Việt Nam chia sẻ với Lào kinh nghiệm sửa đổi Hiến pháp
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Lào, việc vận dụng bài học và kinh nghiệm về sửa đổi Hiến pháp của Việt Nam sẽ giúp cho việc sửa đổi Hiến pháp 2015 của Lào có nội dung phong phú, chặt chẽ.
Theo phóng viên TTXVN tại Lào, sáng 4/7, tại thủ đô Vientiane, Quốc hội Việt Nam và Quốc hội Lào đã phối hợp tổ chức Tọa đàm khoa học về sửa đổi Hiến pháp.
Tiến sỹ Nguyễn Khắc Định, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam và Phó Chủ tịch Quốc hội Lào Chaleun Yiapaoher đồng chủ trì tọa đàm.
Tại cuộc tọa đàm, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định khẳng định Hiến pháp là văn kiện chính trị-pháp lý, là đạo luật cơ bản, luật gốc của mỗi quốc gia. Hiến pháp được ban hành để ghi nhận những thành quả đấu tranh vì những giá trị cao quý, vì nền độc lập, tự chủ của quốc gia, khẳng định chủ quyền của nhân dân, bảo đảm quyền con người, công bằng xã hội và xác định những hình thức, cơ chế vận hành của mỗi chính thể nhà nước.
Thông qua Hiến pháp, tư tưởng quyền lực thuộc về nhân dân được khẳng định, nhân dân trao quyền cho các cơ quan nhà nước, bảo đảm tính hợp pháp của việc thực hiện quyền lực nhà nước.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định chia sẻ việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp là công việc trọng đại của mỗi quốc gia.
Mỗi lần tiến hành hoạt động sửa đổi, bổ sung Hiến pháp là dịp để nhìn lại, đánh giá chặng đường đã đi qua, lựa chọn, kế thừa, phát triển những giá trị tinh hoa để phục vụ công cuộc chấn hưng đất nước trong giai đoạn tiếp theo.
Mỗi lần tiến hành hoạt động sửa đổi, bổ sung Hiến pháp đều tạo ra hiệu ứng xã hội tích cực, thu hút sự tham gia và đồng tình ủng hộ của đồng bào, chiến sỹ cả nước, đồng bào ở nước ngoài và đều trở thành đợt sinh hoạt chính trị-pháp lý sâu rộng trong toàn dân.
Việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp đòi hỏi sự đổi mới cả về tư duy, tổ chức và hoạt động của tất cả các bộ phận, tạo thành hệ thống chính trị của quốc gia để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước và sự mong đợi của nhân dân.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng chia sẻ thêm một số thông tin về tư tưởng chỉ đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong quá trình xây dựng, ban hành Hiến pháp; quan điểm chỉ đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong sửa đổi, bổ sung Hiến pháp; bối cảnh xây dựng, ban hành Hiến pháp; tư tưởng, định hướng của Đảng trong việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp; triển khai thi hành Hiến pháp và đưa Hiến pháp vào cuộc sống.
Tại tọa đàm, các đại biểu Việt Nam đã trình bày các tham luận về tư tưởng, quan điểm chỉ đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong quá trình xây dựng Hiến pháp; tư tưởng chỉ đạo của Đảng về hệ thống chính trị, nguyên tắc tổ chức quyền lực nhà nước, nhân quyền, quyền và nghĩa vụ của người dân và tư tưởng chỉ đạo của Đảng về bộ máy tổ chức được quy định trong Hiến pháp.
Phó Chủ tịch Quốc hội Lào Chaleun Yiapaoher nhấn mạnh những kinh nghiệm về sửa đổi Hiến pháp mà Việt Nam chia sẻ lần này là những bài học có ý nghĩa quan trọng đối với Ủy ban Quốc gia sửa đổi Hiến pháp 2015 của Lào.
Việc vận dụng bài học và kinh nghiệm về sửa đổi Hiến pháp của Việt Nam sẽ giúp cho việc sửa đổi Hiến pháp 2015 của Lào có nội dung phong phú, chặt chẽ, đảm bảo việc tổ chức và hoạt động công việc trong bộ máy của Đảng, Nhà nước của Lào, đảm bảo phục vụ quyền và lợi ích công bằng cho người dân Lào một cách thực sự.
Phó Chủ tịch Quốc hội Lào Chaleun Yiapaoher khẳng định, Tọa đàm khoa học về sửa đổi Hiến pháp giữa hai Quốc hội Lào-Việt Nam lần này có ý nghĩa rất quan trọng đối với Quốc hội Lào nói chung, cũng như đối với Ủy ban Quốc gia sửa đổi Hiến pháp 2015 của Lào nói riêng.
Ông cảm ơn Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cùng đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam đã kịp thời chia sẻ kinh nghiệm sửa đổi Hiến pháp với Quốc hội Lào, thể hiện tính đặc biệt của mối quan hệ Việt Nam-Lào./.