Thủ tướng Chính phủ chỉ thị tăng cường kiểm tra phòng cháy, chữa cháy
Mục tiêu đối với công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ là phải ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới chấm dứt xảy ra cháy gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm chết người do nguyên nhân chủ quan.
Ngày 3/1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Chỉ thị số 01/CT-TTg về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy trong tình hình mới.
Công điện nêu rõ, thời gian gần đây, cháy, nổ, sự cố, tai nạn diễn biến phức tạp, nhất là tại khu dân cư, chung cư cao tầng, khu công nghiệp, chợ, cơ sở sản xuất, kinh doanh, quán karaoke...
Một số vụ làm chết nhiều người, tổn thương lớn về tinh thần, thiệt hại nặng nề về vật chất của người dân, ảnh hưởng tiêu cực đến an toàn, an sinh xã hội, gây hoang mang dư luận.
Tình hình trên do nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do: Kinh tế, xã hội đất nước phát triển nhanh nhưng hạ tầng phòng cháy, chữa cháy chưa được đầu tư phát triển đúng tầm, quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực, địa phương chưa coi trọng đến công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ.
Công tác quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ không ít nơi bị buông lỏng, thiếu chặt chẽ, phó mặc cho các lực lượng chuyên trách. Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm chưa nghiêm, nhiều nơi làm "qua loa, chiếu lệ," chưa quan tâm phân tích nguyên nhân các vụ cháy để rút kinh nghiệm, chỉ rõ trách nhiệm, có hình thức xử lý nghiêm khắc để răn đe, ngăn chặn; chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe.
Tình hình cháy, nổ, sự cố, tai nạn hiện nay là nghiêm trọng, đặt ra yêu cầu cấp bách phải có tư duy, nhận thức, phương pháp, cách làm mới trong lãnh đạo, quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện của các cấp, các ngành, cấp ủy, chính quyền các địa phương, nòng cốt là các lực lượng chuyên trách trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, đòi hỏi ý thức rất cao của người dân đối với công tác này.
Công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ phải quán triệt quan điểm: Người dân là trung tâm, là chủ thể, đặt an toàn, tính mạng người dân là trên hết, trước hết; an toàn cháy, nổ để phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội của đất nước.
[TP.HCM: Cháy lớn tại cơ sở làm mây tre, hai người may mắn thoát nạn]
Trong công tác phòng cháy chữa cháy, phải lấy phòng ngừa là chính, phòng là "xây," chữa là "chống", lấy phòng là "cơ bản-chiến lược-lâu dài," làm tốt công tác phòng cháy để giảm công tác chữa cháy với phương châm: Từng nhà an toàn - Từng nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp an toàn - Từng khu phố an toàn - Tùng xã, phường, thị trấn an toàn. Huy động tối đa các lực lượng tại chỗ và nhân dân tham gia chữa cháy, nhất là trong "thời điểm vàng" 5 phút kể từ khi vụ cháy xảy ra với phương châm: Lực lượng ở trong dân-Phương tiện ở trong dân-Hậu cần ở trong dân-Chỉ huy ở trong dân.
Mục tiêu đối với công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ là phải ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới chấm dứt xảy ra cháy gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm chết người do nguyên nhân chủ quan.
Đổi mới tư duy, phương pháp, tổ chức thực hiện
Trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ban, ngành, cấp ủy, chính quyền các địa phương tập trung triển khai nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị số 47-CT/TW ngày 25/6/2015 của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy; Kết luận số 02-KL/TW ngày 18/5/2021 của Ban Bí thư khóa XIII về tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 47-CT/TW; Nghị quyết số 99/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy...
Bên cạnh đó, đổi mới tư duy, nhận thức phương pháp, cách tiếp cận và tổ chức thực hiện trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ phù hợp với yêu cầu tình hình mới hiện nay; xác định rõ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ là nhiệm vụ quan trọng, cần thiết, không thể thiếu trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu xử lý trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương nếu để các cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao hoạt động khi chưa đảm bảo điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy và để xảy ra các vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng do thiếu lãnh đạo, chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra, giám sát hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm trong phạm vi quản lý của mình đối với công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ.
Tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện chính sách, pháp luật về công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật; tiếp tục hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ phù hợp với điều kiện thực tiễn, tình hình phát triển kinh tế, xã hội của đất nước và năng lực quản lý, năng lực sản xuất của các tổ chức, cá nhân có liên quan; chú trọng nghiên cứu, xây dựng chiến lược, kế hoạch, phương án phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, nhất là tại các địa bàn, công trình trọng điểm quốc gia, khu đô thị, khu công nghiệp, khu thương mại có nguy cơ cháy, nổ cao, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng.
Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đổi mới về nội dung, hình thức công tác tuyên truyền, xây dựng phong trào toàn dân phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ vừa có chiều rộng, vừa chuyên sâu, dễ hiểu, dễ tiếp thu, bằng các giải pháp cụ thể tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của các cấp, các ngành và nhân dân đối với công tác này; tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức kỹ năng về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ cho mọi tầng lớp nhân dân nhất là đối với học sinh, sinh viên, đội ngũ lao động trẻ trong xã hội.
Thủ tướng Chính phủ lưu ý, tăng cường nguồn lực đầu tư cho công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, xây dựng, trang bị cơ sở vật chất, hậu cần cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ; tập trung các nguồn lực để xây dựng và phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng, kỹ thuật (giao thông, nguồn nước, thông tin liên lạc, hệ thống cảnh báo sự cố, tai nạn...).
Chấn chỉnh việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan nghiên cứu tham mưu, báo cáo Chính phủ đề xuất Quốc hội về sửa đổi, bổ sung Luật Phòng cháy và chữa cháy (báo cáo Chính phủ trong quý 3 năm 2023); rà soát các quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này để đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung phù hợp với tình hình thực tế (hoàn thành trong quý 2 năm 2023).
Đồng thời, Bộ Công an tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ tại các bộ, ngành, địa phương; báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét trách nhiệm đối với lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương thiếu trách nhiệm trong chỉ đạo, quản lý, điều hành để xảy ra các vụ cháy, nổ gây hậu quả nghiêm trọng (thực hiện từ năm 2023 và các năm tiếp theo).
Bộ Công an thực hiện nghiêm việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự cho các cơ sở đầu tư kinh doanh các ngành, nghề có điều kiện về an ninh, trật tự; thu hồi giấy cũ, không cấp mới giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự cho các cơ sở không đủ điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy (thực hiện từ năm 2023 và các năm tiếp theo).
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng rà soát sửa đổi, bổ sung các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ đảm bảo phù hợp với tình hình mới (thực hiện từ năm 2023 và các năm tiếp theo).
Bộ Xây dựng phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan chuyên môn về xây dựng thực hiện nghiêm việc thẩm định, cấp phép xây dựng đối với các công trình thuộc đối tượng thẩm duyệt, thiết kế về phòng cháy, chữa cháy, đặc biệt là các cơ sở chuyển đổi công năng có nguy cơ cháy nổ cao, cơ sở tập trung đông người như quán bar, karaoke, nhà cao tầng... (thực hiện từ năm 2023 và các năm tiếp theo).
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan trình cấp thẩm quyền bố trí kinh phí để tăng cường nguồn lực đầu tư cho lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (thực hiện từ năm 2023 và các năm tiếp theo).
Bộ Giáo dục và Đào tạo tập trung xây dựng giải pháp, tổ chức có hiệu quả các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, thực hành, diễn tập kiến thức kỹ năng về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ cho học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục.
Định kỳ kiểm tra tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường
Công điện nêu rõ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có nhiệm vụ ban hành kế hoạch thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ trong tình hình mới, cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với đặc điểm tình hình, yêu cầu, nhiệm vụ tại địa phương; phân công rõ trách nhiệm của sở, ngành chức năng địa phương, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp xã kèm theo cơ chế kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện và chế tài xử lý trách nhiệm, tạo chuyển biến tích cực trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ tại từng địa phương (thực hiện từ năm 2023 và các năm tiếp theo).
Các địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra, siết chặt công tác quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, nhất là tại các địa bàn, cơ sở trọng điểm, có nguy cơ cháy, nổ, cháy rừng, sự cố, tai nạn (thực hiện từ năm 2023 và các năm tiếp theo).
Ngoài ra, thực hiện nghiêm việc thẩm định, cấp phép xây dựng, cấp phép kinh doanh đối với các công trình thuộc đối tượng thẩm duyệt, thiết kế về phòng cháy chữa cháy, đặc biệt là các cơ sở chuyển đổi công năng có nguy cơ cháy, nổ cao, cơ sở có tập trung đông người như vũ trường, quán bar, karaoke, nhà cao tầng... Chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và pháp luật nếu buông lỏng quản lý trong cấp phép đối với các cơ sở trên địa bàn quản lý khi chưa bảo đảm các điều kiện về an ninh, trật tự, phòng cháy chữa cháy (thực hiện từ năm 2023 và các năm tiếp theo).
Các địa phương định kỳ kiểm tra điều kiện bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường, xử lý nghiêm minh, kiên quyết thu hồi giấy phép, đình chỉ hoạt động của các cơ sở không đủ điều kiện (từ năm 2023 và các năm tiếp theo)./.