TP.HCM mời doanh nghiệp Hoa Kỳ đầu tư vào tăng trưởng xanh, công nghệ cao
Sáng 16/11 (giờ địa phương), tại San Francisco đã diễn ra buổi gặp gỡ giữa Chủ tịch UBND TP.HCM với gần 30 doanh nghiệp lớn của Hoa Kỳ trong các lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo...
Trong khuôn khổ chuyến công tác của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tham dự Hội nghị Các Nhà Lãnh đạo Kinh tế Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại thành phố San Francisco, bang California (Hoa Kỳ), Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức các cuộc gặp gỡ doanh nghiệp Hoa Kỳ, xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực tăng trưởng xanh và công nghệ cao.
Sáng 16/11 (theo giờ địa phương), tại San Francisco đã diễn ra buổi gặp gỡ giữa Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi với gần 30 doanh nghiệp lớn của Hoa Kỳ trong các lĩnh vực năng lượng, hạ tầng, công nghệ cao, công nghệ thông tin, tài chính, đổi mới sáng tạo...
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Phan Văn Mãi đã nhấn mạnh thành phố luôn xác định vai trò và sứ mệnh tiên phong của mình trong triển khai các nội dung hợp tác cụ thể, trong đó tập trung phát triển công nghệ cao, chip, bán dẫn, kinh tế số, kinh tế xanh...
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố thông tin đến các nhà đầu tư Hoa Kỳ về chiến lược tăng trưởng xanh-phát triển bền vững của thành phố, bao gồm: Thành phố đã hoàn thiện khung chiến lược tăng trưởng xanh đến năm 2030 (tầm nhìn năm 2050) xác định lấy người dân-doanh nghiệp thành phố làm trung tâm chuyển đổi. Cụ thể:
Một là, tập trung bốn nội dung: Nguồn lực xanh (nhân lực trình độ cao, tài chính xanh, kết nối/hợp tác xanh); hạ tầng xanh (chuyển đổi năng lượng xanh, nước sạch và tiết kiệm nước, tuần hoàn tài nguyên); hành vi xanh (tiêu dùng xanh, giao thông xanh, xây dựng xanh); nhóm ngành/ lĩnh vực ưu tiên (sản xuất công nghệ cao, khởi nghiệp xanh-đổi mới sáng tạo, du lịch xanh, thực phẩm xanh, Cần Giờ xanh).
Hai là, thành phố kêu gọi đầu tư phát triển: Năng lượng sạch (đến năm 2030 đạt 35-40%), giao thông xanh (hạ tầng/metro, giảm phát thải khí), xử lý nước thải-rác thải, phát triển tín chỉ carbon và xây dựng Cần Giờ xanh. Thành phố cũng mong muốn tiếp cận nguồn tín dụng xanh và phát triển tài chính xanh.
Ba là, tập trung xây dựng kế hoạch với lộ trình cụ thể và thiết kế các chính sách, quy chuẩn phát triển kinh tế-xã hội tại thành phố.
Tham gia phiên thảo luận, ông David Lewis, Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành của Energy Capital Vietnam - công ty được thành lập vào năm 2017 bởi một nhóm các nhà đầu tư và chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực năng lượng và cơ sở hạ tầng, cam kết trong thời gian tới, công ty Energy Capital Vietnam sẽ đầu tư vào lĩnh vực đổi mới sáng tạo và năng lượng xanh.
Ông Patrick Sweeney, Phó Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Lớn vì An ninh Quốc gia (BENS) cho biết nhiều doanh nghiệp thành viên của BENS rất mong muốn đầu tư tại Thành phố Hồ Chí Minh trong các lĩnh vực công nghệ, hàng không vũ trụ, quốc phòng, tài chính, y tế, năng lượng…
Chiều cùng ngày, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức "Hội nghị xúc tiến đầu tư vào Thành phố Hồ Chí Minh năm 2023."
Ông Marc Knapper, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam đã nêu bật những thuận lợi trong môi trường đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh, mong muốn doanh nghiệp Hoa Kỳ đầu tư mạnh mẽ hơn nữa vào Thành phố.
Tại Hội nghị đã diễn ra Lễ Trao bốn Bản Ghi nhớ (MoU) và hai Thư Quan tâm giữa các tổ chức và doanh nghiệp nhằm thúc đẩy các dự án tăng trưởng xanh và công nghệ cao.
Trước đó, tại "Tọa đàm bàn tròn kết nối doanh nghiệp và địa phương Việt Nam-Hoa Kỳ" do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức chiều 15/11, các sở ngành của Thành phố Hồ Chí Minh đã ký kết ba MoU với Liên minh Xanh, bao gồm: Hợp tác tổ chức hoạt động đầu tư, kinh doanh theo hướng tăng trưởng xanh đến phát triển bền vững trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh; Hợp tác đầu tư xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo khối tư nhân tại Thành phố Hồ Chí Minh; Hợp tác đầu tư về việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong lĩnh vực giao thông vận tải./.