Saudi Aramco cắt giảm nguồn cung dầu thô Arab Heavy do kế hoạch bảo trì

Quyết định cắt giảm nguồn cung dầu thô Arab Heavy của Saudi Aramco đưa ra sau khi OPEC và các đồng minh gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu tự nguyện 2,2 triệu thùng mỗi ngày tới hết quý 2/2024.

Cơ sở khai thác dầu của Công ty dầu Aramco ở Riyadh, Saudi Arabia. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Hai nguồn tin thân cận cho biết, Saudi Aramco, tập đoàn dầu khí quốc gia Saudi Arabia, có kế hoạch giảm nguồn cung dầu thô Arab Heavy cho khách hàng ở châu Á trong tháng 4/2024 do kế hoạch bảo trì mỏ dầu.

Một trong những nguồn tin trên cho biết, Saudi Aramco - nhà xuất khẩu dầu thô hàng đầu thế giới - sẽ duy trì sản lượng trong tháng Tư đối với các loại dầu thô khác.

Động thái cắt giảm này được đưa ra sau khi Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, còn gọi là OPEC+, quyết định gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu tự nguyện 2,2 triệu thùng mỗi ngày tới hết quý 2/2024.

Saudi Aramco đã thông báo cho các khách hàng châu Á của họ về lượng dầu thô phân bổ trong tháng 4, vài ngày sau khi công bố giá bán chính thức trong cùng tháng. Nhà sản xuất dầu mỏ hàng đầu thế giới đã bất ngờ tăng giá các loại dầu nặng trong tháng 4/2024, thu hẹp khoảng cách giá với các loại dầu nhẹ hơn.

Hiện chưa rõ nguồn cung dầu thô Arab Heavy sẽ giảm bao nhiêu và mỏ dầu nào của Saudi Aramco sẽ đóng cửa để bảo trì. Saudi Aramco hiện chưa trả lời yêu cầu bình luận liên quan tới thông tin trên.

Saudi Aramco có vốn hóa thị trường khoảng 2.000 tỷ USD và là công ty có giá trị vốn hóa lớn thứ tư thế giới, chỉ sau Apple, Microsoft và NVIDIA.

Trước đó, Saudi Aramco cho biết đã tăng mức cổ tức chi trả cho các nhà đầu tư, bất chấp lợi nhuận ròng sụt giảm từ mức kỷ lục 161,1 tỷ USD vào năm 2022 xuống còn 121,3 tỷ USD trong năm 2023 do giá dầu hạ. Cụ thể Saudi Aramco cho biết đã tăng 30% tổng mức chi trả cổ tức của năm 2023 lên 97,8 tỷ USD.

Thông báo của Saudi Aramco nêu rõ, mặc dù đi xuống nhưng lợi nhuận đạt được trong năm vừa qua vẫn cao thứ hai trong các báo cáo hoạt động kinh doanh hàng năm của tập đoàn này.

Trong khi đó, Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman ngày 7/3 tuyên bố hoàn tất việc chuyển nhượng thêm 8% tổng số cổ phiếu đã phát hành của Saudi Aramco cho các công ty thuộc sở hữu của Quỹ đầu tư công (PIF).

Theo hãng thông tấn Saudi Arabia (SPA), sau thương vụ chuyển nhượng này, nhà nước Saudi Arabia vẫn là cổ đông chính của Saudi Aramco với tỷ lệ sở hữu 82,186% và tổng cộng Saudi Aramco đã chuyển 16% cổ phần cho PIF và các công ty con của quỹ này.

Hãng thông tấn SPA dẫn lời Thái tử Mohammed cho biết việc chuyển quyền sở hữu này là một phần trong “các sáng kiến của Saudi Arabia nhằm củng cố nền kinh tế quốc gia trong dài hạn, đa dạng hóa nguồn lực” và tạo ra nhiều cơ hội đầu tư hơn.

Thái tử Mohammed nói rằng PIF đang tiếp tục xây dựng các mối quan hệ đối tác kinh tế mới và nội địa hóa công nghệ, đồng thời đóng vai trò tạo ra nhiều việc làm trực tiếp và gián tiếp hơn trên thị trường lao động.

Theo hãng SPA, việc chuyển nhượng cũng sẽ củng cố vị thế tài chính và xếp hạng tín dụng vững mạnh của PIF.

Trong năm ngoái, 4% cổ phần của Saudi Aramco trị giá hàng chục tỷ USD đã được chuyển giao cho Sanabil Investments, một công ty con thuộc sở hữu 100% của PIF. Trước đó, vào năm 2022, Saudi Aramco đã chuyển trực tiếp cho PIF 4% cổ phần, ước tính trị giá 80 tỷ USD vào thời điểm đó.

Saudi Aramco đã được niêm yết trên Sàn giao dịch chứng khoán Riyadh tháng 12/2019. Việc niêm yết 1,7% cổ phần của tập đoàn này mang về 29,4 tỷ USD cho Saudi Arabia.

PIF đã thực hiện các khoản đầu tư tầm cỡ vào các công ty như Uber và Disney. Thái tử Mohammed đang đặt kỳ vọng rằng quỹ này sẽ sở hữu khối tài sản trị giá 1.000 tỷ USD vào cuối năm 2025.

Trong năm ngoái, PIF đã đầu tư 31,5 tỷ USD trở thành quỹ chủ quyền quốc gia chi tiêu nhiều nhất thế giới. Trước thương vụ chuyển nhượng mới này, PIF quản lý khối tài sản khoảng 700 tỷ USD.

Saudi Aramco cuối tháng 1/2024 cho biết Saudi Arabia đã yêu cầu tập đoàn giữ nguyên năng lực sản xuất dầu ở mức 12 triệu thùng/ngày, thay vì nâng lên như dự định trước đó.

Saudi Aramco cho biết tập đoàn này đã nhận được một chỉ thị từ Bộ Năng lượng Saudi Arabia rằng Saudi Aramco phải duy trì mức năng lực sản xuất tối đa ở mức 12 triệu thùng/ngày, mà không được nâng lên 13 triệu thùng/ngày.

Saudi Arabia đã công bố kế hoạch tăng năng lực sản xuất vào tháng 10/2021. Saudi Aramco cho biết tập đoàn này có dự định đến năm 2027 sẽ đạt mức năng lực sản xuất 13 triệu thùng/ngày./.