Việt Nam và Cuba còn nhiều dư địa hợp tác thương mại và đầu tư
Tại Diễn đàn xúc tiến thương mại-đầu tư Việt Nam-Cuba, tổ chức TP.HCM, các đại biểu cho rằng hai nước còn nhiều dư địa thúc đẩy hợp tác thương mại-đầu tư; đặc biệt về nông nghiệp, chế biến lương thực.
Việt Nam-Cuba còn nhiều dư địa thúc đẩy hợp tác thương mại và đầu tư, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, chế biến lương thực thực phẩm.
Đây là nhận định của các đại biểu tại Diễn đàn xúc tiến thương mại và đầu tư Việt Nam-Cuba do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 12/5.
Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết Việt Nam và Cuba tuy xa cách về địa lý, song có những nét tương đồng trong công cuộc dựng nước, giữ nước, khát vọng, lý tưởng cách mạng. Đây là nền tảng cho quan hệ quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt Việt Nam-Cuba.
Quan hệ của hai nước không ngừng phát triển trên nhiều mặt, đặc biệt là về hợp tác thương mại, đầu tư đã có nhiều thành tựu. Việt Nam hiện là đối tác thương mại châu Á lớn thứ 2 của Cuba. Trong giai đoạn 2015-2020, kim ngạch thương mại song phương đạt khoảng 250-350 triệu USD.
[Thúc đẩy lĩnh vực đầu tư thương mại giữa Việt Nam và Cuba]
Về đầu tư, Việt Nam hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của khu vực châu Á tại Cuba với 5 dự án đã triển khai, bao gồm 2 dự án của Tổng Công ty Viglacera là nhà máy liên doanh SANVIG với Tập đoàn Geicon Cuba về sản xuất vật liệu xây dựng và dự án đầu tư phát triển khu công nghiệp tại đặc khu Mariel và 3 dự án nhà máy sản xuất bỉm, tã lót; nhà máy sản xuất bột giặt, chất tẩy rửa và nhà máy điện năng lượng Mặt Trời của Công ty Thái Bình. Tại Việt Nam, Cuba cũng đã triển khai dự án Công ty Trách nhiệm hữu hạn Labiofam Việt Nam chuyên sản xuất các chế phẩm sinh học.
Theo ông Dương Anh Đức, thúc đẩy quan hệ hợp tác thương mại, đầu tư song phương tương xứng với quan hệ chính trị, ngoại giao giữa hai nước là nhiệm vụ trọng tâm đã được các lãnh đạo cấp cao hai nước nhất trí, cũng là mong muốn của nhiều thế hệ nhân dân Việt Nam-Cuba.
Các chương trình xúc tiến thương mại và đầu tư, trao đổi đoàn doanh nghiệp thường xuyên sẽ tạo thêm xung lực cho hai bên hiểu nhau hơn, liên kết hợp tác tốt hơn và là cơ hội để đưa quan hệ gắn bó giữa hai nước đi vào chiều sâu ổn định bền vững. Đây cũng là một cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam trong việc tìm kiếm những cơ hội đầu tư tại Cuba - đối tác tiềm năng và đáng tin cậy.
Ông Maury Hechavarria Bermudez, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Cuba cho biết sau các chuyến thăm của lãnh đạo Nhà nước hai bên, Việt Nam-Cuba đã thống nhất sẽ phối hợp chặt chẽ và tăng cường quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước. Chủ trương trên đã được các đơn vị cụ thể hóa bằng các hành động cụ thể như thúc đẩy dự án đầu tư mới vào Cuba trong các lĩnh vực như sản xuất nông sản, thực phẩm, bao gồm sản xuất gạo, thịt, thức ăn gia súc, gia cầm phục vụ nhu cầu của Cuba và xuất khẩu sang các nước châu Mỹ khác.
“Cuba mong muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực mà Việt Nam có thế mạnh như sản xuất lúa gạo, càphê; đồng thời hợp tác đa dạng hóa máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp; mở rộng thị trường xuất khẩu và thu hút đầu tư tài chính, thúc đẩy nghiên cứu, phát triển năng lượng mới…
Cuba cam kết luôn chào đón và đồng hành cùng nhà đầu tư bằng chế độ ưu đãi thuế đặc biệt, cung ứng nguồn nhân lực, hạ tầng và công nghệ cũng như thực hiện cơ chế một cửa cho nhà đầu tư nước ngoài,” ông Maury Hechavarria Bermudezchia sẻ.
Tại diễn đàn, Bộ Nông nghiệp Cuba cũng đã giới thiệu 54 dự án ưu tiên thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp thời gian tới. Các doanh nghiệp Cuba thông tin thêm, các dự án nông nghiệp của Cuba, đặc biệt là dự án đầu tư sản xuất lúa gạo đang có quỹ đất lớn, cơ sở hạ tầng cơ bản, hệ thống nhà máy xay xát và kho lưu tữ có sức chứa lớn. Doanh nghiệp Cuba kêu gọi nhà đầu tư có khả năng cung ứng nguyên liệu giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, máy móc nông nghiệp để hợp tác sản xuất, nâng cao năng suất, góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.
Chia sẻ về kinh nghiệm đầu tư vào Cuba, ông Trần Ngọc Thuận, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần thương mại đầu tư Thái Bình cho biết, Việt Nam-Cuba có rất nhiều điểm tương đồng về tiến trình phát triển, tuy nhiên do những yếu tố khách quan, ngành sản xuất của Cuba phát triển chậm hơn Việt Nam. Nhu cầu tiêu dùng nông sản, thực phẩm và đồ gia dụng của Cuba còn rất lớn và hầu như phụ thuộc vào hàng nhập khẩu. Đó là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam, kể cả doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận.
Chính phủ Cuba và các đặc khu kinh tế có cơ chế một cửa hỗ trợ thủ tục đầu tư rất nhanh chóng. Người dân Cuba có xu hướng ưu tiên mua hàng có xuất xứ trong nước nên doanh nghiệp đầu tư sản xuất tại Cuba sẽ có lợi thế để tiếp cận thị trường. Một thuận lợi nữa là trình độ dân trí của người lao động Cuba cao nên việc quản trị điều hành khá dễ dàng./.