Tuyên Quang đấu tranh xóa bỏ hoàn toàn các loại hình tà đạo, đạo lạ

Tuyên Quang đã xóa bỏ hoàn toàn 12/12 loại hình tà đạo, đạo lạ trên địa bàn tỉnh, được cấp ủy, chính quyền địa phương và Bộ Công an ghi nhận, đánh giá cao.

Tham dự hội nghị có hơn 200 đại biểu đại diện các sở, ngành thành viên Ban Chỉ đạo Nhân quyền tỉnh và đại biểu trong lực lượng công an trong tỉnh. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tại tỉnh Tuyên Quang, công tác đấu tranh xóa bỏ các loại hình tà đạo, đạo lạ được triển khai đồng bộ, quyết liệt, xóa bỏ hoàn toàn các loại hình tà đạo, đạo lạ trên địa bàn tỉnh, được cấp ủy, chính quyền địa phương và Bộ Công an ghi nhận, đánh giá cao.

Đó là phát biểu của Đại tá Hà Phúc Thịnh, Phó Giám đốc Công an tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Nhân quyền tỉnh Tuyên Quang trong Hội nghị tập huấn công tác nhân quyền năm 2024 do Văn phòng Thường trực về Nhân quyền Chính phủ phối hợp với Ban chỉ đạo Nhân quyền tỉnh Tuyên Quang tổ chức ngày 19/11.

Tham dự hội nghị có hơn 200 đại biểu đại diện các sở, ngành thành viên Ban Chỉ đạo Nhân quyền tỉnh và đại biểu trong lực lượng công an trong tỉnh.

Đại tá Hà Phúc Thịnh, Phó Giám đốc Công an tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Nhân quyền tỉnh Tuyên Quang. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Đại tá Hà Phúc Thịnh cho biết trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, công tác bảo đảm, đấu tranh về nhân quyền đã được các cấp ủy, chính quyền cơ quan, ban, ngành và đặc biệt là Ban Chỉ đạo nhân quyền tỉnh Tuyên Quang quan tâm chỉ đạo, thống nhất thực hiện; qua đó góp phần xác định rõ hơn vị trí, vai trò, tầm quan trọng và nâng cao chất lượng công tác nhân quyền trên địa bàn, không có vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự và không để phát sinh tình huống gây tác động tiêu cực đến công tác đấu tranh, bảo vệ nhân quyền của đất nước và địa phương.

Bên cạnh những mặt tích cực, công tác bảo đảm nhân quyền trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế nhất định: Việc trao đổi, phối hợp thực hiện công tác còn hạn chế về số lượng, chưa đa dạng về hình thức; việc chấp hành chế độ thông tin báo cáo định kỳ ở một số đơn vị chưa được thực hiện nghiêm túc, dẫn đến khó khăn trong việc tổng hợp, tham mưu phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo...

Theo Đại tá Hà Phúc Thịnh, những tồn tại, hạn chế nêu trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân cả khách quan và chủ quan. Một trong những nguyên nhân chính tác động, chi phối mạnh mẽ đến việc thực hiện hiệu quả công tác nhân quyền đó là sự hiểu biết của một bộ phận cấp ủy, lãnh đạo, cán bộ, đảng viên về tình hình công tác nhân quyền trong tình hình mới còn hạn chế, chưa theo kịp diễn biến nhanh, khó lường của tình hình thế giới, nên ảnh hưởng tới khả năng dự báo “đúng, trúng” tình hình trong thời gian tiếp theo, làm tiền đề, cơ sở để kịp thời triển khai các biện pháp trong đấu tranh, bảo vệ nhân quyền.

Đại tá Nguyễn Thị Thanh Hương, Trưởng Phòng Chuyên đề Nhân quyền, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Nhân quyền. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tại hội nghị, Đại tá Nguyễn Thị Thanh Hương, Trưởng Phòng Chuyên đề Nhân quyền, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Nhân quyền cho biết thời gian tới, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó dự báo. Dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo vẫn là hướng chủ đạo mà các thế lực phản động, thù địch khai thác để gây sức ép, kích động số đối tượng chống đối.

Chính vì vậy, công tác bảo đảm quyền con người và đấu tranh vô hiệu hoá hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, lâu dài và cần sự chung tay của cả hệ thống chính trị các cấp. Công tác nhân quyền phải kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống” trên cơ sở bảo đảm tốt nhất quyền của người dân, đặc biệt trong giai đoạn giữa nhiệm kỳ 2023-2025 thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, Việt Nam sẽ tiếp tục tham gia sâu hơn trong công tác thúc đẩy đối thoại, hợp tác về nhân quyền, thúc đẩy các cam kết để tái ứng cử thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2026-2028.

Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tại Hội nghị tập huấn các đại biểu đã nghe các báo cáo viên trình bày hai chuyên đề gồm: Công tác nhân quyền trong tình hình mới; Bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo, nhận diện các hoạt động lợi dụng vấn đề tự do tín ngưỡng, tôn giáo để chống phá Việt Nam.

Phát biểu bế mạc Hội nghị, Đại tá Hà Phúc Thịnh, Phó Giám đốc Công an tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Nhân quyền tỉnh khẳng định Hội nghị đã cung cấp những thông tin thiết thực, cập nhật tình hình mới nhất về công tác nhân quyền đồng thời định hướng giúp đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác bảo đảm quyền con người, đặc biệt trong công tác tham mưu cụ thể hóa các chủ trương, giải pháp chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác bảo đảm và đấu tranh, bảo vệ nhân quyền./.