Đã 5 năm người bệnh chưa được tiếp cận thuốc mới do BHYT chi trả
Thời gian thuốc mới có mặt ở Việt Nam là sau gần 4 năm kể từ lần đầu tiên ra mắt trên toàn cầu, sau đó mất thêm 2-3 năm để được xem xét bổ sung vào danh mục thuộc phạm vi thanh toán Bảo hiểm Y tế.
Đã 5 năm kể từ 2018 đến nay, danh mục thuốc thuộc phạm vi thanh toán của Bảo hiểm Y tế chưa được cập nhật, bổ sung các thuốc mới một cách tổng thể từ Thông tư TT 30/2018/TT-BYT.
Trong lần cập nhật gần nhất của Bộ Y tế, ở Thông tư TT20/2022/TT-BYT chỉ bổ sung danh mục thuốc điều trị COVID-19 mà không cập nhật thuốc mới.
Theo đúng quy trình, sau khi có mặt tại Việt Nam, các thuốc mới cần được đưa vào danh mục thuốc thuộc phạm vi thanh toán bảo hiểm y tế và từ đó đưa vào các đợt đấu thầu của bệnh viện thì người bệnh mới có cơ hội tiếp cận thông qua sử dụng bảo hiểm y tế.
[Bộ Y tế đề xuất BHYT chi trả sàng lọc một số bệnh phổ biến]
Thực tế, thời gian thuốc mới có mặt ở Việt Nam là sau gần 4 năm kể từ lần đầu tiên ra mắt trên toàn cầu, sau đó mất khoảng thêm 2-3 năm để được xem xét bổ sung vào danh mục thuốc thuộc phạm vi thanh toán bảo hiểm y tế. Trong khi đó, thời gian trung bình kể từ khi được cấp giấy đăng ký lưu hành đến khi thuốc được cập nhật vào danh mục Bảo hiểm Y tế chi trả ở Nhật Bản (3 tháng), Anh, Pháp (15 tháng), Hàn Quốc (18 tháng).
Theo thống kê của Bộ Y tế, hiện nay, 95/100 giường bệnh ở Việt Nam thuộc các bệnh viện công lập, người bệnh tiếp cận thuốc mới chủ yếu thông qua các cơ sở khám chữa bệnh công lập và được chi trả bởi bảo hiểm y tế. Mặt khác, theo thống kê, đến năm 2022 chỉ có 9% thuốc mới có mặt tại Việt Nam (trong tổng 460 thuốc mới ra thị trường từ năm 2012 tới cuối năm 2021). Điều này đồng nghĩa với việc hạn chế khả năng bệnh nhân được tiếp cận đến các giải pháp điều trị mới, tiên tiến thông qua kênh bảo hiểm y tế.
Các chuyên gia cho rằng danh mục thuốc thuộc phạm vi thanh toán Bảo hiểm Y tế cần được cập nhật, bổ sung các thuốc mới một cách tổng thể, sớm nhất và có cơ chế cập nhật định kỳ một năm một lần. Việc này mang lại những lợi ích to lớn trong khám chữa bệnh cho cả người bệnh lẫn y bác sĩ điều trị đồng thời góp phần thúc đẩy thực hiện mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân.
Theo thống kê, mức chi trả bằng tiền túi cho dịch vụ y tế của Việt Nam chiếm đến 45% tổng chi tiêu y tế, so với chỉ số mục tiêu được Tổ chức Y tế Thế giới khuyến nghị chỉ là 20%. Bên cạnh đó, dân số ngày càng già hóa khiến nhu cầu điều trị gia tăng, đòi hỏi việc sử dụng nguồn lực y tế hiệu quả.
Việc tiến tới mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân, đảm bảo tính bình đẳng trong tiếp cận điều trị và sử dụng nguồn quỹ bảo hiểm bền vững đặt ra thách thức cho các nhà hoạch định chính sách, cơ quan chi trả và các bên liên quan. Các chuyên gia khuyến nghị cần cấp thiết xem xét, thực hiện lấy ý kiến, nhu cầu từ các cơ sở y tế về việc điều chỉnh, bổ sung thuốc vào danh mục thuốc thuộc phạm vi thanh toán Bảo hiểm Y tế trong năm nay. Việc này đặc biệt quan trọng vì quy trình cập nhật danh mục mới có thể mất đến 8 tháng đến hơn một năm để hoàn tất.