Trung Quốc công bố kế hoạch để đạt được các mục tiêu carbon thấp
Trung Quốc đặt mục tiêu đến năm 2030, nhiên liệu phi hóa thạch (gió, mặt trời, thủy điện, gió ngoài khơi và điện hạt nhân ven biển) chiếm 25% tổng cơ cấu năng lượng của nước này.
Trung Quốc đã công bố một hướng dẫn đột phá nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh toàn diện trên tất cả các lĩnh vực kinh tế-xã hội, đánh dấu lần đầu tiên nước này triển khai các mục tiêu xanh và carbon thấp một cách có hệ thống.
Các chuyên gia cho rằng hướng dẫn rộng rãi này sẽ củng cố hơn nữa vai trò đi đầu của Trung Quốc trong quá trình chuyển đổi xanh và thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của nước này trong việc thực hiện các cam kết quốc gia về giảm phát thải carbon.
Hướng dẫn 33 điểm do Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Quốc vụ viện nước này ban hành đã vạch ra các mục tiêu chính liên quan đến quá trình chuyển đổi xanh rộng rãi đến năm 2030.
Đến năm 2030, các khu vực trọng điểm trong lĩnh vực kinh tế và xã hội sẽ đạt được những tiến bộ đáng kể trong chuyển đổi xanh.
Theo hướng dẫn, đến năm 2035, nền kinh tế xanh, carbon thấp và tuần hoàn về cơ bản sẽ được thiết lập, lượng khí thải carbon sẽ đạt đỉnh và sau đó giảm dần, phát triển kinh tế và xã hội sẽ hoàn toàn đi theo con đường xanh.
Hướng dẫn trên dự kiến quy mô của ngành công nghiệp tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường sẽ đạt khoảng 15.000 tỷ nhân dân tệ (2.000 tỷ USD) bằng cách tích cực thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng của các ngành công nghiệp và mô hình kinh doanh carbon thấp, xanh.
Đến năm 2030, mục tiêu đặt ra là nhiên liệu phi hóa thạch (gió, mặt trời, thủy điện, gió ngoài khơi và điện hạt nhân ven biển) chiếm 25% tổng cơ cấu năng lượng.
Để đạt được mục tiêu này, hướng dẫn nhấn mạnh sự cần thiết phải đẩy nhanh việc phát triển các nguồn năng lượng này phù hợp với điều kiện địa phương.
Những mục tiêu này cũng phù hợp với các nghị quyết gần đây của Chính phủ Trung Quốc nhằm thúc đẩy nền kinh tế xanh, carbon thấp và tuần hoàn thông qua sự hỗ trợ chính sách toàn diện, bao gồm các biện pháp tài khóa, thuế, tài chính, đầu tư và định giá.
Ông Ma Jun, Giám đốc Viện Nghiên cứu Công cộng và Môi trường có trụ sở tại Bắc Kinh, nhận định Trung Quốc là một trong những quốc gia phát triển nhanh nhất về năng lượng tái tạo nhờ những nỗ lực rộng rãi trong việc lắp đặt turbin gió, hệ thống thủy điện và tấm pin mặt trời cũng như mở rộng xe năng lượng mới.
Tuy nhiên, ông lưu ý rằng cấu trúc năng lượng của Trung Quốc vẫn phụ thuộc nhiều vào than đá và phải đối mặt với những thách thức bên trong và bên ngoài.
Ông nhấn mạnh "vào thời điểm quan trọng này, hướng dẫn mới với các biện pháp rõ ràng là rất quan trọng để Trung Quốc đạt được các mục tiêu về phát thải carbon."./.