Việc chẩn đoán và điều trị ung thư tại Việt Nam bắt kịp thế giới
Hơn 600 đại biểu, chuyên gia, báo cáo viên, giảng viên quốc tế dự Hội nghị khoa học phòng chống ung thư và tập huấn điều trị ung thư đa chuyên khoa lần 12, diễn ra ngày 23/8, tại Thừa Thiên-Huế.
Hiện có hơn 350.000 người Việt Nam đang sống với bệnh ung thư, việc chẩn đoán và điều trị ung thư tại Việt Nam hiện đã tiếp cận được những tiến bộ về công nghệ trên thế giới và ngày càng nhiều bệnh nhân ung thư được chữa khỏi hoàn toàn.
Đó là những thông tin được đưa ra tại Hội nghị khoa học phòng chống ung thư và tập huấn điều trị ung thư đa chuyên khoa lần thứ 12, năm 2024 diễn ra ngày 23/8, tại tỉnh Thừa Thiên-Huế, do Hội Ung thư Việt Nam phối hợp Bệnh viện Trung ương Huế, Đại học Y dược Huế và Liên đoàn Chăm sóc trẻ em châu Á tổ chức.
Hội nghị thu hút hơn 600 đại biểu, chuyên gia, báo cáo viên, giảng viên quốc tế từ các tổ chức như Hiệp hội Ung thư lâm sàng Hoa Kỳ, Quỹ Toàn cầu về Ung thư, Liên đoàn Chăm sóc trẻ em châu Á, Hội Ghép tủy châu Âu và các trường đại học danh tiếng trên thế giới tham dự. Qua đó, tạo cơ hội gặp gỡ, trao đổi chuyên môn giữa các chuyên gia giàu kinh nghiệm trong nước và quốc tế; giới thiệu những tiến bộ y khoa mới nhất trong điều trị ung thư tại Việt Nam.
Theo Tổ chức Ung thư toàn cầu GLOBOCAN thống kê năm 2022, có khoảng 20 triệu ca ung thư được chẩn đoán trên toàn thế giới. Tỷ lệ ung thư đã và đang tăng cao ở các quốc gia kém phát triển cũng như có mức phát triển trung bình.
Tại Việt Nam, gánh nặng ung thư ước tính đã tăng gấp 3 lần sau 30 năm và đang có xu hướng trẻ hóa. Tỷ lệ mắc mới ung thư nước ta xếp thứ 90/185 quốc gia và tỷ lệ tử vong do ung thư xếp thứ 50/185 quốc gia.
Phó Giáo sư-Tiến sỹ Bùi Diệu, Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, cho biết, chăm sóc sức khỏe cho người dân ung thư là vấn đề lâu dài, cần quan tâm nhiều góc độ, xây dựng mạng lưới y tế các cấp nhằm mang lại hiệu quả điều trị cao. Mỗi người dân phải quan tâm việc thăm khám, kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện bệnh sớm; khi phát hiện bệnh, cần tin tưởng vào hệ thống y tế và phối hợp y bác sỹ trong điều trị bệnh. Mặt khác, tham gia bảo hiểm y tế cũng góp phần giảm gánh nặng cho người bệnh bởi điều trị ung thư thường kéo dài và tốn kém.
Tại các phiên họp đã có hơn 130 báo cáo khoa học của chuyên gia quốc tế chuyên ngành ung bướu được trình bày. Trong đó, 20 bài báo khoa học chất lượng được chọn in trong Tạp chí Y học Lâm sàng Bệnh viện Trung ương Huế; nhiều bài báo khoa học khác được đăng trên website của tạp chí. Ngoài ra, có 42 poster bằng Tiếng Anh được trình bày và dự thi trong khuôn khổ hội nghị.
Đông đảo y, bác sỹ trên cả nước được cập nhật các tiến bộ y học, kỹ thuật trong điều trị ung thư tại hội nghị. Điển hình như thông tin về tối ưu lợi ích dài hạn cho bệnh nhân ung thư vú giai đoạn sớm; ghép tủy; liệu pháp miễn dịch, điều trị tích cực u đặc trẻ em…
Theo Giáo sư-Tiến sỹ Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, việc điều trị xạ nhi yêu cầu có sự phối hợp đồng bộ giữa nhiều chuyên khoa. Là bệnh viện đặc thù đa khoa hoàn chỉnh, Bệnh viện Trung ương Huế có đầy đủ các Khoa Xạ trị (Trung tâm Ung bướu), Ung bướu-Huyết học-Ghép tủy (Trung tâm Nhi khoa), Gây mê hồi sức và Ngoại liên quan đến phẫu thuật nhi nhằm đảm bảo điều trị ung thư ở trẻ nhỏ một cách toàn diện, bao gồm phẫu thuật, hóa chất, ghép tế bào gốc và xạ nhi. Quá trình này cần có vai trò của các bác sĩ gây mê hồi sức theo dõi liên tục. Do đó, đơn vị là cơ sở y tế đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam thực hiện xạ nhi.
Trước đó, trong khuôn khổ hội nghị, ngày 21-22/8, diễn ra khóa đào tạo y khoa liên tục về chăm sóc giảm nhẹ và tập huấn điều trị ung thư đa chuyên khoa cập nhật những tiến bộ mới trong chẩn đoán và điều trị các bệnh ung thư thường gặp (vú, phổi, tiêu hóa, đầu - cổ)…; thực hành xạ trị ung thư; ung thư nhi, ghép tủy, liệu pháp miễn dịch trong ung thư nhi; chăm sóc giảm nhẹ, điều dưỡng ung thư./.