Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ các tỉnh: Thúc đẩy tăng trưởng các tháng cuối năm
Các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau, Hải Dương đã tổ chức hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ, quyết định một số chủ trương quan trọng, thu hút sự quan tâm của xã hội.
Trong những ngày này, Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ đã được tổ chức ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước để đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ 9 tháng, đề ra phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới.
Hội nghị cũng đã quyết định một số chủ trương quan trọng khác theo thẩm quyền, thu hút sự quan tâm của xã hội.
Kiên Giang chú trọng các lĩnh vực mũi nhọn, chủ lực
Tại Kiên Giang, giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 3 tháng cuối năm được tỉnh đưa ra là chú trọng các lĩnh vực mũi nhọn, chủ lực để đạt và vượt kế hoạch năm; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, gắn với chuyển đổi số, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng lên chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
Trong quý 4, tỉnh phấn đấu giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) hơn 21.000 tỷ đồng; sản lượng lúa 0,8 triệu tấn, cả năm đạt 4,6 triệu tấn; thúc đẩy phát triển thủy sản, thực hiện đề án nuôi biển, quyết liệt chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), không để xảy ra tàu cá vi phạm; phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp 14.637 tỷ đồng, cả năm đạt 55.439 tỷ đồng; huy động vốn đầu tư toàn xã hội 37.289 tỷ đồng, cả năm đạt 69.373 tỷ đồng.
Tỉnh phấn đấu giải ngân vốn năm 2024 đạt từ 95% kế hoạch trở lên; rà soát các dự án trọng điểm, tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thành một số công trình đưa vào sử dụng và khởi công một số công trình mới.
Tỉnh chủ động phòng, chống thiên tai, dịch bệnh; bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế, hóa chất phục vụ cho khám, chữa bệnh nhân dân, tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo hiểm y tế.
Kiên Giang tập trung thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, chăm lo các đối tượng chính sách, người có công và các đối tượng bảo trợ xã hội; thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách giảm nghèo, nhà ở cho người nghèo theo phong trào “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát”; tiếp tục triển khai hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.
Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Đỗ Thanh Bình đề nghị các cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030; tiếp tục sắp xếp kiện toàn đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ...
Trong đợt này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quyết định tặng và truy tặng Huy hiệu Đảng cho 836 đảng viên đủ tiêu chuẩn. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kiên Giang tổ chức lễ trao Huy hiệu Đảng đợt 2/9 và 7/11/2024 cho 13 đảng viên; trong đó, trao Huy hiệu Đảng 55 năm cho 1 đảng viên, 50 năm cho 2 đảng viên, 40 năm cho 6 đảng viên, 30 năm cho 4 đảng viên.
Cà Mau phát huy các động lực tăng trưởng
Trong khi đó, tại Cà Mau, tỉnh tận dụng mọi cơ hội, phát huy các động lực tăng trưởng tạo bứt phá trong phát triển kinh tế-xã hội, góp phần hoàn thành cao nhất mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Tỉnh ủy năm 2024 đề ra.
Ông Nguyễn Tiến Hải, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Cà Mau yêu cầu các cơ quan, đơn vị phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Trung ương để tiếp tục triển khai thực hiện các nội dung kết luận của Thủ tướng Chính phủ, nhất là dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng Sân bay Cà Mau; Cảng biển Hòn Khoai; nâng cấp, mở rộng tuyến đường từ thành phố Cà Mau đến mũi Cà Mau.
Đồng thời, các cơ quan, đơn vị tăng cường kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án, nhất là những công trình, dự án chào mừng Đại hội XVII Đảng bộ tỉnh, gắn với thực hiện các khâu đột phá chiến lược; 3 Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại tỉnh.
Các sở, ngành, địa phương tăng cường công tác chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các văn bản của Trung ương, của tỉnh về ngăn chặn những hành vi tàu cá khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định; xử lý mạnh, nghiêm túc đối với hành vi liên quan đến khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép thủy sản; thực hiện quyết liệt, thường xuyên các nhiệm vụ ngăn chặn tình trạng khai thác nguồn lợi thủy sản có tính hủy diệt theo tinh thần Chỉ thị số 17-CT/TU, ngày 26/02/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nhất là đánh bắt, khai thác, mua bán cá non.
Đồng thời, cơ quan chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, tránh để tái diễn tình trạng sử dụng các phương tiện, ngành nghề khai thác, hóa chất cấm, chất độc, chất nổ, xung điện để khai thác nguồn lợi thủy sản có tính hủy diệt.
Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau cũng yêu cầu cơ quan chức năng theo dõi sát diễn biến thời tiết để có biện pháp ứng phó kịp thời, hướng dẫn người dân chủ động trong sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi phù hợp; tăng cường ứng dụng mạnh mẽ khoa học -công nghệ vào sản xuất; tổng kết, nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế cao; tổ chức sản xuất theo mô hình liên kết chuỗi giá trị; củng cố, nâng cao chất lượng kinh tế tập thể, tổ hợp tác và hợp tác xã; tập trung phát triển sản xuất theo hướng đa cây, đa con nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất bền vững.
Chín tháng năm 2024, tình hình kinh tế-xã hội tỉnh Cà Mau tiếp tục chuyển biến tích cực, nhiều chỉ tiêu chủ yếu đạt khá so kế hoạch đề ra, tăng so cùng kỳ năm 2023: tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) tăng 6,45%, sản lượng thủy sản tăng 1,8%, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5%, kim ngạch xuất khẩu đạt 960 triệu USD, tăng 9%; thu ngân sách nhà nước đạt 4.496 tỷ đồng, tăng 8,5%.
Tỉnh thu hút được trên 1,62 triệu lượt khách du lịch, doanh thu đạt 2.313 tỷ đồng. Công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) và chống khai thác có tính chất hủy diệt được các cấp, các ngành quan tâm đẩy mạnh thông qua thực hiện tốt việc kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Công tác xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả quả quan, đến nay, toàn tỉnh có 60/82 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; thành phố Cà Mau hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị gắn phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau chỉ đạo với tinh thần kiên quyết, kiên trì; cải cách tư pháp đạt nhiều kết quả quan trọng; quốc phòng-an ninh giữ vững ổn định; công tác trật tự an toàn giao thông được bảo đảm, tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí về số vụ tai nạn, số người bị thương và số người tử vong.
Hải Dương đẩy mạnh phát triển liên kết vùng
Tại hội nghị lần thứ 21, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hải Dương khóa XVII do Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương, các đại biểu đã tiến hành kiểm điểm, đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 30- NQ/TW, ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; thảo luận, xem xét báo cáo dự thảo đề cương báo cáo chính trị, báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2025-2030; quán triệt, triển khai một số văn bản mới của Trung ương.
Theo Ban cán sự Đảng Ủy ban Nhân dân tỉnh Hải Dương, để thực hiện tốt Nghị quyết số 30, thời gian tới tỉnh sẽ tập trung huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực; khai thác và phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh để tạo sự phát triển bứt phá; quyết liệt thực hiện các mục tiêu và các khâu đột phá để phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tiềm năng khoa học, công nghệ.
Hải Dương cũng tập trung phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ; phát triển theo các trụ cột chiến lược và hướng tới hình thành các vùng sản xuất theo quy hoạch.
Hải Dương tập trung huy động các nguồn lực triển khai thực hiện các phương án và kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh; phối hợp với các tỉnh, thành phố triển khai quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng sau khi được phê duyệt.
Tỉnh cũng tập trung hoàn thành sớm mục tiêu xây dựng nhà ở xã hội, nhất là cho các đối tượng chính sách xã hội, người có công, người nghèo, người có thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp. Tỉnh cũng tiếp tục phát triển văn hóa-xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Đầu tư, nâng cấp và hoàn thiện mạng lưới cơ sở giáo dục các cấp, khắc phục tình trạng thiếu phòng học, lớp học, trang thiết bị dạy và học; nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân; nâng cao hiệu quả các chính sách người có công, trợ giúp xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Đến nay, Hải Dương đã xây dựng hoàn thành Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW, tỉnh Hải Dương đã xây dựng và triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 là tỉnh công nghiệp hiện đại, có quy mô nền kinh tế lớn trong cả nước. Kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ; hệ thống đô thị phát triển xanh, thông minh, hiện đại, giàu bản sắc; đạt một số tiêu chí cơ bản của thành phố trực thuộc trung ương.
Về mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể gồm: Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt khoảng 9,5%/năm; GRDP bình quân đầu người (theo giá hiện hành) đạt trên 180 triệu đồng; Tỷ lệ thất nghiệp xuống dưới mức 2%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1,0 - 1,5%/năm; Tỷ lệ số giường bệnh/10.000 dân là 40,5 giường bệnh; số bác sĩ/vạn dân đạt 15 bác sỹ; Tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng trên 55%...
Đến năm 2050, Hải Dương đạt tiêu chí của thành phố trực thuộc Trung ương. Để tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW có hiệu quả, Hải Dương đề nghị trung ương quan tâm, tạo điều kiện trong việc huy động, bố trí các nguồn vốn đầu tư hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chung của vùng theo quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng đã được phê duyệt.
Trong số đó, ưu tiên sớm đầu tư hoàn thành khu kinh tế chuyên biệt tỉnh Hải Dương; dự án đường vành đai V vùng Thủ đô Hà Nội; tuyến đường cao tốc Nội Bài-Bắc Ninh-Hạ Long; đường sắt Yên Viên-Phả Lại-Hạ Long-Cái Lân; đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng; các tuyến quốc lộ và đường thủy nội địa; hoàn chỉnh hệ thống đê điều…
Xem xét chấp thuận tỉnh Hải Dương thực hiện một số cơ chế đặc thù: về tài chính, ngân sách; về thu hút đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng, cung ứng nguồn nhân lực, phát triển nông nghiệp, công nghiệp, xuất nhập khẩu hàng hóa./.