Trí tuệ Nhân tạo giúp sáng tác tập tiếp theo của "Bác sỹ quái dị"
Nhân vật chính của bộ truyện là Black Jack, một bác sỹ phẫu thuật thiên tài nhưng không có giấy phép, với những ca phẫu thuật gắn liền với những câu chuyện bí ẩn về cuộc đời của mỗi bệnh nhân.
40 năm sau khi tập cuối cùng được xuất bản, tập mới nhất của “Black Jack,” kiệt tác của họa sỹ truyện tranh nổi tiếng Osamu Tezuka (1928-1989) đã được hoàn thành với sự trợ giúp của Trí tuệ Nhân tạo.
Tập mới dài 32 trang, tự đề “TEZUKA 2023 Black Jack: A Machine Heart–Heartbeat Mark II,” được phát hành vào ngày 22/11 trên tạp chí Weekly Shonen Champion.
Makoto Tezuka, con trai của tác giả và là giám đốc của Tezuka Productions Co., thừa nhận về những tranh cãi xung quanh việc sáng tác bằng AI, bao gồm những lo ngại về bản quyền cũng như tình trạng việc làm cho các nghệ sỹ.
Ông cho biết: “Tôi biết không phải ai cũng hài lòng với dự án này. Nhưng tôi hy vọng điều này sẽ thúc đẩy các cuộc thảo luận sâu hơn về những ứng dụng sáng tạo của AI.”
Tập truyện mới do một nhóm các thành viên đến từ Tezuka Productions, đứng đầu là Satoshi Kurihara, một chuyên gia AI và là Giáo sư Kỹ thuật tại Đại học Keio, sản xuất.
“Black Jack” là một trong những tác phẩm tiếng nhất của tác giả Osamu Tezuka, người thường được ca ngợi là “chúa tể của truyện tranh.”
Nhân vật chính của bộ truyện là Black Jack, một bác sỹ phẫu thuật thiên tài nhưng không có giấy phép, với những ca phẫu thuật cực kỳ khéo léo gắn liền với những câu chuyện bí ẩn về cuộc đời của mỗi bệnh nhân.
Bộ truyện kéo dài từ tháng 11/1973 đến tháng 10/1983, với hơn 200 tập truyện.
Trong phần truyện mới nhất, Black Jack cứu chữa cho một bệnh nhân bị một khối u máu hình thành trên trái tim nhân tạo được AI cấy vào cơ thể.
Bằng cách sử dụng chatbot GPT-4 và chương trình tạo hình ảnh Stable Diffusion, các thành viên trong nhóm dự án đã tương tác với AI để sáng tạo nội dung, thiết kế nhân vật, từ đó tạo ra những hình ảnh minh họa.
Những người tham gia dự án cho biết ý tưởng về một trái tim nhân tạo và cụm từ “Heartbeat Mark II” đều là do AI gợi ý.
Ý tưởng sử dụng AI để vẽ truyện tranh theo phong cách Tezuka đã được đưa ra vào năm 2019. Nó được ra đời từ những băn khoăn rằng: “Nếu họa sỹ vẫn còn sống và tiếp tục vẽ truyện, ông ấy sẽ làm gì?”
Vào năm 2020, một chương trình AI chuyên nghiên cứu các tác phẩm của Tezuka đã đưa ra phác thảo câu chuyện sơ bộ và những ý tưởng ban đầu để tạo nên nhân vật cho một tác phẩm mới có tựa đề là “Paidon.”
“Paidon” lấy bối cảnh Tokyo vào năm 2030. Một triết gia vô gia cư có tên là Paidon đã quay lưng lại với xã hội bị kiểm soát chặt chẽ mà mình đang sống, để cống hiến hết mình cho việc điều tra tội phạm.
Vào thời điểm đó, người đứng đầu nhóm dự án Satoshi Kurihara đã bắt tay vào cùng nghiên cứu câu chuyện với các đồng nghiệp của mình. Các thành viên sau đó đã thêm các chi tiết cho câu chuyện và vẽ tranh minh họa cho “Paidon.”
Mặc dù tác phẩm do AI tạo nên, nhưng các thành viên trong nhóm vẫn phải tinh chỉnh kịch bản thông qua các trao đổi với AI để khiến câu chuyện trở nên tự nhiên hơn. Họ cũng có thể tạo nên các tranh minh họa với các đường nét mô phỏng phong cách của Tezuka bằng cách sử dụng AI.
Giáo sư Satoshi Kurihara cho biết: “Nhiều người lo lắng về AI, nhưng trong dự án của chúng tôi, AI là nhằm hỗ trợ con người chứ không phải là mối đe dọa thay thế chúng ta.”
Tại Việt Nam, Osamu Tezuka rất quen thuộc với độc giả qua các bộ truyện “Black Jack” (Bác sỹ quái dị), “Mitsume ga Tooru” (Cậu bé ba mắt), “Tetsuwan Atom” (Astro Boy), “Jungle Taitei” (Sư tử trắng Simba).
Trong số này, “Black Jack” được tái bản nhiều lần với nhiều hình thức khác nhau, của nhiều nhà xuất bản khác nhau, nhưng đều có tên gọi chung là Bác sỹ quái dị.
Bộ truyện này gắn liền với tuổi thơ của thế hệ 8x, cùng với các tác phẩm của các tác giả Nhật Bản nổi tiếng khác như “Doremon” của Fujiko F.Fujio hay “Dr.Slum” của Akira Toriyama.
Những tác phẩm của Osamu Tezuka thường mang tính chất bí ẩn, hấp dẫn, thu hút không chỉ độc giả trẻ em mà còn cả người lớn. Phong cách vẽ điển hình của tác giả là những nhân vật với gương mặt bầu bĩnh và đôi mắt to.
Tuy nhiên, do những yếu tố liên quan đến bản quyền, hầu hết những tác phẩm được xuất bản ở Việt Nam một cách rời rạc, dở dang, nhưng cũng đủ để tạo nên sắc màu cho tuổi thơ của một thế hệ độc giả Việt Nam./.