Tuyển sinh khó khăn, ngành khoa học cơ bản cần cơ chế đặc thù
Trong nhiều năm gần đây, số lượng thí sinh đăng ký vào khối ngành khoa học cơ bản giảm dần, điểm chuẩn thấp so với các ngành khoa học khác. Theo các chuyên gia, cần cơ chế đặc thù cho nhóm ngành này.
Mùa tuyển sinh đại học năm 2023 tiếp tục là một mùa tuyển sinh khó khăn của khối ngành khoa học cơ bản khi điểm chuẩn khá thấp so với các ngành học khác trong cùng một trường đại học và so với toàn hệ thống.
Điểm chuẩn thấp
Năm nay, Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) có đến 13 trên tống số 28 ngành điểm chuẩn quanh mốc 21 điểm. Trong đó hàng loạt ngành ngành khoa học cơ bản như Địa chất học, Hải dương học, Khoa học môi trường, Khí tượng và khí hậu học, Địa lý tự nhiên…điểm chuẩn chỉ 20 điểm.
Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh), điểm chuẩn các ngành khoa học cơ bản còn thấp hơn. Ngành Khoa học Môi trường, Địa chất học, Khoa học Vật liệu, Công nghệ Kỹ thuật môi trường có cùng điểm chuẩn chỉ 17 điểm.
Đại học Bách khoa Hà Nội có hàng chục ngành điểm chuẩn từ 27 điểm trở lên, trong đó ngành có điểm chuẩn cao nhất là Khoa học máy tính lên đến 29,42 điểm, nhưng một số ngành khoa học cơ bản của đại học này điểm chuẩn vẫn rất thấp. Ngành Kỹ thuật môi trường, Quản lý Tài nguyên và Môi trường có cùng mức điểm chuẩn chỉ 21 điểm, ngành Khoa học và Kỹ thuật Vật liệu (chương trình tiên tiến) điểm chuẩn 21,5 điểm, ngành Kỹ thuật Vật liệu điểm chuẩn 23,25 điểm, ngành Hóa học 23,04 điểm.
[Cả nước có trên 610.000 thí sinh trúng tuyển đại học đợt 1]
Với những trường tốp giữa và tốp dưới, điểm chuẩn khối ngành khoa hcoj cơ bản còn thấp hơn nữa. Tại Đại học Tài nguyên và Môi trường, trong khi các ngành học thuộc khối kinh tế, luật, công nghệ, du lịch đều có mức điểm từ 21 điểm trở lên thì nhiều ngành khoa học cơ bản có điểm chuẩn chỉ 15 điểm như ngành Thủy văn học, Quản lý biển, Quản lý tài nguyên nước, Khí tượng và Khí hậu học, Kỹ thuật địa chất, Kỹ thuật trắc địa-bản đồ…Tương tự, tại Đại học Mỏ Địa chất, các ngành khoa học cơ bản cũng có điểm chuẩn rất thấp, chỉ 16 điểm, như ngành Địa chất học, Kỹ thuật địa chất…
Tình trạng khó tuyển sinh, điểm chuẩn đầu vào thấp là thực trạng đã diễn ra nhiều năm nay với khối ngành khoa học cơ bản do thí sinh ít mặn mà dù đây là những ngành khoa học nền tảng.
Theo thống kê từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong mùa tuyển sinh năm 2022, chỉ tiêu đạt được của lĩnh vực khoa học tự nhiên là 59%, khoa học sự sống là 58%. Đây là hai trong bốn lĩnh vực có tỷ lệ đầu vào đại học thấp nhất trong ba năm liên tiếp (20202-2022).
Cần cơ chế đặc thù
Theo Phó giáo sư, Tiến sỹ Huỳnh Quyết Thắng, Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội ông Thắng, số liệu đăng ký tuyển sinh đại học trong 2-3 năm gần đây cho thấy, số người đăng ký ngành khoa học giảm rõ rệt, mỗi năm giảm 3%.
“Khi đội ngũ khoa học kỹ thuật giảm, chất lượng sẽ giảm đi. Như thế, việc đổi mới giáo dục và đào tạo đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TƯ về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế sẽ bấu víu vào ai?” Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội trăn trở.
Mới đây, trong buổi làm việc với Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Phó giáo sư, Tiến sỹ Ngô Phương Lan, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho hay các trường đại học đào tạo các ngành khoa học cơ bản đang rất khó khăn, đặc biệt là khi thực hiện tự chủ. "Khoa học cơ bản là nền tảng cho sự phát triển bền vững. Nếu không có sự đầu tư mạnh mẽ vào các ngành học này, nền tảng sẽ bị lung lay,” Tiến sỹ Ngô Phương Lan nhấn mạnh.
Cụ thể hơn, bà Phương Lan đề xuất Chính phủ khi sửa đổi Nghị định 81 quy định về vấn đề học phí cần có chính sách hỗ trợ học phí với một số ngành khoa học cơ bản khó tuyển sinh. Cũng theo bà Lan, từ năm 2022, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã có đề án hỗ trợ cho một số ngành khoa học khó tuyển với nhiều chính sách như miễn giảm học phí, chính sách học bổng, cố vấn học tập…
"Tôi gọi là khó tuyển chứ thực chất các trường không muốn được gọi như vậy, nghe rất tổn thương. Hiện Đại học Quốc gia đã hỗ trợ cho các ngành khoa học cơ bản 35% học phí, các trường đại học tạm thời hỗ trợ 20%. Do đó, rất mong sự quan tâm của chính phủ trong việc sửa chữa nghị định 81 sắp tới,” bà Lan chia sẻ.
Trước đó, tại Hội nghị Tổng kết năm học 2022-2023 và triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức cuối tháng Tám, Phó Giáo sư Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã kiến nghị cần có cơ chế đặt hàng đối với ngành khoa học cơ bản và tăng mức vay ưu đãi cho sinh viên.
“Dù đào tạo theo cơ chế thị trường nhưng giáo dục đào tạo là lĩnh vực đặc thù nên vẫn cần sự điều tiết của Nhà nước trong việc gắn đào tạo với các hoạt động nghiên cứu, thực hiện các nhiệm vụ chiến lược quốc gia của đất nước, giúp tạo ra sự hài hòa trong nhu cầu của người học và nhu cầu xã hội, tránh khủng hoảng thừa, thiếu nhân lực. Các ngành được đề xuất đặt hàng gồm nhóm ngành khoa học xã hội, văn hóa nghệ thuật và một số lĩnh vực khác như nông lâm ngưu nghiệp, hải dương học, địa chất, nếu không sẽ thiếu hụt nhà khoa học đầu ngành, tiến trình công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước sẽ bị chậm lại,” ông Quân nói.