc, chiếm 12,54% tổng nhu cầu nhân lực.
Theo bà Nguyễn Hoàng Hiếu, Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2024 là năm có nhiều cơ hội và thách thức khi tiếp nối những chặng đường phục hồi sau tình trạng lao động giãn việc, thôi việc, mất việc của năm trước.
Tín hiệu khởi sắc của nền kinh tế những tháng đầu năm cho thấy thị trường lao động đang có nhiều triển vọng, nhất là khi số người có việc làm tăng, tỷ lệ thất nghiệp có xu hướng giảm, nhu cầu tuyển dụng của hầu hết các ngành có xu hướng tăng trưởng.
Đặc biệt, trong 9 tháng năm 2024, Thành phố đề ra nhiều giải pháp linh hoạt, qua đó thúc đẩy và phát triển kinh tế-xã hội; hỗ trợ phát triển thị trường lao động theo chiều hướng tích cực và ngày càng sôi động.
Với đà tăng trưởng và phát triển này, cùng nhu cầu sản xuất, tiêu dùng dịp Tết Ất Tỵ năm 2025 tăng, dự kiến thị trường lao động 3 tháng cuối năm sẽ có nhiều chuyển biến tích cực mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức.
Đối với người lao động, bà Nguyễn Hoàng Hiếu khuyến nghị luôn chủ động cập nhật kiến thức chuyên môn, trang bị kỹ năng nghề, có thái độ làm việc tích cực, sẵn sàng đáp ứng thay đổi của thị trường lao động, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa, đã và đang làm phát sinh hình thức việc làm mới và thay đổi trong cấu trúc, tổ chức công việc./.