Việt Nam và Bắc Ireland thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực
Bắc Ireland nhất trí những lĩnh vực ưu tiên hợp tác với Việt Nam, bao gồm giáo dục đại học, nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, y tế và khoa học đời sống...
Từ ngày 9-11/5, Đại sứ Việt Nam tại Anh Nguyễn Hoàng Long đã thăm và làm việc tại thành phố Belfast, thủ phủ vùng Bắc Ireland, Vương quốc Anh, nhằm thúc đẩy hợp tác nhiều mặt giữa hai bên, đặc biệt trong các lĩnh vực kinh doanh, thương mại, giáo dục, chống biến đổi khí hậu và ngoại giao nhân dân.
Chuyến thăm diễn ra trong khuôn khổ chương trình hoạt động Năm hữu nghị Việt Nam-Vương quốc Anh 2023: Kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.
Tại Belfast, Đại sứ Nguyễn Hoàng Long có các cuộc gặp, làm việc với lãnh đạo các cơ quan, tổ chức quan trọng của Bắc Ireland như Chủ tịch Quốc hội Alex Maskey; Bộ trưởng Nông nghiệp, Môi trường và Nông thôn Katrina Godfrey; Thứ trưởng Nông nghiệp, Môi trường và Nông thôn Norman Fulton; Giám đốc đối ngoại chính quyền Bắc Ireland Lynsey Moore; Chủ tịch Phòng Thương mại Belfast Simon Hamilton.
Đại sứ cũng gặp gỡ lãnh đạo 2 trường đại học nằm trong số các trường đại học hàng đầu Vương quốc Anh là Ulster University và Queen’s Belfast University; các giáo sư, phó giáo sư, giảng viên cao cấp, nghiên cứu sinh người Việt Nam đang sinh sống, làm việc và học tập tại Belfast.
Nhân dịp này, Đại sứ quán Việt Nam tại Anh đã phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức gian hàng Việt Nam tại hội chợ Balmoral Show 2023 và Hội thảo thúc đẩy hợp tác giáo dục bậc cao Việt Nam-Bắc Ireland nhằm tăng cường hợp tác giữa hai bên trong lĩnh vực thương mại và giáo dục.
[Nông sản Việt có mặt tại hội chợ nông nghiệp lớn nhất Bắc Ireland]
Tại các cuộc tiếp xúc, làm việc, Đại sứ Nguyễn Hoàng Long đánh giá cao thành tựu phát triển kinh tế, xã hội mà chính quyền và nhân dân Bắc Ireland đạt được trong 25 năm qua kể từ khi ký kết thỏa thuận Ngày thứ Sáu tốt lành chấm dứt xung đột, duy trì môi trường hòa bình, ổn định trên đảo Ireland.
Đại sứ bày tỏ ấn tượng trước những thành tựu của Bắc Ireland, đặc biệt trong các lĩnh vực nông nghiệp, nghiên cứu, giáo dục, khoa học, kỹ thuật, năng lượng xanh. Ông kỳ vọng Bắc Ireland có thể trở thành đối tác quan trọng của Việt Nam trong những lĩnh vực này.
Về thương mại, Đại sứ Nguyễn Hoàng Long đề nghị chính quyền Bắc Ireland sớm tổ chức đoàn xúc tiến thương mại thăm và tìm hiểu thị trường Việt Nam trong năm nay nhằm thúc đẩy buôn bán nông sản, thực phẩm với các mặt hàng thế mạnh của hai bên, tăng trưởng xanh, ứng dụng công nghệ sinh học tiên tiến trong nông nghiệp và thúc đẩy trao đổi hàng hóa hai chiều.
Về giáo dục, Đại sứ Nguyễn Hoàng Long đánh giá cao các trường đại học tại Bắc Ireland đã cung cấp học bổng đào tạo cao học, tiến sỹ và sau tiến sỹ cho học viên Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ cao và đào tạo giáo viên tiếng Anh. Đại sứ đề nghị hai bên tiếp tục hợp tác trong nghiên cứu, liên kết đào tạo, kết nối doanh nghiệp, trao đổi sinh viên...
Về ngoại giao nhân dân, Đại sứ Nguyễn Hoàng Long bày tỏ mong muốn hai bên thúc đẩy trao đổi văn hóa, du lịch, giáo dục; đưa ra sáng kiến kết nghĩa một địa phương của Việt Nam với một thành phố của Bắc Ireland, từ đó làm cơ sở thúc đẩy hợp tác toàn diện giữa hai bên.
Trong các cuộc trao đổi, lãnh đạo các cơ quan, tổ chức tại Bắc Ireland đánh giá cao thị trường hơn 100 triệu dân của Việt Nam với mức sống ngày càng nâng cao và cho rằng hai bên có tiềm năng hợp tác lớn, đặc biệt trong các lĩnh vực thương mại, giáo dục, du lịch, trao đổi văn hóa và ngoại giao nhân dân...
Phía Bắc Ireland nhất trí nghiên cứu thúc đẩy ký kết thỏa thuận hợp tác ở cấp địa phương với Việt Nam và tổ chức đoàn xúc tiến thương mại thăm và tìm hiểu thị trường Việt Nam vào cuối năm nay, đồng thời cam kết tiếp tục cấp học bổng, khuyến khích học viên, nghiên cứu sinh và các giảng viên, nhà khoa học Việt Nam học tập, nghiên cứu và làm việc lâu dài tại Bắc Ireland.
Phía Bắc Ireland cũng nhất trí những lĩnh vực ưu tiên hợp tác với Việt Nam, bao gồm giáo dục đại học, nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, y tế và khoa học đời sống, khoa học máy tính, an ninh mạng, công nghệ mạng, công nghiệp sáng tạo, nông nghiệp gắn với trao đổi thương mại và hợp tác kinh doanh./.