Italy: Giá mỳ ống phi mã, tăng 17,5% trong vòng 12 tháng
Bộ trưởng doanh nghiệp Italy Adolfo Urso, đã chủ trì một ủy ban các nhà lập pháp, nhà sản xuất mỳ ống và các nhóm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng ở Rome, để thảo luận giải pháp giảm giá mỳ ống.
Chính phủ Italy ngày 11/5, triệu tập một cuộc họp để điều tra nguyên nhân đằng sau việc sản phẩm mỳ ống (pasta), một trong những loại thực phẩm phổ biến và nổi tiếng nhất của nước này, tăng giá đột biến.
Bộ trưởng doanh nghiệp Italy, Adolfo Urso, đã chủ trì một ủy ban các nhà lập pháp, các nhà sản xuất mỳ ống và các nhóm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng ở Rome, để cùng thảo luận giải pháp nhằm giảm giá mỳ ống, vốn đã tăng 17,5% trong vòng 12 tháng, tính đến tháng 3/2023.
Mức tăng đó cao gấp đôi so với mức lạm phát của Italy, hiện đạt 8,1%, theo thống kê của Liên minh châu Âu. Giá mỳ ống đã tăng vọt bất chấp giá của lúa mỳ - nguồn nguyên liệu chính để làm ra món ăn trứ danh này - đã giảm đáng kể trong những tháng gần đây.
Người phát ngôn của Bộ trưởng Urso, ngày 10/5, cho biết nhiều nhà sản xuất đảm bảo rằng việc tăng giá của mỳ ống chỉ là tạm thời và giá cao “là do việc xử lý hàng tồn kho mỳ ống được làm ra vào thời điểm chi phí nguyên liệu đầu vào tăng cao.”
[Nền kinh tế Italy có nguy cơ sụt giảm trong 3 quý liên tiếp]
Vị quan chức này tin rằng giá mỳ ống sẽ hạ xuống trong vài tuần nữa, nhờ chi phí đầu vào đã giảm đáng kể.
Chủ tịch của tổ chức Assoutenti, một nhóm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Italy, Furio Truzzi, nhấn mạnh đây là một vấn đề có ý nghĩa quốc gia.
Ông Truzzi nói trung bình một người dân Italy tiêu thụ khoảng 23kg mỳ ống mỗi năm, tương đương một kiện hành lý ký gửi tiêu chuẩn được phép trên một chuyến bay thông thường.
Theo ông Truzzi, chính ảnh hưởng từ cuộc xung đột Nga-Ukraine đã gây ra “một cơn sóng thần” đối với một số nguyên liệu thô cần thiết để làm ra món mỳ ống, đẩy giá cả của các mặt hàng này tăng vọt. Tuy nhiên, ông Truzzi tin rằng giá mỳ ống sẽ nhanh chóng hạ trong thời gian tới.
Phát ngôn viên của Unione Italiana Food, đại diện cho các nhà sản xuất thực phẩm, Ivana Calò, chia sẻ giá bán lẻ mỳ ống chịu ảnh hưởng lớn bởi giá năng lượng, bao bì và chi phí hậu cần. Những nguyên liệu đầu vào này đều đã tăng giá, mặc dù bà không nói rõ trong khoảng thời gian nào.
Hiệp hội Nông dân lớn nhất của Itali Coldiretti than phiền giá bán lẻ của mỳ ống ở mức cao không mang lại doanh thu nhiều hơn cho những người nông dân trồng lúa mì. Đại diện của nhóm này cho biết giá lúa mỳ thô đã giảm 30% kể từ tháng 5/2022, khiến người nông dân phải vật lộn để trang trải chi phí của chính họ./.