Báo Lào: Tình đoàn kết đặc biệt Lào-Việt Nam là di sản vô giá

Trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới thay đổi nhanh chóng, Lào và Việt Nam xây dựng cơ chế hợp tác chặt chẽ, bảo đảm cùng có lợi trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp và nói chuyện thân mật với ông Kaysone Phomvihane - Trưởng đoàn đại biểu Đảng và Mặt trận Lào yêu nước sang thăm hữu nghị Việt Nam (1966). (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Báo Vientiane Times ngày 25/4 đã trang trọng đăng tải bài viết mang tiêu đề “Tình đoàn kết đặc biệt Lào-Việt Nam là di sản vô giá," khẳng định hai dân tộc Lào và Việt Nam đã tạo dựng nên mô hình đoàn kết hiếm có trên thế giới. Mối quan hệ quý giá này là di sản vô giá được cả hai quốc gia trân trọng và gìn giữ.

Tờ báo cho biết quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa Lào và Việt Nam đã được các thế hệ lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước dày công vun đắp.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Kaysone Phomvihane và Chủ tịch Souphanouvong đã cùng nhau tạo dựng tình đoàn kết đặc biệt giữa hai dân tộc. Mối quan hệ này được hun đúc trong hoàn cảnh khó khăn khi Lào và Việt Nam hợp tác chống lại những kẻ thù lớn ở Đông Dương.

Ngoài việc ủng hộ lẫn nhau trong các cuộc đấu tranh cách mạng chống đế quốc thực dân, quan hệ hợp tác giữa hai dân tộc Lào-Việt Nam ngày càng sâu sắc và mở rộng sau khi hai nước chính thức ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác vào ngày 18/7/1977.

Sau khi đánh đuổi giặc ngoại xâm và thống nhất đất nước vào năm 1975, Lào và Việt Nam tiếp tục cùng nhau vượt qua khó khăn, đồng hành tiến bước nhờ duy trì quan hệ hài hòa và hợp tác cùng có lợi.

Khi hai Đảng và hai Nhà nước bắt đầu thực hiện các chính sách đổi mới của mình vào năm 1986, hai bên đã tham khảo ý kiến về các định hướng chính sách và các quan điểm khác nhau nhằm đạt được sự đổi mới toàn diện ở cả hai nước để tăng cường hiện đại hóa.

[Việt-Lào tiếp tục phối hợp chặt chẽ, tăng hợp tác về đào tạo cán bộ]

Lãnh đạo hai Đảng và hai Nhà nước tiếp tục duy trì việc trao đổi các bài học hữu ích để ủng hộ nguyện vọng của nhau và nhiều biện pháp chính sách tương trợ đã được triển khai.

Hai nước đã kề vai sát cánh hỗ trợ lẫn nhau trên con đường đổi mới thông qua sự hợp tác toàn diện, điều đã mang lại nhiều kết quả tích cực cho cả hai dân tộc, không chỉ trong việc góp phần bảo vệ nền hòa bình, độc lập cho cả hai nước, mà còn giúp đặt nền móng ban đầu cho nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và giúp không ngừng nâng cao mức sống của người dân.

Trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới thay đổi nhanh chóng, Lào và Việt Nam đã xây dựng cơ chế hợp tác chặt chẽ, bảo đảm cùng có lợi trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau.

Hai nước duy trì thường xuyên các cuộc tiếp xúc giữa các lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và Quốc hội thông qua các chuyến thăm hữu nghị chính thức, thăm làm việc và trao đổi; Duy trì các cuộc trao đổi và đối thoại thường xuyên ở cấp bộ và tỉnh.

Hai nước cũng thành lập Ủy ban liên Chính phủ, Ủy ban này tiến hành các cuộc họp thường niên và là cơ quan thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo cấp cao và cụ thể hóa quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai nước, vạch ra phương thức hợp tác cho từng giai đoạn và từng năm.

Bộ đội biên phòng hai nước tại cột mốc biên giới 605 trên biên giới Việt Lào (Cửa khẩu Lao Bảo, Hướng Hóa, Quảng Trị). (Ảnh: Anh Tôn/TTXVN)

Tờ báo nhấn mạnh nhìn lại những thành tựu đã đạt được qua các thời kỳ từ ngàn xưa đến nay, hai bên có thể tự hào về những nỗ lực phi thường qua nhiều thế hệ trong việc phát triển, gìn giữ và vun đắp cho mối quan hệ đặc biệt Lào-Việt Nam.

Tình đoàn kết đặc biệt và quan hệ tốt đẹp này có thể được coi là hình mẫu cho các mối quan hệ song phương cùng có lợi. Đó là lý do chúng ta phải tiếp tục củng cố quan hệ đồng chí truyền thống này ngày càng phát triển mạnh mẽ, không chỉ trong hôm nay, ngày mai mà còn trong tương lai./.

Phạm Kiên-Bá Thành (TTXVN/Vietnam+)