Dự án Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi): Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội là một bước đi quan trọng nhằm kiện toàn tổ chức bộ máy và nâng cao năng lực hoạt động của Quốc hội.
Tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV, sáng ngày 12/2, Tổng Thư ký Quốc hội Lê Quang Tùng đã trình bày Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội.
Phân định rõ ràng
Theo ông Tùng, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội được kỳ vọng sẽ giải quyết những vướng mắc, bất cập phát sinh trong thực tiễn đồng thời thể chế hóa các chủ trương mới của Đảng về tổ chức bộ máy và công tác cán bộ, hướng tới mục tiêu nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.
Cụ thể, dự luật tập trung vào việc sửa đổi, bổ sung các quy định về Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đặc biệt, dự luật điều chỉnh một số nội dung liên quan đến việc phân định thẩm quyền giữa Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Chính phủ và các cơ quan Nhà nước khác.
Dự thảo Luật đề xuất sửa đổi, bổ sung 35/102 điều của Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành, được bố cục trong 2 điều, trong đó Điều 1 sửa đổi, bổ sung 18 điều và bãi bỏ 17 điều. Điều 2 quy định về hiệu lực thi hành.

Trong đó, những nội dung về phân định thẩm quyền, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 5 đã làm rõ phạm vi những nội dung cần được quy định bằng luật, nghị quyết của Quốc hội và quy định có tính nguyên tắc, định hướng về mức độ chi tiết cần được quy định trong luật.
Về cơ cấu tổ chức của Quốc hội, Dự thảo Luật tiếp tục khẳng định Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội là các cơ quan của Quốc hội; Số lượng, tên gọi các Ủy ban do Quốc hội quyết định; Quy định các chức năng cơ bản của các cơ quan của Quốc hội tập trung vào ba nội dung thẩm tra - giám sát - kiến nghị; Quy định khái quát về cơ cấu tổ chức, nguyên tắc làm việc của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội.
Bên cạnh đó, Dự thảo quy định về Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội (các Điều 98, 99, 100). Đối với hoạt động của Quốc hội, Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội (các Điều 12, 13, 30, 39, 48).
Trình bày Báo cáo thẩm tra về dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết Ủy ban Pháp luật tán thành với sự cần thiết ban hành, phạm vi sửa đổi, bổ sung và các nội dung cơ bản của dự thảo Luật.
"Ủy ban Pháp luật tán thành việc sửa đổi quy định về làm luật, sửa đổi luật tại Điều 5, quy định đã cơ bản phân định được thẩm quyền của Quốc hội với Chính phủ và các cơ quan khác trong bộ máy Nhà nước, đáp ứng yêu cầu và ý kiến chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị," ông Tùng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, Ủy ban Pháp luật cũng đưa ra một số ý kiến khác nhau về một số vấn đề cụ thể, như việc quy định về Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, cũng như thẩm quyền của Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực Ủy ban của Quốc hội.
Tinh giản bộ máy, nâng cao hiệu quả
Tại phiên thảo luận tổ, các đại biểu Quốc hội đã đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, góp phần hoàn thiện dự thảo Luật.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) bày tỏ sự đồng tình cao với chủ trương tinh giản bộ máy, cho rằng đây là "chủ trương rất đúng" nhằm tạo ra hiệu năng, hiệu quả, hiệu lực của bộ máy. Ông Trí đồng tình với việc chuyển và nâng cấp hai Ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành Ủy ban, gồm Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành Ủy ban Dân nguyện và Giám sát; Ủy ban Công tác đại biểu.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Anh Trí cũng đặt vấn đề về sự chồng chéo giữa chức năng giám sát của Ủy ban Dân nguyện và Giám sát với chức năng giám sát của các Ủy ban và Hội đồng khác của Quốc hội.
"Các Ủy ban và Hội đồng của Quốc hội đều giám sát, nên giờ lại có thêm và nhấn mạnh ở Ủy ban Dân nguyện và Giám sát, liệu có chồng chéo và cần được phân ra như thế nào?" ông Trí đặt câu hỏi.

Trong khi, đại biểu Nguyễn Phương Thủy (đoàn Hà Nội) cho rằng khi số lượng Ủy ban của Quốc hội thay đổi cũng cần phải thay đổi lĩnh vực phụ trách nhằm đảm bảo sự tương xứng.
"Thực tế thời gian qua, một số Ủy ban của Quốc hội có số lượng công việc rất lớn, trách nhiệm, áp lực công việc nặng nề nên cần có sự điều chỉnh để chia việc, chia lĩnh vực phụ trách lại, đảm bảo tính hài hòa, tính cân đối và phù hợp với năng lực của bộ máy," bà Thủy phân tích.
Về việc chuyển các Vụ chuyên môn giúp việc cho Hội đồng Dân tộc và Ủy ban của Quốc hội từ Văn phòng Quốc hội về trực thuộc các cơ quan này, bà Thủy cho rằng cần xem xét để có những quy định cụ thể hơn về cơ chế quản lý, phối hợp công tác giữa các đơn vị này với các đơn vị hiện nay của Văn phòng Quốc hội.
"Nếu không xây dựng một cơ chế quản lý điều phối, phối hợp một cách có hiệu quả thì có khi bộ máy của chúng ta lại phải sinh ra thêm những cơ chế mới để thực hiện những nhiệm vụ mà trước đây các Vụ này đang làm với tư cách là đơn vị thuộc Văn phòng Quốc hội," bà Thủy cảnh báo.
Về thể chế hóa các quy định mới của Đảng, bà Thủy cũng nhấn mạnh việc rà soát, cập nhật các quy định mới, đặc biệt là những quy định liên quan tới công tác tổ chức cán bộ. Cụ thể, dự thảo Luật đã đề xuất sửa đổi, bổ sung Điều 39 để cụ thể hóa Quy định 148 về thẩm quyền của Người đứng đầu trong việc tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ cấp dưới trong các trường hợp cần thiết hoặc khi có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng. Tuy nhiên, bà Thủy cũng chỉ ra một số điểm chưa phù hợp giữa dự thảo Luật với Quy định 148 của Bộ Chính trị, đặc biệt là về thẩm quyền tạm đình chỉ công tác đối với các chức danh lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội.
"Đây cũng là vấn đề cần có thêm các ý kiến của đại biểu để làm sao vừa thể chế hóa các chủ trương của Đảng, đáp ứng yêu cầu công tác cán bộ nhưng cũng phù hợp với quy định của Hiến pháp, pháp luật chung," bà Thủy nêu ý kiến./.