Xây dựng chính sách: Phản ứng kịp thời trước biến động của thế giới, trong nước
Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với định hướng các dự án luật, nghị quyết về nguyên tắc sẽ được xem xét, thông qua trong một kỳ họp nhằm đẩy nhanh tiến độ ban hành nhưng vẫn bảo đảm chất lượng.
Hiện nay, các quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đã quy định hết sức chặt chẽ, bao gồm nhiều công đoạn và được thực hiện một thời gian dài, song từ khi còn là đề xuất mang tính chính sách đến khi trở thành luật có hiệu lực thi hành thì thời gian còn quá dài, không đáp ứng được yêu cầu về phản ứng chính sách.
Đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang có yêu cầu đổi mới rất lớn, tình hình thế giới, trong nước có nhiều biến động, do vậy cần có những chính sách hiệu quả, kịp thời để có thể xử lý ngay. Tuy nhiên, quy trình chính sách hiện chưa đáp ứng được yêu cầu về tính hiệu quả, tính kịp thời nên việc sửa đổi luật là cần thiết.
Nội dung trên được đại biểu Nguyễn Phương Thủy (đoàn Hà Nội) đưa ra tại phiên thảo luận ở Tổ về: Dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi), tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV, diễn ra ngày 12/2.
Giảm tính linh hoạt khi quy định cứng
Dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) gồm 8 chương, 72 điều (giảm 9 chương tương ứng với 53% số chương, 101 điều tương ứng với 58,4% số điều so với Luật năm 2015), trong đó tập trung 7 vấn đề đổi mới quan trọng, mang tính đột phá về quy trình xây dựng pháp luật.
Đó là việc tiếp tục đơn giản hóa hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; tăng cường kiểm soát quyền lực; phân định rõ thẩm quyền lập pháp và lập quy. Dự thảo luật cũng bổ sung quy định Chính phủ ban hành nghị quyết quy phạm tại Điều 14 để: Giải quyết các vấn đề cấp bách, quan trọng phát sinh từ thực tiễn và để áp dụng trong một thời gian nhất định, phạm vi cụ thể thuộc thẩm quyền của Chính phủ.
Cùng đó là đổi mới việc xây dựng Chương trình lập pháp của Quốc hội theo hướng xây dựng định hướng lập pháp nhiệm kỳ, chương trình lập pháp hàng năm của Quốc hội với tính chất linh hoạt cao; Ủy ban Thường vụ Quốc hội chủ trì, phối hợp xây dựng định hướng lập pháp nhiệm kỳ Quốc hội để trình Bộ Chính trị phê duyệt.
Đặc biệt, dự thảo Luật cũng đề cập tới việc đổi mới quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo hướng tách bạch quy trình chính sách với việc lập chương trình lập pháp hàng năm; phân định rõ hơn quy trình chính sách và quy trình soạn thảo (cơ quan trình quyết định chính sách, Quốc hội quyết định dự thảo)...
Nhất trí sự cần thiết phải sửa đổi những quy định của Luật ban hành văn bản Quy phạm pháp luật, đại biểu Nguyễn Phương Thủy (đoàn Hà Nội) cho hay việc sửa đổi nhằm rút ngắn được quy trình chuyển hóa từ các chính sách, từ các ý tưởng trở thành pháp luật của Nhà nước.
Cũng theo bà Thủy, số lượng các Điều trong dự thảo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) lần này giảm đi rất nhiều vì Luật lần này chủ yếu tập trung quy định kỹ quy trình liên quan tới xây dựng các luật, nghị quyết của Quốc hội, Pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mà không đi sâu vào quy trình, thủ tục của các cơ quan cấp dưới.
“Chủ trương là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền nên khi đã phân quyền cho các cơ quan, ngoài việc giao thẩm quyền thì còn phải giao về trình tự thủ tục, còn nếu giao quyền nhưng trình tự thủ tục quy định quá cứng sẽ giảm tính linh hoạt, chủ động sáng tạo của các quan trong quá trình triển khai, thực hiện,” đại biểu Nguyễn Phương Thủy nói.

Với chủ trương này, theo nữ đại biểu đoàn Hà Nội đã bớt được một mảng rất lớn đó là trình tự thủ tục liên quan tới việc ban hành các văn bản của Chính phủ, các cơ quan thuộc Chính phủ, chính quyền địa phương các cấp, từ đó cũng giảm số lượng điều luật trong Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật lần này.
“Về cơ bản, Ủy ban Pháp luật cũng nhất trí việc thay đổi quy trình, cách thức nâng cao trách nhiệm của cơ quan trình dự án luật, tức là cơ quan trình sẽ chịu trách nhiệm đến cùng, cơ quan thẩm tra vẫn làm thẩm tra, quyền quyết định cuối cùng là của Quốc hội, trong quy trình này vai trò của Ủy ban Thường vụ Quốc hội rất quan trọng, gần như là người giúp Quốc hội tổ chức việc trình, thông qua các luật, nghị quyết tại các Kỳ họp Quốc hội, trong trường hợp ý kiến của các cơ quan trình và cơ quan thẩm tra có sự khác nhau, không đi đến thống nhất chung thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ là cơ quan xem xét, cho ý kiến cũng như quyết định những nội dung nào cần phải trình Quốc hội để biểu quyết,” đại biểu Nguyễn Phương Thủy nêu ý kiến.
Theo đại biểu Tạ Đình Thi (đoàn Hà Nội) cũng cho rằng việc sửa đổi Luật này hết sức cấp thiết, với mục tiêu phát triển rất lớn, trong đó yêu cầu phải sửa đổi, xây dựng thể chế và đòi hỏi các quy trình phải rút gọn mới đáp ứng được yêu cầu, vì vậy đại biểu đồng tình việc sửa, đó là trong tất cả các quá trình cần có việc rút gọn.
Song đại biểu Tạ Đình Thi cũng đề nghị về hình thức văn bản cần có đánh giá thêm nhất là các Nghị quyết của Quốc hội. Ông đơn cử, một số nghị quyết hiện nay phía Ủy ban của Quốc hội vẫn tiến hành thẩm tra với các nghị quyết Chính phủ trình, như nghị quyết có phê duyệt các chủ trương đầu tư, nhưng kèm theo đó là một số cơ chế đặc thù.
“Theo quy định của Hiến pháp, một số cơ chế đặc thù phải sửa bằng luật không phải bằng nghị quyết và cần phải xác định rõ hơn để các cơ chế chính sách đó có tính chất quy phạm pháp luật,” đại biểu Tạ Đình Thi nêu ý kiến.
Đẩy nhanh tiến độ nhưng phải bảo đảm chất lượng
Tại dự thảo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật lần này sửa đổi toàn diện, trong đó giảm 173 điều từ luật hiện hành xuống chỉ còn 72 điều.
Trong hệ thống văn bản pháp luật quy định tại Điều 4, giảm 5 hình thức văn bản, giảm 6 chủ thể có thẩm quyền ban hành văn bản, trong đó Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân cấp xã không ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Bên cạnh đó, bổ sung Nghị quyết của Chính phủ là văn bản quy phạm pháp luật. Thay đổi hình thức ban hành văn bản quy định pháp luật của Tổng thư ký Quốc hội từ quyết định thành thông tư…
Đại biểu Dương Bình Phú (đoàn Phú Yên) cho rằng về mặt tổ chức, dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương vẫn tổ chức Ủy ban Nhân dân ở cấp xã, chỉ không tổ chức Hội đồng nhân dân tại một số địa bàn (phường hoặc xã ở thành phố trực thuộc trung ương); quy định chính quyền địa phương được ban hành chính sách, nhưng chưa rõ ban hành văn bản với hình thức nào để quyết định chính sách.
Bên cạnh đó, ban hành văn bản quy phạm pháp luật là một trong những công cụ để quản lý Nhà nước trên địa bàn thì cần thiết duy trì công cụ đủ mạnh cho cấp xã chủ động thực hiện nhiệm vụ hiệu quả, do đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, rà soát kỹ vấn đề này.
Còn theo đại biểu Nguyễn Thị Lệ (đoàn Thành phố Hồ Chí Minh), thực tiễn thi hành Luật năm 2015 cho thấy vẫn còn một số tồn tại, hạn chế trong công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật như: chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tính ổn định và khả năng dự báo của một số luật còn chưa cao nên thường xuyên phải sửa đổi; một số quy định còn mâu thuẫn, chồng chéo, có quy định chưa rõ ràng, rườm rà, cản trợ việc thực thi, gây thất thoát, lãng phí các nguồn lực của nhà nước; quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật còn rườm rà, nhiều công đoạn, mất nhiều thời gian, chưa linh hoạt, chưa đáp ứng yêu cầu xử lý trường hợp cấp bách, đột xuất…
Ngoài ra, việc quy định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quy trình xây dựng và tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật còn chưa đầy đủ, rõ ràng, đặc biệt là việc xem xét, xử lý trách nhiệm đối với những vi phạm về ban hành văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.
“Trước thực trạng trên, Bộ Tư pháp đã dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật với mục đích hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho việc xây dựng và vận hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi, dễ tiếp cận, hiệu lực và hiệu quả, khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước,” đại biểu Nguyễn Thị Lệ cho hay.

Về phía cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với định hướng các dự án luật, nghị quyết về nguyên tắc sẽ được xem xét, thông qua trong một kỳ họp nhằm đẩy nhanh tiến độ ban hành nhưng vẫn bảo đảm chất lượng của văn bản.
Theo đó, sau khi Quốc hội thảo luận, cơ quan trình dự án có trách nhiệm tiếp thu ý kiến để hoàn thiện dự thảo; cơ quan chủ trì thẩm tra tiếp tục có ý kiến phản biện, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến; trên cơ sở dự thảo đã được tiếp thu, hoàn thiện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo việc trình Quốc hội xem xét, biểu quyết thông qua nếu đủ điều kiện.
Trường hợp dự thảo chưa được thông qua và Quốc hội quyết định cho lùi thời điểm thông qua để tiếp tục hoàn thiện, trình thông qua tại kỳ họp tiếp theo hoặc trình lại thì cơ quan trình dự án tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện; cơ quan chủ trì thẩm tra tiếp tục có ý kiến phản biện, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến và báo cáo Quốc hội quyết định việc thông qua.
Theo ông, quy định như vậy đã thể hiện được trách nhiệm “đến cùng” của cơ quan trình dự án, trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với việc xem xét, cho ý kiến, chỉ đạo công tác tiếp thu, chỉnh lý dự thảo văn bản cũng như trách nhiệm của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội có ý kiến, phản biện đến cùng để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét, cho ý kiến, thông qua đối với dự thảo luật, nghị quyết./.