Quy định 144-QĐ/TW: Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn mới
Nói về “văn hóa từ chức” được đề cập trong Quy định 144, theo nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thái Bình, đây là hình thức để mỗi cán bộ, đảng viên tự đánh giá, soi chiếu bản thân.
Quy định 144-QĐ/TW ngày 9/5/2024 của Bộ Chính trị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh hiện nay. Với 5 điều cốt lõi, súc tích, ngắn gọn nhưng chứa đựng nhiều nội hàm sâu xa về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới, Quy định 144 là tấm gương phản chiếu để mỗi cán bộ, đảng viên “tự soi, tự sửa,” đồng thời khẳng định quyết tâm của Đảng ta trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị.
Kim chỉ nam cho cán bộ, đảng viên “tự soi, tự sửa”
Ông Nguyễn Bá Côn, nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thái Bình, cho rằng cùng với các quy định về tiêu chuẩn, quy định về đạo đức cách mạng của đảng viên, về những điều đảng viên không được làm đã ban hành trước đây, Quy định 144 là sự kế thừa, phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy “Đảng ta là đạo đức, là văn minh,” “Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng, không có đạo đức cách mạng thì tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân” cho thấy tầm quan trọng của đạo đức cách mạng trong mỗi đảng viên.
Đây là yếu tố then chốt, sống còn của Đảng, trong đó mỗi cán bộ, đảng viên phải có ý thức không ngừng tu dưỡng, rèn luyện để tự hoàn thiện mình, xứng đáng là người đảng viên cách mạng chân chính, xứng đáng với lời thề danh dự trước lá cờ Đảng, lá cờ Tổ quốc.
Tuy nhiên, thực tiễn thời gian qua cho thấy, một số cán bộ, đảng viên, thậm chí cả cán bộ cấp cao suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có biểu hiện “tự diễn biến,” “tự chuyển hóa,” có đồng chí bị đưa ra xử lý, kỷ luật đã ít nhiều làm ảnh hưởng đến hình ảnh cán bộ, đảng viên.
Những cám dỗ từ lợi ích vật chất, những “viên đạn bọc đường” đã bào mòn, thậm chí hủy hoại nhân cách, đạo đức, công danh của nhiều cán bộ, đảng viên, nghiêm trọng hơn cả có cán bộ, đảng viên phải trả giá đắt, rơi vào vòng lao lý. Bởi vậy, Quy định 144 với 5 điểm cốt lõi sẽ là “kim chỉ nam” cho mỗi cán bộ, đảng viên tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu.
Đặc biệt quan tâm đến Điều 3 của Quy định về “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư,” ông Nguyễn Bá Côn cho rằng, các nội dung cụ thể của Điều 3 trên tinh thần kế thừa và phát triển các chuẩn mực về cần, kiệm, liêm, chính mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu ra trước đây. Đặt trong bối cảnh giai đoạn hiện nay, cần, kiệm, liêm, chính được nêu trong Quy định 144 có nhiều nội hàm, phát triển và sâu sắc hơn.
Đơn cử như trước đây, mục tiêu của Đảng ta là “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” thì nay, ngoài giữ vững độc lập, tự do, mỗi cán bộ, đảng viên còn phải có ý thức xây dựng đất nước giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.
Hay như chữ “Liêm” đặt trong giai đoạn hiện nay, “Liêm” không chỉ là liêm khiết, trong sạch, là giữ cho mình mà còn là giữ cho Đảng. Bởi vậy, trong Quy định 144 bên cạnh giải thích thế nào là “Liêm,” Quy định này cũng chỉ rõ yêu cầu cho mỗi cán bộ, đảng viên phải chủ động phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực, suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, chủ nghĩa cá nhân, lợi ích nhóm, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.
Nói về “văn hóa từ chức” được đề cập trong Quy định 144, theo ông Nguyễn Bá Côn, đây là hình thức để mỗi cán bộ, đảng viên tự đánh giá, soi chiếu bản thân.
Nếu xét thấy mình không đủ trình độ, năng lực đảm nhiệm chức vụ hoặc đã mắc vi phạm, bị kỷ luật, không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ thì nên tự giác, tự nguyện rời khỏi vị trí, chứ không nên “tham quyền cố vị.” Khi không đủ năng lực, phẩm chất lại vẫn tham vọng, giữ vị trí chẳng khác nào “thân xác gầy gò nhưng lại mang trên mình chiếc áo thùng thình.”
Để Quy định 144 đi vào cuộc sống, ông Nguyễn Bá Côn nhận định, các cấp ủy đảng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để mỗi cán bộ, đảng viên thấu hiểu từng tiêu chuẩn, từ đó soi chiếu, tu dưỡng, rèn luyện.
Bên cạnh đó, cấp ủy, tổ chức Đảng cần coi trọng hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng gắn với kết hợp phát huy vai trò giám sát của cơ quan dân cử, của Mặt trận Tổ quốc, báo chí và đặc biệt là vai trò của nhân dân trong việc giám sát thực hiện quy định chuẩn mực đạo đức, quy định nêu gương của cán bộ, đảng viên, người đứng đầu tổ chức, qua đó chủ động, kịp thời phát hiện, ngăn chặn từ sớm, từ xa những biểu hiện, hành vi lệch lạc, vi phạm quy định của pháp luật.
Tránh tư tưởng làm việc “cầm chừng,” giữ “an toàn”
Cùng quan điểm, Tiến sỹ Trần Quang Công, Phó Trưởng phòng Quản lý đào tạo và Nghiên cứu khoa học (trường Chính trị tỉnh Thái Bình), cho rằng Quy định 144 có ý nghĩa quan trọng, tạo niềm tin, động lực cho cán bộ, đảng viên không ngừng phấn đấu, rèn luyện nâng cao đạo đức để vượt qua những khó khăn, thách thức trong thực hiện nhiệm vụ.
Theo Tiến sỹ Trần Quang Công, thực tế thời gian qua có một số cán bộ, đảng viên bản lĩnh chính trị còn hạn chế, có biểu hiện phai nhạt lý tưởng cách mạng; giảm sút niềm tin vào chủ nghĩa xã hội, chưa thực sự giữ vững bản lĩnh chính trị. Một số cán bộ, đảng viên dao động trước khó khăn, thử thách, không rõ lập trường, “gió chiều nào theo chiều ấy,” “dĩ hòa vi quý,” thấy sai không dám phê bình, nói một đàng còn nghĩ và làm một nẻo; chưa phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu, giảm sút niềm tin, ý chí chiến đấu, thiếu tinh thần trách nhiệm trong công việc.
Do vậy, cùng với các quy định trước đây, Quy định 144 sẽ giúp cán bộ, đảng viên “tự soi” lại chuẩn mực, đạo đức của mình và giúp cán bộ, đảng viên luôn có lập trường chính trị vững vàng, tin tưởng vào chủ trương, đường lối lãnh đạo của Đảng, bảo vệ cái đúng, phê bình, lên án cái sai; giúp đội ngũ cán bộ, đảng viên không dao động trước mọi tình huống, quyết tâm vượt mọi khó khăn, vì lợi ích của Đảng và của nhân dân, kiên quyết đấu tranh chống lại mọi âm mưu chống phá chế độ ta của các thế lực thù địch, đấu tranh chống lại các quan điểm sai trái, đấu tranh bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Một trong những điểm quan tâm của Tiến sỹ Trần Quang Công là Điều 2 của Quy định 144. Đây là điểm mới đáng chú ý trong Quy định về đạo đức của cán bộ, đảng viên. Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, vì mục tiêu phát triển chung, cán bộ, đảng viên phải dám nhìn thẳng vào sự thật, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm và dám đổi mới, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ để đạt hiệu quả cao nhất, tránh tình trạng có tư tưởng “đấu tranh, tránh đâu,” làm việc “cầm chừng,” giữ “an toàn.”
Trong giai đoạn phát triển hiện nay, Đảng khuyến khích tinh thần dấn thân, mạnh dạn tư duy và hành động đột phá trước những vấn đề khó khăn mà thực tiễn đang đặt ra để phụng sự lợi ích chung của nhân dân, của đất nước./.