Xúc động chương trình nghệ thuật tưởng nhớ cố nhạc sỹ Văn Cao
Chương trình nghệ thuật “Đàn chim Việt” tôn vinh những giá trị to lớn và những sáng tạo, cống hiến xuất sắc của nhạc sỹ Văn Cao đối với nền âm nhạc và văn hóa nghệ thuật của đất nước.
Tối 20/8, chương trình nghệ thuật “Đàn chim Việt” kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhạc sỹ, thi sỹ, họa sỹ Văn Cao (15/11/1923-15/11/2023) diễn ra hoành tráng, ấn tượng tại Nhà hát Lớn Hà Nội và Quảng trường Cách mạng tháng Tám.
Đến dự có Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, đại diện các cơ quan Đảng, ban, bộ, ngành Trung ương, gia đình cố nhạc sỹ Văn Cao cùng đông đảo khán giả.
Chương trình nghệ thuật “Đàn chim Việt” tôn vinh những giá trị to lớn và những sáng tạo, cống hiến xuất sắc của nhạc sỹ Văn Cao đối với nền âm nhạc và văn hóa nghệ thuật của đất nước thông qua những tác phẩm nghệ thuật bất hủ của ông. Đây cũng là chương trình có ý nghĩa kỷ niệm 78 năm Ngày Cách mạng tháng Tám thành công (19/8/1945-19/8/2023) và Ngày Quốc khánh (2/9/1945-2/9/2023).
Chương trình mở đầu với đoạn phim ngắn khắc họa chân dung Văn Cao - người nghệ sỹ ở 3 lĩnh vực: Âm nhạc, hội họa và thơ ca. Riêng về âm nhạc, nhạc sỹ Văn Cao thành công ở cả ba thể loại âm nhạc trữ tình, trường ca và âm nhạc cách mạng. Tài năng sáng tác của Văn Cao, cũng như thành tựu nghệ thuật của ông, đặc biệt trong đó là bài hát “Tiến quân ca” - Quốc ca của Việt Nam đã làm giàu có thêm cho kho tàng nghệ thuật dân tộc.
Chương trình hội tụ những giọng ca hàng đầu của nền âm nhạc hiện đại Việt Nam, như các Nghệ sỹ Nhân dân Quang Thọ, Quốc Hưng, các Nghệ sỹ Ưu tú Đăng Dương, Thanh Lam, các ca sỹ Tùng Dương, Mỹ Linh, Trần Thu Hà, Lan Anh, Vũ Thắng Lợi, Phúc Tiệp, Đào Tố Loan, Nam Khánh, Yvol …
Khán giả được thưởng thức các tác phẩm đỉnh cao, bất hủ của nhạc sỹ Văn Cao như: "Đàn chim Việt”với sự thể hiện của Tùng Dương, Đào Tố Loan, Khánh Ngọc, Trang Bùi, Sèn Hoàng Mỹ Lam;“Thiên Thai” qua sự thể hiện của Nghệ sĩ Ưu tú Thanh Lam; “Cung đàn xưa” do ca sỹ Vũ Thắng Lợi-Lan Anh biểu diễn; Mashup“Làng tôi”và“Ngày mùa”với sự thể hiện của các ca sỹ Đào Tố Loan, Nam Khánh, Ngô Hương Diệp, Trang Bùi…;
[Đắm chìm cùng những tuyệt phẩm lãng mạn của Nhạc sỹ Văn Cao]
Bên cạnh đó là "Suối mơ”(Mỹ Linh),“Buồn tàn thu”(Ánh Tuyết-Hà Trần)“Trương Chi”(Tùng Dương) mang đến cho công chúng nhiều cảm xúc đặc biệt về các tác phẩm âm nhạc trữ tình của Văn Cao.
Những tác phẩm âm nhạc cách mạng bất hủ đã khắc sâu trong lòng công chúng Việt được dàn dựng công phu nhiều ý tưởng với sự thể hiện của các giọng ca hàng đầu đã đem lại cho khán giả sự xúc động
Đặc biệt, các ca khúc "Ca ngợi Hồ Chủ tịch”do Nghệ sỹ Nhân dân Quang Thọ và Nghệ sỹ Nhân dân Quốc Hưng thể hiện; ca khúc“Bắc Sơn” (Nghệ sỹ Ưu tú Đăng Dương và dàn hợp xướng);“Trường ca Sông Lô”(Đào Mác-Khánh Ngọc)...Mashup“Chiến sỹ Việt Nam-Không quân Việt Nam-Bài ca chiến sỹ Hải quân”do các nghệ sỹ Phúc Tiệp-Yvol-Tạ Quang Thắng và dàn hợp xướng nam biểu diễn.
[300 nghệ sỹ biểu diễn kỷ niệm 100 năm Ngày sinh nhạc sỹ Văn Cao]
Tiết mục hoành tráng, ấn tượng nhất phần biểu diễn các ca khúc “Tiến về Hà Nội” và “Tiến quân ca” với sự tham gia của hàng trăm nghệ sỹ, diễn viên cả ở sân khấu bên trong và bên ngoài Nhà hát Lớn Hà Nội-Quảng trường Cách mạng tháng Tám.
Đạo diễn Phạm Hoàng Nam tái hiện cảnh đoàn quân chiến thắng trở về tiếp quản Thủ đô Hà Nội trong sự chào đón của người dân. Đoàn quân từ ngoài tiến vào bên trong Nhà hát, tỏa đi khắp các lối đi và dãy ghế trên tầng 2 của Nhà hát. Các nghệ sỹ cả bên trong và ngoài Nhà hát cùng hòa giọng trong ca khúc “Tiến về Hà Nội” đầy xúc động.
Thời khắc Quảng trường Cách mạng tháng Tám bừng sáng pháo hoa, những lá cờ đỏ sao vàng được thả từ trên cao xuống mang đến cảm xúc ấn tượng và khó quên cho người xem. Khi bài hát “Tiến về Hà Nội” và “Tiến quân ca” hùng tráng vang lên, khán giả như được quay trở về không khí sục sôi của Cách mạng tháng Tám năm 1945.
Với “Tiến quân ca,” phần đầu của bài hát được phối mới lạ, trẻ trung, gần gũi, Nghệ sỹ Nhân dân Quốc Hưng hòa giọng cùng dàn hợp xướng thiếu nhi, sau đó ca khúc chuyển sang âm hưởng hào hùng, mạnh mẽ, đầy tự hào, thiêng liêng và xúc động. Cả khán phòng bên trong Nhà hát Lớn Hà Nội đều đứng dậy, cùng hát Quốc ca.
Khép lại chương trình là tiết mục “Bến Xuân-Đàn chim Việt,”được dàn dựng từng lớp tiếp nối. Mở đầu với tiếng hát của ca sỹ hải ngoại Hương Lan, tiếp đó là tốp ca gồm Nghệ sỹ Ưu tú Thanh Lam, các ca sỹ Mỹ Linh, Hà Trần, Lan Anh. Ca khúc được tiếp nối với các giọng ca nam Nam Khánh, Yvol, Vũ Thắng Lợi và phần cuối là sự góp giọng của tất cả các nghệ sỹ đã tham gia chương trình: Nghệ sỹ Nhân dân Quang Thọ, Nghệ sỹ Nhân dân Quốc Hưng cùng dàn giao hưởng, dàn hợp xướng, khép lại đêm nghệ thuật đầy ấn tượng, tri ân nhạc sỹ Văn Cao.
Các nghệ sỹ ở nhiều lứa tuổi, nhiều thế hệ, nhiều khu vực địa lý cùng hòa giọng trong ca khúc này đã truyền tải đúng tinh thần của bài hát là kết nối những cánh chim Việt từ khắp mọi miền.
Nhà văn Trần Thị Trường cho hay bà và nhiều khán giả đã vô cùng xúc động khi được thưởng thức một đêm nhạc thấm đẫm tinh thần nhạc sỹ Văn Cao, nhất là được gặp lại ông qua những bức ảnh của nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán bày trong nhà hát và hiện diện trên màn ảnh sân khấu, nghe lời tự sự của ông qua đoạn phim tư liệu.
Trao đổi sau đêm diễn, nhà báo-nhạc sỹ Trần Lệ Chiến, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Âm nhạc, Hội Nhạc sỹ Việt Nam nhận định: Cuộc đời, sự nghiệp của nhạc sỹ Văn Cao đã hòa vào dòng chảy của lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc. Mỗi giai đoạn có nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử, song tình yêu Tổ quốc vẫn sắt son chung thủy và được ông ghi lại trong thơ, nhạc, họa.
Chị cho rằng sáng tác của Văn Cao mang hơi hướng phong cách của âm nhạc Châu Âu, tuy nhiên, cái hồn cốt của âm nhạc Việt đã ngấm sâu trong từng mạch máu nên những tác phẩm ông viết trong thời kỳ đầu của tân nhạc Việt Nam vẫn ẩn chứa nét tinh túy của âm nhạc dân tộc./.