Triển vọng nhu cầu suy yếu, giá dầu giảm xuống gần mức thấp của 3 năm

Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) dự báo nhu cầu dầu thế giới sẽ tăng 2,03 triệu thùng/ngày vào năm 2024, giảm so với dự báo tăng 2,11 triệu thùng/ngày của tháng trước.

Một cơ sở lọc dầu trên đảo Khark, ngoài khơi Vùng Vịnh. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Phiên 10/9, giá dầu Brent đã xuống quanh mức thấp nhất kể từ tháng 12/2021 sau khi các nhà sản xuất lớn điều chỉnh giảm dự báo nhu cầu toàn cầu trong năm nay và năm tới.

Cụ thể, giá dầu Brent kỳ hạn giảm 2,65 USD (tương đương 3,69%) ở mức 69,19 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 2,96 USD (4,31%) xuống 65,75 USD/thùng.

Cả hai loại dầu tiêu chuẩn đều giảm gần 3 USD trong phiên, sau khi mỗi loại tăng khoảng 1% vào phiên 9/9. Giá dầu thô WTI kỳ hạn có lúc giảm hơn 5% trong phiên này và chạm mức thấp nhất kể từ tháng 5/2023.

Báo cáo hằng tháng công bố ngày 10/9 của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cho biết nhu cầu dầu thế giới sẽ tăng 2,03 triệu thùng/ngày vào năm 2024, giảm so với dự báo tăng 2,11 triệu thùng/ngày của tháng trước. Đây là lần điều chỉnh giảm dự báo đầu tiên của OPEC kể từ tháng 7/2023.

OPEC cũng cắt giảm ước tính tăng trưởng nhu cầu toàn cầu năm 2025 từ 1,78 triệu thùng/ngày xuống còn 1,74 triệu thùng/ngày. Mức điều chỉnh giảm do triển vọng nhu cầu toàn cầu suy yếu và kỳ vọng về tình trạng dư cung dầu.

Trong khi đó, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) vào cùng ngày 10/9 cho biết nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng trong năm nay khi tăng trưởng sản lượng sẽ nhỏ hơn so với dự báo trước đó.

Cụ thể, EIA dự kiến nhu cầu dầu toàn cầu sẽ đạt trung bình khoảng 103,1 triệu thùng/ngày trong năm nay, cao hơn khoảng 200.000 thùng/ngày so với dự báo trước đó là 102,9 triệu thùng/ngày.

Dù vậy, giá dầu vẫn ở mức thấp sau khi EIA công bố dự báo vì những lo ngại về nhu cầu tại Trung Quốc.

Số liệu công bố hôm 10/9 cho thấy xuất khẩu tháng 8/2024 của Trung Quốc tăng ở mức nhanh nhất trong gần 1 năm rưỡi, nhưng nhập khẩu lại gây thất vọng do nhu cầu trong nước giảm.

Ông Clay Seigle, một chiến lược gia thị trường dầu mỏ, cho biết các nền kinh tế tiên tiến gần như không tăng trưởng nhu cầu dầu trong năm nay. Như với Trung Quốc, các biện pháp kích thích tài khóa không thúc đẩy được lĩnh vực xây dựng - đó là một lý do quan trọng khiến nhu cầu dầu diesel của Trung Quốc giảm.

Theo ông Phil Flynn, một nhà phân tích cấp cao tại công ty dịch vụ tài chính Price Futures Group, các nhà đầu tư ngày càng đặt cược vào khả năng nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng chậm lại./.