VietinBank: Củng cố chất lượng tài sản, tăng trưởng an toàn và bền vững
Năm 2023, VietinBank đặt mục tiêu tổng tài sản tăng từ 5%-10%, tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát dưới 1,8%, lợi nhuận riêng lẻ trước thuế đạt 22.500 tỷ đồng, tỷ lệ an toàn hoạt động tuân thủ theo quy định.
Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) tổ chức trực tuyến Hội nghị cập nhật kết quả kinh doanh quý 3 và định hướng hoạt động 3 tháng cuối năm 2023.
Lấy khách hàng làm trung tâm
Năm 2023, VietinBank đẩy mạnh thực hiện chiến lược kinh doanh cốt lõi thông qua đầu tư nền tảng công nghệ, đa dạng hóa cơ cấu doanh thu, phát triển khách hàng theo hướng bền vững, kiểm soát tốt rủi ro. Từ đầu năm đến nay, VietinBank tiếp tục ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực, cho thấy nền tảng phát triển vững chắc, cùng sự chủ động, linh hoạt của VietinBank khi ứng phó thách thức.
Cụ thể, tổng tài sản đạt 1,89 triệu tỷ đồng, tăng 4,4% so với cuối năm 2022. Dư nợ tín dụng và tiền gửi khách hàng lần lượt đạt 1,39 triệu tỷ đồng và 1,31 triệu tỷ đồng, tăng 8,7% và 4,9% so với cuối năm 2022. Huy động vốn tăng trưởng ổn định, đảm bảo an toàn thanh khoản, kết hợp với cho vay tăng trưởng mạnh - cao hơn tốc độ toàn ngành (6,92%) kết hợp với kiểm soát tốt rủi ro giúp củng cố bảng tổng kết tài sản lành mạnh.
Đáng chú ý, trong bối cảnh nhiều ngân hàng đang ghi nhận tỷ lệ tiền gửi khoogn kỳ hạn (CASA) giảm so với đầu năm, VietinBank là điểm sáng khi tiếp tục duy trì và cải thiện tỷ lệ CASA trong năm 2023. Tỷ lệ CASA của VietinBank tăng từ mức 18,7% cuối quý 2/2023 lên mức 20% cuối quý 3/2023 - tương đương mức cuối năm 2022.
Tổng thu nhập hoạt động tính đến 30/9 đạt 52.200 tỷ đồng, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2022. Thu nhập lãi thuần (không gồm thu phí bảo lãnh) lũy kế đạt 37.500 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2022. Đáng chú ý, thu thuần từ hoạt động dịch vụ (gồm thu phí bảo lãnh) và thu từ hoạt động kinh doanh ngoại hối đều ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ, lần lượt đạt 6.600 tỷ đồng và 3.500 tỷ đồng (tăng 32,6% và 42,8% so với cùng kỳ năm 2022). Xét về cơ cấu doanh thu, tỷ trọng thu ngoài lãi tiếp tục tăng tốt so với cuối năm và cùng kỳ năm 2022, đạt mức 28,1%.
VietinBank tiếp tục tối ưu hóa hiệu quả hoat động, kiểm soát tốt chi phí, do vậy, tỷ lệ CIR (là thước đo khi đánh giá hiệu quả doanh nghiệp) trong 9 tháng qua đạt 27,1%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022 (27,3%). Theo đó, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước chi phí dự phòng rủi ro của VietinBank đạt 38.000 tỷ đồng, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm 2022 và cao nhất hệ thống ngân hàng. Trong bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước biến động, những tháng cuối năm 2023 còn nhiều tiềm ẩn khó lường, VietinBank tiếp tục chủ động dành nguồn lực tài chính trích lập dự phòng rủi ro theo đúng quy định nhằm gia tăng bộ đệm dự phòng.
Tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt 172,4%, cải thiện so với quý 2/2023 (169%). VietinBank tiếp tục duy trì chất lượng tài sản ở mức tốt so với trung bình ngành, tỷ lệ nợ xấu cuối quý 3/2023 là 1,37%.
Theo đó, lợi nhuận trước thuế của VietinBank đạt 17.400 tỷ đồng, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2022. Các chỉ tiêu hiệu quả tiếp tục ghi nhận mức tương đương hoặc cải thiện so với cuối năm 2022: Tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) đạt 2,88%, tỷ số lợi nhuận ròng trên tài sản (ROA) và tỷ số lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu (ROE) lần lượt đạt 1,3% và 16,3%.
Tăng tốc chuyển đổi số
Trong thời gian qua, các nền tảng ngân hàng số dành cho khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp của VietinBank đã liên tục ghi nhận kết quả tích cực: VietinBank iPay Mobile dành cho khách hàng cá nhân tiếp tục thu hút gần 7,4 triệu khách hàng sử dụng, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2022; đạt 786 triệu giao dịch (tương đương 87 triệu giao dịch được thực hiện mỗi tháng), tăng 58,8% so với cùng kỳ năm 2022.
Tỷ trọng giao dịch qua kênh iPay đạt 90,5% tổng giao dịch khách hàng cá nhân, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm 2022. VietinBank iPay Mobile không chỉ là ứng dụng ngân hàng số mà còn là hệ sinh thái số, kết nối tới hơn 2.400 nhà cung cấp dịch vụ, cung cấp mọi nhu cầu đời sống hằng ngày của khách hàng.
Đối với khách hàng doanh nghiệp, VietinBank eFAST được xem như trợ lý tài chính số với hơn 130 tính năng đã thu hút gần 96.000 doanh nghiệp sử dụng thường xuyên; số lượng giao dịch trong 9 tháng đầu năm 2023 đạt khoảng 23,9 triệu giao dịch, tương đương năm 2022. Tỷ trọng giao dịch qua kênh eFAST tăng lên 82% (từ mức 80% cùng kỳ năm 2022).
Năm 2023, VietinBank đã lựa chọn đơn vị tư vấn hàng đầu thế giới để đồng hành xây dựng và triển khai Chiến lược Chuyển đổi Số giai đoạn 2023-2025, tầm nhìn 2030 với cả 4 trụ cột là: Số hóa, Dữ liệu, Công nghệ và Tổ chức. Dự án Chuyển đổi Số là dự án trọng điểm của VietinBank, được kỳ vọng sẽ là bước đột phá nhằm hiện thực hóa khát vọng vươn mình trở thành ngân hàng số hàng đầu Việt Nam thông qua khai phá nội lực, cùng sức sáng tạo phi giới hạn của công nghệ, qua đó đem lại trải nghiệm hoàn hảo cho khách hàng và cán bộ, nhân viên VietinBank.
Nỗ lực hoàn thành các mục tiêu kế hoạch
Năm 2023, VietinBank đặt mục tiêu tổng tài sản tăng từ 5%-10%, tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát dưới 1,8%, lợi nhuận riêng lẻ trước thuế đạt 22.500 tỷ đồng, các tỷ lệ an toàn hoạt động tuân thủ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Các kết quả cuối quý 3/2023 tăng trưởng ở hầu hết các chỉ tiêu quy mô và hiệu quả kinh doanh, cùng với động lực chuyển đổi số mạnh mẽ và nền tảng kiểm soát, quản trị rủi ro tốt chính là động lực vững chắc để VietinBank hoàn thành tốt kế hoạch kinh doanh năm 2023 đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua.
Trong thời gian tới, VietinBank sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ và mạnh mẽ các giải pháp kinh doanh với quan điểm định hướng chiến lược xuyên suốt là luôn đảm bảo hoạt động kinh doanh an toàn, hiệu quả, bền vững.
Với những nền tảng được xây dựng, phát triển vững chắc trong 35 năm qua (1988- 2023), VietinBank sẽ không ngừng đổi mới từ sản phẩm, quy trình vận hành, nhân sự, công nghệ và quản trị rủi ro, mô hình kinh doanh để mang lại giá trị vượt trội cho khách hàng, cổ đông và cộng đồng - hướng tới ngân hàng đa năng, hiện đại hàng đầu Việt Nam và nâng tầm cao mới./.