Xây dựng Truyền hình Quốc hội Việt Nam là diễn đàn của QH, cử tri
Truyền hình Quốc hội Việt Nam tiếp tục chủ động, đổi mới sáng tạo trong công tác thông tin, tuyên truyền; tiếp tục xây dựng Truyền hình Quốc hội Việt Nam là diễn đàn của Quốc hội, của cử tri.
Sáng 4/1, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã tới dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Truyền hình Quốc hội Việt Nam.
Năm 2022, Truyền hình Quốc hội Việt Nam tiếp tục có nhiều đổi mới và có thay đổi căn bản về chất lượng, hình thức theo hướng chuyên nghiệp, bài bản hơn. Đến nay, chất lượng từng chương trình và chất lượng cả kênh đã có sự cải thiện rõ nét về nội dung, hình thức thể hiện. Hoạt động tiêu biểu, đáng ghi nhận là việc tiếp tục có nhiều nhiều đổi mới, sáng tạo, kịp thời trong việc thông tin, tuyên truyền các hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, hoạt động của lãnh đạo Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội, các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội quan trọng của đất nước.
Tổng hợp đến hết ngày 30/11/2021, Truyền hình Quốc hội Việt Nam đã thực hiện sản xuất phát sóng 1.095 bản tin thời sự có thời lượng từ 30 phút trở lên, 365 Bản tin Chuyển động 365, 365 chương trình Việt Nam ngày mới; sản xuất khoảng 980 chương trình chuyên đề, tạp chí truyền hình.
Đặc biệt, năm 2022 đánh dấu điểm nhấn quan trọng, ý nghĩa khi ra mắt vị trí Kênh 7 và Bộ Nhận diện Truyền hình Quốc hội Việt Nam - sự kiện thể hiện tính chuyên nghiệp của đơn vị. Đây cũng là một trong 10 sự kiện và hoạt động nổi bật của Quốc hội Việt Nam trong năm.
Phát biểu chỉ đạo, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn ghi nhận, đánh giá cao các thành tích, kết quả đạt được của Truyền hình Quốc hội Việt Nam trong năm 2022.
Cơ bản nhất trí với phương hướng, nhiệm vụ năm 2023 mà đơn vị đề ra, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị Truyền hình Quốc hội Việt Nam tiếp tục bám sát, thông tin toàn diện, đầy đủ các hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội, các ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp; xây dựng kế hoạch tuyên truyền có trọng tâm, trọng điểm về các sự kiện 77 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên của đất nước (6/1/1946-6/1/2023); nội dung, chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV...
[Chủ tịch Quốc hội khai trương Hệ sinh thái số Truyền hình Quốc hội]
Bên cạnh đó, tiếp tục chủ động, đổi mới sáng tạo trong công tác thông tin, tuyên truyền; tiếp tục xây dựng Truyền hình Quốc hội Việt Nam là diễn đàn của Quốc hội, của cử tri, kết nối cử tri với Quốc hội, đem thông tin Quốc hội đến gần với cử tri, nói lên tiếng nói, nguyện vọng của cử tri, giúp các nhà làm chính sách có nguồn thông tin bổ ích, giúp cho việc thẩm định, thẩm tra các chính sách, pháp luật, xây dựng pháp luật gần với đời sống; đồng thời lưu ý tăng cường hợp tác với các đơn vị phân phối nội dung số, hợp tác với các nền tảng số trong nước và quốc tế để phát triển, phân phối rộng khắp nội dung, đặc biệt là nội dung về hoạt động của Quốc hội.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội yêu cầu Truyền hình Quốc hội Việt Nam tiếp tục cung cấp nội dung, hình ảnh, video và tín hiệu truyền hình đầy đủ cho các Đài Phát thanh và truyền hình địa phương cũng như các cơ quan báo chí trên cả nước.
Ngoài ra, tiếp tục phát huy thế mạnh và lợi thế của hoạt động Quốc hội, đầu tư sản xuất chuyên sâu các chương trình truyền hình gắn với các chức năng quan trọng của Quốc hội như chức năng giám sát, lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, hoạt động ngoại giao nghị viện.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội lưu ý là một trong 7 kênh truyền hình thiết yếu quốc gia, thực hiện nhiệm vụ chính trị, áp lực đảm bảo sản xuất phát sóng 24 giờ mỗi ngày, do đó Truyền hình Quốc hội Việt Nam cần sớm nghiên cứu, áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù trong sản xuất, hợp tác liên kết để bảo đảm chất lượng, thời lượng hấp dẫn, đa dạng, phong phú, đáp ứng thị hiếu của cử tri và nhân dân./.