Vì sao cần thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại với đất khác?
Theo Chủ tịch HoREA, việc cho phép thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại với đất khác sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản tại các địa phương.
Nhấn mạnh 70% khó khăn của các chủ đầu tư dự án bất động sản, nhà ở trong thời gian qua là do vướng mắc pháp lý, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) Lê Hoàng Châu cho rằng việc “thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất đối với đất khác” sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và thị trường bất động sản sớm phát triển bền vững.
Thông tin thêm với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, chiều 11/3, ông Lê Hoàng Châu cho hay trong năm 2023, Bộ Xây dựng cho biết cả nước có khoảng 1.200 dự án bất động sản, nhà ở thương mại bị vướng mắc (chủ yếu là pháp lý); trong đó Thành phố Hồ Chí Minh có hơn 148 dự án bị vướng, không thể triển khai, không thực hiện được các thủ tục đầu tư xây dựng.
Trước thực tế đó, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt tháo gỡ ngay các vướng mắc của các văn bản dưới luật thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đơn cử như việc ban hành Nghị định 10/2023/NĐ-CP, bước đầu đã tạo điều kiện để cấp “sổ hồng” cho khoảng 100.000 căn hộ du lịch (condotel); ban hành Nghị định số 12/2023/NĐ-CP về cơ bản tháo gỡ được vướng mắc trong công tác định giá đất, thẩm định giá đất, quyết định giá đất để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất các dự án bất động sản, nhà ở thương mại…
“Nhờ hoạt động tích cực của các tổ công tác, cả nước đã tháo gỡ được vướng mắc, khó khăn cho khoảng 100 dự án bất động sản, nhà ở,” ông Châu nói.
Tuy vậy, ông Châu cũng lưu ý hiện một số dự án bất động sản, nhà ở vẫn gặp vướng mắc do quy định của luật. Đơn cử như Điều 23 Luật Nhà ở 2014 và Điều 127 Luật Đất đai 2024 quy định doanh nghiệp chỉ được “thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất ở” hay “đang có quyền sử dụng đất ở” hoặc “đang có quyền sử dụng đất ở và đất khác” để thực hiện dự án nhà ở thương mại.
Theo ông Châu, quy định trên có thể dẫn đến việc hàng trăm dự án nhà ở thương mại không thể triển khai thực hiện hoặc không thể thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng; vừa gây ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung dự án, dẫn đến thiếu hụt nguồn cung nhà ở thương mại.
Bên cạnh đó, quy định này cũng có thể đẩy giá nhà tăng liên tục và góp phần tạo ra tình trạng “lệch pha” phân khúc thị trường; vừa gây thiệt hại cho các doanh nghiệp đã bỏ ra nguồn vốn rất lớn để tạo lập quỹ đất này bị “chôn vốn” nhiều năm do không triển khai thực hiện được dự án nhà ở thương mại.
Do vậy HoREA rất hoan nghênh Quốc hội đã giao Chính phủ xây dựng dự thảo “Đề án thí điểm trình cấp có thẩm quyền để trình Quốc hội xem xét ban hành Nghị quyết cho phép thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất khác quy định của luật” để gỡ vướng cho các dự án, cải thiện nguồn cung.
Tuy nhiên, HoREA cũng đề nghị bổ sung quy định các trường hợp được phép thí điểm đề án trên thì nhà đầu tư được phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, bởi Điều 122 Luật Đất đai 2024 mới chỉ cho phép “chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại đối với trường hợp nhà đầu tư đang có quyền sử dụng đất ở hoặc đất ở và đất khác,” chưa quy định trường hợp nhà đầu tư đang “có quyền sử dụng đất khác không phải là đất ở.”
“Nếu được Quốc hội xem xét thông qua quy định trên sẽ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp sau khi các luật mới được ban hành (Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản),” ông Châu nói.
Tuy vậy, Chủ tịch HoREA cũng đề xuất sửa đổi điểm c khoản 7 Điều 31 Nghị định 31/2021/NĐ-CP quy định “việc thẩm định sự phù hợp của dự án đầu tư với các quy hoạch” được thực hiện theo hướng đối với quy hoạch đô thị; nội dung thẩm định phải có đánh giá về sự phù hợp của dự án đầu tư với quy hoạch chi tiết hoặc quy hoạch phân khu hoặc quy hoạch chung.
Trường hợp quy hoạch chi tiết chưa phù hợp quy hoạch chung và quy hoạch phân khu thì cần cho phép thực hiện việc chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy hoạch chung, quy hoạch phân khu và chỉ tiêu về hệ số sử dụng đất hoặc mật độ xây dựng theo quy định của pháp luật về nhà ở.
Cũng theo ông Châu, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết phải được phê duyệt hoặc phê duyệt điều chỉnh theo quy định của pháp luật trước khi lập Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng và triển khai các bước tiếp theo của dự án để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho tất cả các dự án nhà ở xã hội, dự án nhà ở thương mại của tất cả các địa phương./.