Trường chính trị đầu tiên ở Đồng bằng sông Cửu Long đạt chuẩn mức 1
Đây là trường đầu tiên ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long được công nhận đạt chuẩn mức 1 theo Quy định số 11-QĐ/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng.
Chiều 4/10, tại thành phố Long Xuyên (An Giang), Trường Chính trị Tôn Đức Thắng tổ chức Lễ đón nhận Bằng công nhận Trường Chính trị đạt chuẩn mức 1.
Đây là trường đầu tiên ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long được công nhận đạt chuẩn mức 1 theo Quy định số 11-QĐ/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng.
Tại buổi lễ, Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh qua hơn 3 năm triển khai Quy định 11-QĐ/TW về trường chính trị chuẩn được Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành ngày 19/5/2021, hệ thống trường chính trị trong cả nước đang chuyển mình mạnh mẽ, bứt phá nhanh, quyết liệt, đồng bộ, toàn diện.
Hiện cả nước có 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã phê duyệt Đề án trường chính trị chuẩn, có 12 trường được công nhận chuẩn mức 1. Trong đó Trường Chính trị Tôn Đức Thắng tỉnh An Giang là trường đầu tiên trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đạt chuẩn mức 1.
Đây là niềm vui của tập thể cán bộ, giảng viên nhà trường cũng như của cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị tỉnh An Giang và các trường chính trị khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng đề nghị, nhà trường tiếp tục nỗ lực, sớm hoàn thiện các tiêu chí chuẩn mức 2 trong nhóm các trường dẫn đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang tiếp tục quan tâm, tin tưởng giao các nhiệm vụ khoa học cấp tỉnh cho trường, nhất là giao cho trường chủ trì phối hợp sở, ban, ngành, địa phương tham mưu, nghiên cứu, tổng kết thực tiễn những vấn đề mang tính chiến lược liên quan đến công tác xây dựng Đảng, phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh và đối ngoại của tỉnh.
Đồng thời tham gia góp ý kiến văn kiện dự thảo Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng và Đại hội đại biểu của tỉnh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2025-2030.
Thực hiện Quy định 11-QĐ/TW của Ban Bí thư, Đề án 04-ĐA/TU, ngày 22/12/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Xây dựng và phát triển Trường Chính trị Tôn Đức Thắng đạt các tiêu chí trường chính trị chuẩn,” trường đã đạt 6/6 tiêu chí, 55/55 chỉ tiêu trường chuẩn mức I, trong đó có 11 chỉ tiêu vượt và về đích sớm hơn 2 năm so với Đề án được Ban Thường vụ Tỉnh ủy phê duyệt.
Qua 76 năm xây dựng và phát triển, Trường Chính trị Tôn Đức Thắng ngày càng khang trang, xứng tầm là nơi đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cấp tỉnh duy nhất, trung tâm nghiên cứu khoa học chính trị của tỉnh. Đến nay, cơ sở vật chất hiện đại; đội ngũ cán bộ giảng viên có trình độ cao, ngày càng chuẩn hóa. Trường hiện có 43 cán bộ, viên chức; có 37 giảng viên gồm 3 tiến sỹ, 32 thạc sỹ, 9 cử nhân, 2 nghiên cứu sinh…
Tiến sỹ Hồ Ngọc Trường, Hiệu trưởng Trường Chính trị Tôn Đức Thắng đánh giá công tác xây dựng văn hóa trường đảng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng được nhà trường quan tâm toàn diện.
Nổi bật đã xây dựng và thực hiện tốt quy tắc ứng xử văn hóa trường Đảng cho các chủ thể trong nhà trường; xây dựng, triển khai tốt các giá trị chuẩn mực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đối với cán bộ, viên chức, học viên nhà trường.
Hiệu trưởng Trường Chính trị Tôn Đức Thắng nhấn mạnh, trường luôn được Tỉnh ủy đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên; đội ngũ cán bộ, viên chức gương mẫu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh…
Tại buổi lễ, ông Lê Hồng Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang đề nghị, Trường Chính trị Tôn Đức Thắng có kế hoạch đảm bảo duy trì tốt chuẩn mức 1, phấn đầu thực hiện các tiêu chí chuẩn mức 2.
Trường chú trọng xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên mẫu mực về đạo đức và tri thức, xứng đáng là những chiến sĩ tiên phong trên mặt trận giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, tư tưởng của Đảng bộ tỉnh.
Bí thư Tỉnh ủy An Giang yêu cầu, Trường tập trung đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo hướng gắn lý luận với thực tiễn; tăng cường giáo dục nhân cách, rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, ý thức tổ chức kỷ luật, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến," "tự chuyển hóa" trong đội ngũ cán bộ, đảng viên…/.