Việt Nam và Quần đảo Cook thiết lập quan hệ ngoại giao

Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực có thế mạnh như du lịch, nông nghiệp và nghề cá, trao đổi kinh nghiệm về ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng chống dịch COVID-19.

Đại sứ Việt Nam tại New Zealand Nguyễn Văn Trung và Cao ủy Quần đảo Cook tại New Zealand Elizabeth Wright-Koteka ký Thông cáo chung. (Ảnh: TTXVN phát)

Theo phóng viên TTXVN tại châu Đại Dương, ngày 26/4, tại thủ đô Wellington của New Zealand, thay mặt Chính phủ Việt Nam, Đại sứ Việt Nam tại New Zealand Nguyễn Văn Trung và Cao ủy Quần đảo Cook tại New Zealand Elizabeth Wright-Koteka - thay mặt Chính phủ Quần đảo Cook, đã ký Thông cáo chung thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Quần đảo Cook.

Hai bên nhất trí chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước ở cấp Đại sứ kể từ ngày ký Thông cáo chung và áp dụng Công ước Vienna năm 1961 về quan hệ ngoại giao trong quan hệ giữa hai nước.

Sau lễ ký, Đại sứ Nguyễn Văn Trung đã có buổi trao đổi với Cao ủy Elizabeth Wright-Koteka về các hoạt động nhằm tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, phát triển tình đoàn kết hữu nghị giữa nhân dân hai nước.

Về hợp tác song phương, hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực có thế mạnh như du lịch, nông nghiệp và nghề cá, trao đổi kinh nghiệm về ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng chống dịch COVID-19.

Về đa phương, hai bên nhất trí phối hợp hành động tại các diễn đàn khu vực châu Á-Thái Bình Dương cũng như trong các tổ chức chuyên môn của Liên hợp quốc.

Với việc thiết lập quan hệ ngoại giao với Quần đảo Cook, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 190 quốc gia trên thế giới.

Việt Nam là quốc gia thứ 57 trên thế giới và là quốc gia thứ 6 trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) mà quần đảo này có quan hệ ngoại giao chính thức.

Quần đảo Cook là quốc gia quần đảo, nằm ở Nam Thái Bình Dương, với dân số 20.200 người (số liệu năm 2019), có diện tích trên đất liền tổng cộng 236,7km2, gồm 15 hòn đảo chính, trải dài trên 2,2 triệu km2 mặt biển.

Đây là quốc gia sở hữu nguồn tài nguyên biển và đại dương dồi dào, trong đó nghề cá và khai thác ngọc rất phát triển.

Du lịch là ngành công nghiệp chiếm vị trí hàng đầu tại quốc gia quần đảo này (chiếm trên 65% tổng sản phẩm quốc nội).

Quần đảo Cook theo chế độ quân chủ lập hiến, người đứng đầu nhà nước là Nữ hoàng Anh do Toàn quyền Quần đảo Cook làm đại diện.

Quốc gia này giành tự trị ngày 4/8/1965 và được Liên hợp quốc công nhận độc lập năm 1992. Quần đảo Cook có chính sách ngoại giao độc lập và cởi mở./.

Nguyễn Minh (TTXVN/Vietnam+)