Xung đột Hamas-Israel: Mỹ lạc quan về triển vọng đạt thỏa thuận trao trả con tin
Phát biểu sau cuộc gặp với Thủ tướng Netanyahu, Ngoại trưởng Blinken cho rằng đề xuất của Hamas ít nhất vẫn mang lại cơ hội "theo đuổi các cuộc đàm phán" về phóng thích con tin mà Hamas đang bắt giữ.
Ngày 7/2, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã bày tỏ lạc quan về khả năng đạt được thỏa thuận ngừng bắn và trao trả con tin giữa Israel và Hamas, đồng thời kêu gọi bảo vệ dân thường trong bối cảnh Israel chuẩn bị triển khai hoạt động quân sự ở thị trấn Rafah, phía Nam Gaza.
Lời kêu gọi của Ngoại trưởng Blinken được đưa ra ngay sau khi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã bác bỏ yêu cầu của Hamas về một lệnh ngừng bắn kéo dài 135 ngày như một phần của thỏa thuận trao trả con tin do Qatar làm trung gian, đồng thời cam kết sẽ thúc đẩy cuộc chiến ở Dải Gaza cho đến khi "hoàn toàn chiến thắng."
Trao đổi với báo giới ở Tel Aviv vài giờ sau cuộc gặp với Thủ tướng Netanyahu, ông Blinken cho rằng đề xuất của Hamas ít nhất vẫn mang lại cơ hội "theo đuổi các cuộc đàm phán" về phóng thích con tin mà lực lượng này đang bắt giữ.
Ông cũng cho biết sẽ gặp gia đình các con tin vào ngày 8/2 và cam kết sẽ nỗ lực tìm kiếm giải pháp để các con tin được trả tự do.
Trong cuộc gặp với Thủ tướng Natanyahu và các quan chức khác của Israel, Ngoại trưởng Mỹ cho biết ông đã nhấn mạnh mọi hoạt động quân sự của Israel đều cần phải ưu tiên việc bảo vệ dân thường lên hàng đầu. Ông lưu ý số người thiệt mạng mỗi ngày ở Gaza "quá cao."
Trước đó, phát biểu họp báo đêm 7/2, Thủ tướng Netanyahu tuyên bố sắp "hoàn toàn chiến thắng và chiến thắng trong tầm tay" chỉ trong vài tháng nữa.
Ông Netanyahu khẳng định Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sắp kiểm soát được thành phố Khan Yunis và ông đã ra lệnh cho quân đội bắt đầu tấn công vào thành trì cuối cùng của Hamas ở thị trấn Rafah.
Liên quan đến việc hỗ trợ người dân Palestine, cũng trong ngày 7/2, Na Uy đã công bố khoản quyên góp mới cho Cơ quan Cứu trợ của Liên hợp quốc dành cho người tị nạn Palestine (UNRWA) trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nhân đạo đang bao trùm Dải Gaza bị xung đột tàn phá.
Phát biểu trước báo giới, Ngoại trưởng Na Uy Espen Barth Eide cho biết nước này sẽ chuyển 275 triệu kroner Na Uy (26 triệu USD) hỗ trợ những người tị nạn Palestine ở Gaza, Bờ Tây, Liban, Syria và Jordan.
UNRWA đóng vai trò quan trọng trong việc phân phối viện trợ ở Gaza. Cơ quan này hiện đang đối mặt với khó khăn tài chính sau khi nhiều nước như Mỹ, Anh và Đức đình chỉ tài trợ liên quan tới các cáo buộc một số nhân viên UNRWA dính líu tới vụ tấn công ngày 7/10/2023 của phong trào Hamas vào miền Nam Israel.
Trước đó, ngày 31/1, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo việc ngừng tài trợ cho UNRWA sẽ gây ra “hậu quả thảm khốc” đối với người dân ở Gaza - khu vực đang bị tàn phá do cuộc xung đột giữa Phong trào Hồi giáo Hamas và Israel.
Ngày 28/1, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã kêu gọi các nước tài trợ để “đảm bảo duy trì hoạt động liên tục” của UNRWA./.