Báo chí quảng bá, kết nối phát triển du lịch vùng Đồng bằng Sông Hồng
Các cơ quan báo chí trong vùng cần có thông tin phản biện về quan điểm giữa phát triển và bảo tồn các giá trị di sản, văn hóa của địa phương; tìm giải pháp hài hòa giữa phát triển và bảo tồn.
Ngày 19/8, Hội Nhà báo Hải Phòng tổ chức Tọa đàm “Báo chí tuyên truyền, quảng bá, kết nối phát triển du lịch vùng đồng bằng sông Hồng” với sự tham gia của lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam, đại diện Hội Nhà báo các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng Sông Hồng và các đơn vị liên quan.
Sự kiện nhằm cụ thể hóa tuyên truyền một trong những nội dung quan trọng được đề ra tại Nghị quyết số 30-NQ/TW, ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị “về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.”
Phát biểu tại Tọa đàm, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng Lê Khắc Nam ghi nhận sự vào cuộc tích cực của Hội Nhà báo Hải Phòng cũng như các tỉnh, thành phố trong khu vực để tổ chức tọa đàm, nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền quảng bá để bạn bè trong nước, du khách quốc tế biết đến những giá trị tốt đẹp của các địa phương.
Qua đây, Phó Chủ tịch Lê Khắc Nam mong muốn các đơn vị tạo được sự liên kết, xây dựng nhiều tour tuyến kết nối các tỉnh, thành để góp phần thu hút du khách đến thăm không chỉ tại địa phương mình mà còn đến các tỉnh, thành trong khu vực.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Hải Phòng Nguyễn Anh Tú cho biết, vùng Đồng bằng Sông Hồng gồm 11 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình. Đây là vùng đất “địa linh nhân kiệt,” có nhiều thuận lợi về cả địa chính trị, địa kinh tế, địa văn hóa và nhiều tiềm năng, lợi thế to lớn, vượt trội để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nhanh và bền vững; đặc biệt là phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với sản phẩm đa dạng, độc đáo, gắn với phát huy giá trị của nền văn minh Sông Hồng.
[Ngành du lịch các tỉnh Đồng bằng sông Hồng tìm hướng đi chung]
Ý thức về trách nhiệm của đội ngũ nhà báo trong việc tuyên truyền và thực hiện Nghị quyết, Hội Nhà báo Hải Phòng lựa chọn một trong những nội dung quan trọng được đề ra trong Nghị quyết 30 của Bộ Chính trị để tổ chức Tọa đàm.
Đại diện Hội Nhà báo các tỉnh, thành trong khu vực, lãnh đạo các cơ quan báo chí thành phố, các doanh nghiệp, đơn vị liên quan, đã đóng góp nhiều tham luận có chất lượng, chia sẻ thông tin, quảng bá về tiềm năng thế mạnh du lịch của các địa phương và tổng quan về du lịch vùng, nhằm làm tốt công tác tuyên truyền, quảng bá, kết nối phát triển du lịch vùng Đồng bằng Sông Hồng, góp phần cụ thể hóa nhiệm vụ tuyên truyền theo Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị.
Trên cơ sở ý kiến phát biểu, chia sẻ của các đại biểu tại Tọa đàm, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi đánh giá cao ý tưởng, sáng kiến của Hội Nhà báo các tỉnh, thành phố trong vùng Đồng bằng Sông Hồng tổ chức Tọa đàm, qua đó đã hiện thực hóa các Nghị quyết, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Xác định đây không chỉ là nhiệm vụ, mà còn là trách nhiệm của đội ngũ các nhà báo trong công tác tuyên truyền, nhằm quảng bá tiềm năng thế mạnh về du lịch của các địa phương, qua đó góp phần tạo sự kết nối trong hợp tác phát triển du lịch của vùng Đồng bằng Sông Hồng và Duyên hải Bắc bộ.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi cho rằng, báo chí không thể phát triển nếu không có sự hỗ trợ, quan tâm của các địa phương. Liên kết vùng trong phát triển du lịch trước hết phải liên kết báo chí. Báo chí phải cổ vũ cho chương trình này và cần phải có nội dung tuyên truyền cụ thể, có những sản phẩm thông tin mang tính liên kết, hiện thông tin này báo chí đang thiếu.
Các địa phương cần phải phối hợp với cơ quan báo chí Trung ương để thông tin đa dạng, đặc biệt thông tin bằng ngôn ngữ nước ngoài tạo sự lan tỏa thông tin, đưa thông tin du lịch, sản phẩm du lịch đặc sắc của các địa phương ra quốc tế.
Các cơ quan báo chí trong vùng cũng cần có thông tin phản biện về quan điểm giữa phát triển và bảo tồn các giá trị di sản, văn hóa của địa phương; đồng thời tìm giải pháp hài hòa giữa phát triển và bảo tồn lĩnh vực này. Sản phẩm thông tin kết nối vùng phải mang tầm khu vực.
Bên cạnh đó, các địa phương cũng như các cơ quan có thẩm quyền cũng cần quan tâm đến việc cung cấp thông tin kịp thời nhanh chóng cho các cơ quan báo chí, kể cả những thông tin nhạy cảm, từ đó xác định mục đích, nội dung tuyên truyền mang tính định hướng cao... góp phần thúc đẩy du lịch vùng Đồng bằng Sông Hồng ngày càng phát triển./.